Thị trường ô tô Trung Quốc vượt Nhật

(Dân trí) - Hiệp hội ô tô Trung Quốc vừa cho biết, năm 2006, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để vươn lên vị trí là thị trường ô tô lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ, với tổng số xe tiêu thụ tăng 37% so với năm 2005.

Với thành tích này, Trung Quốc đã chính thức chuyển từ “vương quốc xe đạp” lên thành một thị trường ô tô lớn nhất nhì trên thế giới. Sức hấp dẫn từ thị trường đông dân nhất thế giới này đã khiến nhiều nhà sản xuất ô tô nước ngoài đua nhau đến đây xây dựng nhà máy và nhắm vào đối tượng khách hàng trung lưu ở các khu đô thị đang phát triển.

 

Doanh số tại Trung Quốc của hai nhà sản xuất ô tô lớn nhất của Mỹ là General Motors và Ford trong năm qua tăng lần lượt 32% lên 876.747 chiếc và 87% lên 166.722 chiếc so với năm 2005, khiến các hãng ô tô trong nước của Trung Quốc phải chuyển hướng sang xuất khẩu.

 

Chủ tịch khu vực châu Á-Thái Bình Dương của công ty nghiên cứu thị trường ô tô J.D. Power & Associates, ông Michael J. Dunne, cho biết chính phủ Trung Quốc không giấu giếm ý định xây dựng một nền công nghiệp ô tô và văn hóa ô tô ở ngay tại quốc gia châu Á này.

 

Theo số liệu của Hiệp hội ô tô Trung Quốc, tổng tiêu thụ ô tô của thị trường Trung Quốc trong năm 2006, tăng 25,1% lên 7,2 triệu chiếc, tính cả xe tải/bán tải và xe buýt.

 

Trong khi đó, Hiệp hội sản xuất ô tô Nhật Bản cho biết tổng tiêu thụ xe của thị trường Nhật chỉ đạt 5,7 triệu chiếc, giảm nhẹ so với năm 2005.

 

Mặc dù giảm nhẹ so với năm 2005, nhưng tổng tiêu thụ ô tô của thị trường Mỹ vẫn vượt xa Trung Quốc và Nhật Bản, với 16,5 triệu xe.

 

Thị trường ô tô Trung Quốc bùng nổ do kinh tế trong nước phát triển - tốc độ tăng trưởng của năm 2006 ước đạt 10,5%.

 

Mấy năm trở lại đây, “nền kinh tế xe hơi” đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt Trung Quốc. Những góc phố cổ đã nhường chỗ cho các đại lộ. Chính phủ tập trung tiền của để đầu tư xây dựng mạng lưới đường cao tốc quốc gia. Các thành phố lớn tràn ngập các đại lý ô tô. Các cửa hàng ăn nhanh mở thêm các ô cửa số để phục vụ cho những khách dừng ô tô trước quầy bán hàng.

 

Sự xuất hiện ồ ạt của những chiếc ô tô trên đường phố đã gây ô nhiễm môi trường và tình trạng tắc nghẽn giao thông vào giờ cao điểm tại các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải. Trung Quốc lập tức có tên trong danh sách 10 thành phổ ô nhiễm nhất thế giới.

 

Thu nhập trung bình của mỗi người dân Trung Quốc hiện chỉ ở mức 1.000 USD/năm mà tình hình đã như vậy. Không biết điều gì sẽ xảy ra khi mức thu nhập trung bình tăng lên 2.000-3.000 USD.

 

Tuy nhiên, đó là vấn đề của chính phủ Trung Quốc. Với các nhà sản xuất ô tô Mỹ vốn đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ xe ở thị trường trong nước thì đây là một cơ hội không thể bỏ lỡ.

 

Các hãng ô tô của châu Âu và Nhật Bản cũng báo cáo doanh số tại Trung Quốc tăng mạnh trong năm ngoái. Hãng xe hạng sang Rollls Royce, thuộc sở hữu của Tập đoàn BMW của Đức, công bố doanh thu trong năm 2006 tămg 60%. Đặc biệt, hãng đã phải tăng nhân công tại nhà máy ở Anh nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường Trung Quốc đối với mẫu xe Phantom giá 380.000 USD.

 

Kết thúc năm 2006, với tổng doanh số 365.400 xe, General Motors Thượng Hải (Shanghai General Motors Corp.) - liên doanh của GM - là công ty có doanh số lớn nhất tại Trung Quốc.

 

Tuy nhiên, mẫu xe bán chạy nhất lại là Jetta của liên doanh FAW-Volkswagen.

 

Hãng sản xuất ô tô lớn nhất mang quốc tịch Trung Quốc là Chery Automobile Co., với doanh số 272.400 xe. Tháng trước, Chery và Tập đoàn DaimlerChrysler đã công bố kế hoạch sản xuất xe loại nhỏ tại Trung Quốc để xuất khẩu, dưới nhãn hiệu Dodge, Chrysler hoặc Jeep.

 

Năm 2006, Trung Quốc đã xuất khẩu khoảng 325.000 chiếc ô tô, trong đó 80% kà xe tải/bán tải và xe buýt giá rẻ, cho các thị trường mới nổi như châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh. Tuy  nhiên, không dừng lại ở đó, các hãng sản xuất ô tô của Trung Quốc còn tuyên bố sẽ “chinh phục” thị trường Mỹ mặc dù các nhà phân tích cho rằng họ sẽ gặp phải rào cản lớn là các quy định về an toàn và môi trường.

 

Nhật Minh

Theo AP