Toyota đóng cửa nhà máy tại Trung Quốc

(Dân trí) - Toyota đã quyết định đóng cửa một nhà máy tại Trung Quốc do cuộc đình công tại công ty cung cấp linh kiện, phụ tùng. Trong khi đó, công nhân Honda đã đồng ý trở lại làm việc sau khi được ban lãnh đạo hứa tăng lương.

Toyota đóng cửa nhà máy tại Trung Quốc  - 1
Công nhân đi quanh nhà máy Toyoda Gosei trong thời gian đình công (Anh: Reuters)
 

Tình trạng đình công đã lan rộng trong ngành ô tô Trung Quốc tháng qua, do công nhân bất bình với mức lương doanh nghiệp trả.

 

Tình hình đình công tại các nhà máy cung cấp phụ tùng cho Honda tại Trung Quốc đã làm gián đoạn sản xuất của Honda tại đây và buộc công ty phải tăng lương tại 3 nhà máy. Việc này được đánh giá là điểm trừ trong lợi thế về nguồn nhân công giá rẻ của Trung Quốc, nền kinh tế lớn có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

 

Tối 18/6, công nhân Honda Lock (Quảng Đông) Co. đã đồng ý trở lại làm việc sau khi nhận được cam kết tăng lương của lãnh đạo công ty, theo lời ông Takayuki Fujii, một người phát ngôn của Honda tại Bắc Kinh.

 

“Chúng tôi không đình công nữa và quyết định đồng ý với đề xuất của lãnh đạo nhà máy,” một công nhân xưng họ Hoàng, 23 tuổi, làm việc tại nhà máy Honda Lock, cho biết. “Mức tăng lương không nhiều, nhưng chúng tôi chẳng thể làm gì hơn.”

 

Honda đang cố ngăn chặn công nhân tại nhà máy phụ tùng thứ 4 của hãng tổ chức đình công trở lại. Nihon Plast Co. đã phải đóng cửa nhà máy vào ngày 17/6 ở Trung Sơn, tỉnh Quảng Đông, sau khi các công nhân bãi công đòi tăng lương. Đến tối 18/6, công nhân đã đồng ý trở lại làm việc trong khi việc thương lượng vẫn tiếp diễn. Hoạt động tại nhà máy này đã được khôi phục vào khoảng 9 giờ tối theo giờ Bắc Kinh.
 
Trong khi đó, bà Mieko Iwasaki, một người phát ngôn của Toyota tại Nhật, cho biết Toyota đã đóng cửa nhà máy Thiên Tân vào trưa 18/6 sau khi có cuộc đình công tại nhà máy Toyoda Gosei Co. trong cùng thành phố, đơn vị cung cấp linh kiện, phụ tùng cho hãng.
 
Đình công hàng loạt
 
“Khi các cuộc đình công thành công, bạn sẽ lại thấy các cuộc đình công khác,” ông Geoffrey Crothall, một người phát ngôn của tập đoàn tư vấn China Labour Bulletin ở Hồng Kông, cho biết.
 
Toyota đóng cửa nhà máy tại Trung Quốc  - 2
Công nhân đình công bên ngoài nhà máy Honda Lock ở Quảng Đông, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

 

Công nhân tại nhà máy Honda Lock, 100% thuộc sở hữu Honda, bắt đầu đình công từ ngày 9/6 và tạm dừng vào ngày 15/6. Một công nhân họ Luo cho biết lương cơ bản đã được tăng thêm 200 nhân dân tệ/tháng, tương đương 29,3 USD hay 550.000 đồng, cộng thêm 80 tệ tiền phụ cấp.

 

“Thấp hơn nhiều so với mức tôi kỳ vọng,” ông Luo cho biết. “Tôi kỳ vọng sẽ đương tăng ít nhất 450 tệ/tháng. Khoảng 80% công nhân ở đây không hài lòng với mức tăng của nhà máy.”

 

Ông cho rằng nếu có ai đó phát động đình công, các công nhân khác có thể sẽ tham gia, vì tâm lý bất mãn rất cao.

 

Sản xuất không bị ảnh hưởng lớn 

 

Ông Takayuki Fujii, một người phát ngôn của Honda tại Bắc Kinh, khẳng định rằng sản xuất của Honda không bị ảnh hưởng bởi cuộc đình công tại nhà máy Nihon Plast.
 
Nihon Plast là công ty sản xuất phụ tùng Nhật Bản do Honda sở hữu 21%, theo số liệu của Bloomberg. Tuy nhiên, ngoài Honda, công ty còn cung cấp linh kiện, phụ tùng cho các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản khác như Nissan và Suzuki, theo thông tin đăng tải trên website của công ty. Nihon sản xuất túi khí và tay nắm cho Honda và Nissan.

 

Nhà máy của Nihon Plast ở Trung Sơn, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc sản xuất vô lăng cho tất cả các mẫu xe của liên doanh Nissan tại Trung Quốc (Dongfeng Nissan Passenger Vehicle Co).

 

Hoạt động sản xuất của Nissan tại Trung Quốc không bị ảnh hưởng bởi các cuộc biểu tình vì hiện công ty còn đủ phụ tùng lưu kho, theo ông Yoshihisa Jun, một người phát ngôn của Nissan tại Trung Quốc, cho biết.

 

Trong khi đó, nhà máy của Toyoda Gosei tại Thiên Tân đã phải dừng hoạt động một phần do các công nhân đình công vào ngày 17/6, từ đó ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất của Toyota ở thành phố này.

 

Tuy nhiên, ông Niu Yu, một người phát ngôn của Toyota tại Trung Quốc, cho biết nhà máy liên doanh FAW-Toyota tại Thiên Tân đóng cửa vào hôm 18/6 là hoạt động bình thường vào thứ 7 và Chủ nhật.

 

Công nhân một nhà cung cấp khác của Toyota tại Trung Quốc là Tianjin Star Light Rubber & Plastic Co. cũng đã đình công vào ngày 15/6. Vụ việc đã được giải quyết khi công ty đề xuất tăng lương cho công nhân.

 

Nguyên do

 

Ông David Abrahamson, giám đốc dự án tại Trung tâm nghiên cứu Lao động và Môi trường Trung Quốc ở Thâm Quyến, cho rằng vốn đầu tư dồi dào hơn và lương được cải thiện ở khu vực miền tây Trung Quốc đã khiến công nhân ở đây không muốn rời đi nơi khác, đẩy giá nhân công tại các khu vực công nghiệp hóa như Quảng Đông ở phía nam tăng lên.

 

Một nhà máy của công ty Tiểu Thiên ở Trung Sơn, tỉnh Quảng Đông, chuyên sản xuất lò ga và quạt điện, ở cách nhà máy Honda Lock khoảng 3km, tuần trước đã hứa tăng lương tháng cho công nhân thêm ít nhất 250 tệ, chưa kể tiền làm thêm giờ.

 

Một số nhà máy ở Trung Quốc đang mất tới 25% công nhân mỗi tháng, cho thấy vấn đề nhân công đang ngày một phức tạp - theo ý kiến của ông Ian Spaulding, giám đốc công ty tư vấn nhân sự Infact Global Partners ở Hồng Kông.

 

Từ đầu năm đến nay đã có hơn 20 tỉnh, thành của Trung Quốc nâng mức lương tối thiểu, theo số liệu cung cấp trên website của thành phố Thâm Quyến.
 

Tại Thâm Quyến, lương cơ bản đã được tăng trung bình 15,8%, chính quyền thành phố cho biết việc tăng lương sẽ giúp các công ty tuyển dụng được lao động và kích thích tiêu dùng. 

 

Nhật Minh

Theo Bloomberg