Thực trạng ngành ô tô Việt Nam: Các bên đổ lỗi cho nhau

(Dân trí) - Theo quy hoạch, đến năm 2020 ngành ô tô Việt Nam sẽ trở thành một ngành quan trọng của đất nước, có khả năng đáp ứng ở mức cao nhất nhu cầu thị trường trong nước và tham gia thị trường khu vực và thế giới. Liệu chúng ta có đang quá lạc quan?

Tỷ lệ nội địa hóa thấp

 

Ông Đỗ Hữu Hào, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết đến nay đã có 17 doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được cấp giấy phép đầu tư, trong đó có 12 DN đang hoạt động với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 1 tỷ USD, tổng năng lực sản xuất đạt khoảng 150.000 xe/năm. Tính đến hết năm 2006, các DN này đã bán được tổng cộng khoảng 270.000 chiếc ô tô, đóng góp cho ngân sách nhà nước gần 1,5 tỷ USD.

 

Trong khi đó, Việt Nam cũng đã có 47 DN trong nước đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô, với các đơn vị như Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam, Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp, Tập đoàn Than - Khoáng sản hiện cũng hợp tác với Nga lắp ráp các loại xe tải hạng nặng như Kamaz, KraZ…

           

Theo quy định, khi xin cấp giấy đầu tư sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam, các DN phải cam kết đạt tỷ lệ nội địa hóa 20-40% sau thời gian 5-10 năm. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, không DN nào thực hiện đúng cam kết đó.

 

“Tỷ lệ nội địa hóa của các liên doanh sản xuất ô tô tại Việt Nam là rất thấp. Theo đó, các DN này chỉ nội địa hóa được 5-10%, không đạt kế hoạch đề ra”, ông Đỗ Hữu Hào cho biết.

Ông Đỗ Hữu Hào cho rằng các DN FDI hiện nay nên sản xuất và nhập khẩu các loại xe du lịch. Riêng đối với các DN trong nước, cần tập trung đầu tư sản xuất các loại xe tải, xe ca, xe buýt, và xe chuyên dụng… Đó là cách tận dụng lợi thế của chính từng DN.

           

Ông Đỗ Hữu Hào băn khoăn trước hai giải pháp hiện thời nhằm phát triển ngành ô tô. Thứ nhất là tăng số lượng ô tô nhập khẩu và sản xuất trong nước theo quy hoạch của ngành giao thông. Thứ hai là ngành ô tô cứ phát triển theo chiến lược đề ra và “bắt” ngành giao thông phát triển theo để giảm giá thành cũng như các vấn đề phát sinh khác.

           

Tuy nhiên, một đại diện của Bộ Giao thông vận tải lại bác bỏ điều này, ông cho rằng, hiện nay kết cấu hạ tầng giao thông vận tải tương đối đồng bộ theo định hướng chiến lược. Do đó, việc phát triển ngành ô tô sẽ không thuần túy gắn liền với phát triển giao thông.

 

“Chúng ta không lo ngại tình trạng tăng trưởng ngành ô tô như hiện nay, bây giờ chúng ta có chưa đến 1 triệu chiếc ô tô lưu hành. Với tỷ lệ nhỏ như vậy, áp lực số lượng ô tô lên ngành giao thông là không đáng kể. Việc ùn tắc giao thông ở Hà Nội và TPHCM như vừa qua chỉ là hiện tượng cục bộ chứ không phải là bản chất, ở đâu cũng ùn tắc”, ông này cho biết.

           

Ông Bùi Ngọc Huyên, Giám đốc Công ty ô tô Xuân Kiên cho biết chiến lược phát triển ô tô là không sai; tuy nhiên, định lượng cho loại xe con lại hơi thấp. Từ nay đến năm 2010, lượng xe con sẽ tăng gấp nhiều lần hiện nay, nên việc định lượng thấp sẽ khiến các nhà đầu tư không kịp trở tay vì những thay đổi của thị trường.

           

Thuế - vấn đề nóng

           

Đại diện hãng xe Mercedes-Benz cho biết người dân Việt Nam cần có phương tiện đi lại với giá cả hợp lý. Trước việc Bộ Tài chính quyết định hạ thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc như vừa qua, tới đây hãng này sẽ tính toán việc có nên tiếp tục sản xuất xe tại Việt Nam, hay sẽ chuyển sang nhập khẩu xe nguyên chiếc để cân đối lợi ích cho người tiêu dùng.

           

Trong khi đó, đại diện Công ty GM Daewoo lại không yên tâm vì chỉ trong một năm thuế suất đối với ô tô tại Việt Nam được thay đổi tới ba lần, như vậy là quá nhanh. Cũng đại diện này cho biết việc giảm thuế nhập khẩu thêm 10% đối với xe nguyên chiếc sẽ tác động rất lớn đến các DN sản xuất ô tô trong nước.

 

Nếu tới đây xe nhập khẩu chiếm thị phần lớn tại thị trường Việt Nam thì nhà sản xuất trong nước sẽ phải cân nhắc có nên tiếp tục sản xuất hay chuyển qua nhập khẩu. Điều này gây ra những xáo trộn không đáng có.

           

“Mặc dù không ai nói nhưng người quyết định chính sách công nghiệp lại do Bộ Tài chính”, Tổng giám đốc Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Thanh Giang, lo ngại.

 

Ông Giang cũng cho biết trong thời gian ngắn mà Bộ Tài chính đã ba lần điều chỉnh thuế ô tô là thể hiện sự không minh bạch. “Với cách điều chỉnh như vậy, người tiêu dùng, đơn vị sản xuất không thể biết ngày mai thuế sẽ là bao nhiêu,” ông Giang nói.

           

Theo ông Bùi Ngọc Huyên, Giám đốc Công ty ô tô Xuân Kiên, chính sách thuế là vấn đề cực kỳ quan trọng nằm trong tổng thể của ngành ô tô Việt Nam. Bộ Tài chính phải cho người xuống tận DN để biết mức thuế như vậy đã hợp lý chưa để điều chỉnh cho đúng.

 

Ông cũng kiến nghị thêm là nên đưa công nghiệp sản xuất phụ tùng ô tô vào lĩnh vực mũi nhọn. “Đề nghị Bộ Tài chính đưa ngành sản xuất ô tô vào ngành có ưu đãi cao, mặt khác cần khuyến khích DN nước ngoài tham gia vào lĩnh vực này”, ông Huyên nói.

           

Ông Hà Huy Tuấn, Vụ trưởng Vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính) thừa nhận, nền kinh tế Việt Nam đang đối đầu với thách thức lớn là vấn đề giá cả, nhập siêu, tiền lương … và giá ô tô cũng không nằm ngoài “thách thức đó”. Công nghiệp ô tô chỉ là một thành phần kinh tế trong áp lực giảm sức tăng giá của các mặt hàng khác.

           

Ông Tuấn cho biết thêm, chúng ta không nên lẫn lộn “chuyện con gà và quả trứng”, xem thử cái nào ra đời trước. Quan điểm của Bộ Tài chính xây dựng chính sách thuế dựa trên cơ sở chiến lược phát triển ngành chứ không thể tự vẽ ra.

 

Trần Hưng