TP.HCM và Đồng Nai sắp thu phí xe máy

Thời gian thu phí được tính từ đầu năm 2013. Mức phí tối thiểu tại TPHCM là 60.000 đồng/năm, còn tại Đồng Nai dự kiến là 80/000 đồng/năm.

Các cơ quan chức năng của TP.HCM đang thẩm định phương án thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy (gọi tắt là phí xe máy), trước khi UBND thành phố trình HĐND thành phố xem xét, thông qua vào đầu tháng 3.

 

Mức phí thấp với xe từ 100 cm3 trở xuống

 

Theo tờ trình, mức phí sẽ là 60.000 đồng/năm đối với xe máy có dung tích đến 100 cm3 và 150.000 đồng/năm đối với xe trên 100 cm3. Thời gian thu phí được tính từ đầu năm 2013.

 

“Chúng tôi đề xuất mức thu thấp đối với xe đến 100 cm3 (mức tối thiểu là 50.000 đồng/xe/năm) bởi đây là phương tiện mưu sinh của nhiều người dân nghèo, cần được hỗ trợ. Trong khi đó, những xe máy trên 100 cm3 hầu hết là xe “xịn” nên chúng tôi đề xuất mức thu mút khung, 150.000 đồng/xe/năm” - một thành viên ban soạn thảo tờ trình lý giải.

 

Theo vị này, với mức thu đề nghị trên, tính ra chủ một xe máy có dung tích đến 100 cm3 mỗi tháng chỉ đóng phí xe máy 5.000 đồng, tương đương một lượt gửi xe. Mặt khác, mức này thấp hơn một số nơi (như Đồng Nai đề nghị 80.000 đồng/xe/năm - NV) nên sẽ khuyến khích người dân các địa phương khác đóng phí tại TP.HCM, nơi họ đang học tập, làm việc.

 

TP.HCM dự kiến năm 2013 sẽ thu được khoảng 450 tỉ đồng phí xe máy (Ảnh: MP)
TP.HCM dự kiến năm 2013 sẽ thu được khoảng 450 tỉ đồng phí xe máy (Ảnh: MP)

 

“Năn nỉ” hơn là ép buộc

 

Phương án thu phí được ưu tiên là đến từng hộ dân để kiểm đếm, làm căn cứ thu phí. Tuy nhiên, “việc đến từng hộ dân thống kê số xe máy đang sử dụng rất dễ bị sót lọt. Với tỉ lệ xe máy không chính chủ hiện khá cao, sẽ khó có biện pháp đảm bảo người dân kê khai đầy đủ số xe đang sử dụng. Có nhiều lý do để né, chẳng hạn họ khai rằng mượn xe người thân để đi và xe đã đóng phí rồi. Sẽ xử lý sao trong trường hợp này, trong khi hiện không có quy định yêu cầu người dân phải chứng minh?” - một cán bộ khác trong ban soạn thảo băn khoăn.

 

Nhiều ý kiến cũng cho rằng hiện không có quy định buộc người dân xuất trình biên lai đóng phí. Ngay cả lực lượng CSGT cũng chỉ có thể yêu cầu xuất trình giấy tờ xe, bằng lái, bảo hiểm dân sự bắt buộc, sổ đăng kiểm và giấy phép vận chuyển (nếu loại xe đó cần phải có) chứ không được kiểm tra “giấy chứng nhận đóng phí” nên khó xử phạt được. Do vậy, việc thu phí thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào sự nhiệt tình của cấp xã, phường.

 

“TP.HCM hiện có trên 5 triệu xe máy. Chúng tôi dự kiến năm 2013 sẽ thu được khoảng 450 tỉ đồng phí xe máy. Cộng với khoản tiền 35% mà trung ương trích về từ việc thu phí ô tô đăng ký ở TP.HCM, nguồn thu từ phí sử dụng đường bộ sẽ đáp ứng được khoảng 65% nhu cầu duy tu, bảo dưỡng cầu, đường trên địa bàn” - một thành viên ban soạn thảo tính toán.

 

Đồng Nai dự kiến thu 80.000 đồng/xe máy/năm

 

Mức phí xe máy được UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị là 80.000 đồng/năm đối với xe có dung tích từ 100 cm3 trở xuống; 120.000 đồng/năm đối với xe trên 100 cm3 và xe ba bánh chở hàng (có giấy chứng nhận đăng ký xe). Xe của những hộ nghèo, của công an, bộ đội không phải đóng phí.

 

Đơn vị tổ chức thu phí là UBND xã, phường, thị trấn. Các đơn vị này sẽ yêu cầu các hộ dân trên địa bàn kê khai, nộp phí. Những xe đã kê khai, đóng phí thì năm sau cứ tự động đóng phí theo thông báo của UBND cấp xã. Trường hợp người dân đã bán hoặc cho, tặng xe thì trước ngày 31/1 năm sau phải kê khai (theo mẫu) để khỏi phải đóng phí cho xe này nữa.

 

Theo Minh Phong

Pháp luật TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm