Australia:

Toyota bị lên án về hành xử thiếu tình người

(Dân trí) - Các công nhân và tổ chức công đoàn tại nhà máy Altona ở Melbourne, Australia đang cực kỳ phẫn nộ trước cách hành xử thô bạo của Toyota khi bất ngờ dồn hàng trăm công nhân lên xe để đưa đến nơi giải quyết thủ tục sa thải.

Toyota bị lên án về hành xử thiếu tình người
 
Các công nhân nhận được thông báo sa thải buồn bã rời nhà máy (Ảnh: News Photo)
 
Hơn 200 công nhân tại nhà máy Altona của Toyota ở Melbourne, Australia, hôm 16/4 vừa qua cực kỳ ngỡ ngàng và phẫn nộ khi nhận được thông báo rằng công ty đã quyết định thực hiện đúng kế hoạch cắt giảm 350 nhân công. Những người còn lại nhận được quyết định nghỉ việc vào ngày 17/4.
 
Thông báo về kế hoạch cắt giảm 350 nhân công đã được nhà máy đưa ra từ tháng 1 với lý do đồng đô-la Australia tăng cao ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu, nhưng cho đến trước ngày 16/4, danh sách cụ thể những công nhân bị sa thải vẫn chưa được công bố chính thức, bất chấp việc các công nhân nhiều lần đề nghị nhà máy thông báo rõ ràng để họ chuẩn bị tinh thần. Toyota cho biết, nhà máy sa thải những công nhân làm việc kém nhất.
 
Cả người lao động và công đoàn đều cho biết họ cực kỳ thất vọng khi Toyota huy động lực lượng an ninh hùng hậu “áp giải” công nhân lên các xe van đậu bên kia đường, đưa tới một trung tâm tiếp nhận đặc biệt để làm thủ tục sa thải. Tại đây, các công nhân nhận được một bản kết quả đánh giá năng lực mà nhiều người trong số họ không hiểu công ty chấm điểm họ như thế nào.

 

Toyota bị lên án về hành xử thiếu tình người
Lực lượng an ninh được huy động để “hộ tống” công nhân lên xe đến nơi giải quyết thủ tục sa thải (Ảnh: News Photo)
 
Công đoàn các ngành sản xuất Australia (AMWU) đã phê phán cách hành xử của Toyota là “mạnh tay”, còn các công nhân cho rằng họ bị đối xử như “chó và nô lệ”.
 
“Họ đi quanh dây chuyền sản xuất, người quản lý đến vỗ vai những công nhân có tên trong danh sách sa thải và dong họ ra khỏi nhà máy,” người phát ngôn Dave Smith của AMWU nói với hãng tin ABC News.
 
“Thật bất thường, vì việc cắt giảm nhân công không được thực hiện trên cơ sở tự nguyện. Ở nhà máy chúng tôi có những người sẽ tự nguyện nghỉ việc và những người không muốn nghỉ,” ông nói.
 
Một trong những công nhân đầu tiên bị gọi ra để nhận quyết định sa thải, ông Charles Allan, cho biết, sự việc diễn ra ngay khi mọi người vừa mới bắt đầu vào ca làm việc.
 
“Chúng tôi chỉ vừa mới vào làm việc sáng nay và họ nói thông báo rằng: ‘Các bạn có thể nhận được một cái vỗ vai’, và sau đó trưởng nhóm đi dọc dây chuyền sản xuất và nói: ‘Anh phải sang phòng khác,’ và tôi nghĩ: ‘Phải, nó là thế này đây’,” ông Allan kể, và nói thêm rằng ông rất buồn sau khi đã làm việc cho Toyota gần hai thập kỷ. "18 năm làm một công việc. Dậy từ 5 rưỡi sáng, đến nhà máy vào buổi sáng, không được trả lương làm thêm giờ, làm đúng việc. Nhưng họ chẳng nhìn vào điều đó. Giờ đây thì tôi muốn biết mình đã làm thêm bao nhiêu giờ mà không được trả lương," ông nói.
 
Một cựu nhân viên Toyota chia sẻ: "Tôi thấy rất tiếc cho những người đã dành cả nửa đời mình làm việc tại công ty. Như vậy là không công bằng đối với họ."
 
Toyota phản hồi rằng, công ty đánh giá tất cả nhân viên tại nhà máy Altona dựa trên hiệu quả làm việc của họ để đưa ra quyết định cắt giảm 1/10 nhân công. Công ty hứa hẹn sẽ cố gắng tìm việc làm mới cho những công nhân bị sa thải.
 
Bình luận về sự việc này, ông Bill Shorten, Bộ trưởng Lao động Australia, cho rằng Toyota nợ mọi người một lời giải thích rõ ràng để giải tỏa băn khoăn về việc công ty dàn xếp không thỏa đáng.
 
Vấn đề gây tranh cãi ở đây là nếu Toyota biết rằng họ phải sa thải một số lượng lớn nhân viên như vậy trong khi đã nhận gần 500 triệu đô-la tiền hỗ trợ của chính phủ Australia trong suốt 4 năm qua, thì tại sao không cố giữ hòa khí bằng việc đầu tiên là đề nghị các nhân viên tình nguyện nghỉ việc, thay vì hành xử cạn tình như vậy?
 
Dưới đây là bản tin do đài ABC News của Australia thực hiện xung quanh sự việc này:

 
Nhật Minh
Theo ABC News, 7News
Nguồn video: ABC News