Triển lãm ô tô Paris 2014 - Sàn diễn công nghệ
(Dân trí) - Không hẹn mà gặp, nhiều nhà sản xuất ô tô đã chọn sự kiện Paris Motor Show 2014 để giới thiệu các công nghệ mới.
Hyundai:
Tại Triển lãm ô tô Paris 2014, Hyundai đã giới thiệu hai động cơ xăng tăng áp dung tích nhỏ hoàn toàn mới, cùng hộp số 7 cấp ly hợp kép đầu tiên của hãng.
Bản 1.0L T-GDI sẽ có trên xe i20 thế hệ mới vào năm 2015, còn bản 1.4L T-GDI sẽ được dùng cho xe i30 CNG Concept.
Cả hai động cơ mới này đều thuộc dòng Kappa. Bản 1.0L T-GDI dùng van cửa xả (waste-gate) điều khiển điện để tối ưu hoá dòng chảy, đồng thời cải thiện mô-men xoắn ở vòng tua thấp và độ nhạy của bướm ga; cùng với bộ phun xăng GDI với áp suất lên tới 200 bar, nhằm tăng hiệu quả sử dụng nhiên liệu và giảm lượng khí thải, đáp ứng tiêu chuẩn Euro 6.
Trong khi đó, bản 1.4L nhẹ hơn động cơ trước thuộc dòng Gmama tới 14kg, xuống chỉ còn 87kg. Động cơ này cũng nhỏ hơn và tích hợp bộ tăng áp đơn (single-scroll) có tỷ số nén cao. Hyundai cũng cho biết hãng đã cải thiện độ nhạy bướm ga và mô-men xoắn ở vòng tua thấp.
Về hộp số 7 cấp ly hợp kép (7DCT), Hyundai cho biết hiệu quả tiêu thụ nhiên liệu được cải thiện và lượng khí thải CO2 thấp hơn so với hộp số tự động 6 cấp truyền thống, đồng thời cho xe khả năng tăng tốc tốt hơn.
Kia:
Hệ thống này gồm một động cơ diesel CRDi 1.7L tích hợp cả bộ tăng áp thông thường và một bộ tăng áp điện, kết hợp với một mô-tơ điện chạy bằng bộ pin chì-carbon 48V.
Xe có thể chạy hoàn toàn bằng điện ở tốc độ thấp, với tính năng phanh tái tạo năng lượng (biến động năng khi xe giảm tốc thành điện năng để sạc bình điện).
Bộ tăng áp điện được giới thiệu là giúp tăng mô-men xoắn và độ nhạy của động cơ ở tốc độ thấp.
Kia cho biết hãng chọn dùng pin chì-carbon vì cấu tạo phù hợp với hệ thống hybrid nhẹ (mild hybrid) của xe. "Không như pin lithium-ion, loại pin chì-carbon không cần hệ thống làm mát và dễ tái sử dụng hơn," theo giải thích của Kia.
Ngoài ra, mẫu xe concept này còn được trang bị hệ thống Dừng-khởi động và hệ thống phát điện khởi động bằng dây đai thay cho loại máy phát truyền thống.
Hệ thống hybrid vẫn đang trong quá trình phát triển nên chưa được tiết lộ thông số vận hành hay mức tiêu thụ nhiên liệu. Tuy nhiên, Kia cho biết, mục tiêu của hãng là cắt giảm lượng khí thải CO2 và tăng hiệu quả tiêu thụ nhiên liệu từ 15-20% so với hệ thống đang dùng cho xe Optima Hybrid.
Lamborghini:
Tại Triển lãm ô tô Paris 2014 diễn ra từ ngày 2-19/10 ở Pháp, Lamborghini đã chính thức giới thiệu Asterion LPI910-4 - mẫu xe đầu tiên của hãng sử dụng hệ thống động cơ hybrid.
Lamborghini Asterion LPI910-4 được trang bị hệ thống hybrid bao gồm một động cơ xăng kết hợp với 3 mô-tơ điện, cho công suất kết hợp 898 mã lực.
Xe có khả năng tăng tốc từ 0 đến 100 km/h trong vòng 3 giây và tốc độ tối đa đạt 320 km/h. Chỉ với mô-tơ điện, xe có khả năng hoạt động trong phạm vi 49,9 km.
Với những thông số trên, đây chính là mẫu xe mạnh nhất trong lịch sử phát triển của Lamborghini. Mức tiêu thụ nhiên liệu tổng hợp của xe là 3,51 lít/100km và lượng khí thải CO2 là 98g/km (thông số nhà sản xuất).
Nếu được đưa vào sản xuất, mẫu xe này chắc chắn sẽ là đối thủ cạnh tranh đáng gờm của các xe như Ferrari LaFerrari, McLaren P1 và Porsche 918 Spyder.
Volkswagen:
Hoà vào xu hướng chung của ngành công nghiệp ô tô thế giới, Volkswagen cũng bắt đầu bước chân vào lĩnh vực xe hybrid sạc điện. Tại Triển lãm ô tô Paris đang diễn ra ở Pháp, hãng đã trình làng mẫu Passat GTE với lời giới thiệu là có khả năng tăng tốc 0-100km/h trong 8 giây và có thể chạy hoàn toàn bằng điện với tốc độ lên tới 130 km/h.
Volkswagen cho biết, sau mỗi lần sạc đầy pin, xe có thể chạy quãng đường 50 km.
Nhật Minh