Thị trường ô tô trong nước có dậy sóng?

(Dân trí) - Lộ trình cắt giảm thuế theo hiệp định AFTA hứa hẹn năm 2011 mang tới thị trường ô tô Việt Nam một loạt sản phẩm nhập khẩu, trong khi làng xe lắp ráp trong nước hiện vẫn yên ắng…

Toyota Việt Nam - "đại gia" lắp ráp ô tô trong nước - đã công bố kế hoạch nhập khẩu mẫu xe cỡ nhỏ Yaris. Trong khi đó, Honda Việt Nam nhập mẫu sedan cỡ trung Accord, còn Vinastar nhập Mitsubshi Pajero Sport. Trong số những sản phẩm đang được trông đợi có mặt trên thị trường Việt Nam trong năm 2011 cũng cần kể đến Ford Ranger F-150. Hai thương hiệu ô tô Hàn Quốc đang nổi là Kia và Hyundai, thông qua các nhà phân phối chính thức, cũng lên kế hoạch nhập khẩu hàng loạt xe mới về Việt Nam, như Kia K5 Optima, Kia Forte hatchback… Đặc biệt, Hyundai còn có kế hoạch chọn Việt Nam là một trong những thị trường đầu tiên trên thế giới ra mắt một mẫu sedan hạng sang của hãng (tên gọi chưa được tiết lộ)…

Thị trường ô tô trong nước có dậy sóng? - 1

Xe Audi A8L

Trên thị trường ô tô hạng sang nhập khẩu chính hãng có đầy đủ chủng loại xe, từ sedan, coupe thể thao, xe gia đình cho đến các sản phẩm xe đa dụng MPV, SUV, như Mercedes R300L, Mercedes C300 AMG, Volkswagen Scirocco, Audi A8L…
 
Trong khi các hãng xe danh tiếng khác đến từ châu Âu như Land Rover, Porsche, Fiat… đã có chỗ đứng nhất định tại Việt Nam, thì hai hãng xe của Pháp là Renault và Citroen mới đang tìm đường trở lại. Renault hiện mới phân phối hai mẫu Koleos và Fluence, trong năm 2011 hứa hẹn sẽ có thêm một mẫu SUV và một mẫu sedan khác. Citroen đầu năm 2011 này chuẩn bị ra mắt một showroom với mẫu xe cỡ nhỏ DS3 tại thị trường Việt Nam.
 
Trong bối cảnh thị trường xe nhập khẩu khá sôi động, hầu như chưa một liên doanh nào công bố chiến lược sản phẩm lắp ráp trong nước cho năm 2011 và xa hơn. Trong năm 2010 vừa qua, số sản phẩm hoàn toàn mới trên thị trường ô tô lắp ráp trong nước chỉ đếm trên đầu ngón tay (Chevrolet Cruze), còn lại đều là bản facelift, được lắp ráp chung trên dây chuyền sẵn có, các liên doanh không cần đầu tư quá lớn.
 
Thực tế này đặt ra câu hỏi: Phải chăng các hãng ô tô tại Việt Nam đang dần chuyển sang hình thức kinh doanh nhập khẩu trực tiếp từ nhà máy tại các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia…, nơi sản phẩm của họ nếu chứng minh được là có xuất xứ 40% nội địa hóa sẽ được hưởng thuế nhập khẩu riêng vào khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam, là 0% bắt đầu từ năm 2018 (từ năm 2011 giảm còn 70%, và cứ sau một năm giảm tiếp 10% cho đến năm 2015 còn 15%).
 
Thái Lan, đất nước được mệnh danh là "Detroit của Đông Nam Á", với hàng loạt nhà máy của các hãng ô tô như Ford, Honda, Toyota, Nissan, Mitsubishi… cùng kinh nghiệm hàng chục năm phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, sẽ trở thành nguồn cung ô tô nhập khẩu vào thị trường Việt Nam khi cam kết CEPT chính thức có hiệu lực (hiệp định về chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung của AFTA).

Việt Hưng