Thái Lan khuyến khích sản xuất mô-tô phân khối lớn
(Dân trí) - Thị trường mô-tô, xe máy Thái Lan tiêu thụ khoảng 2 triệu xe mỗi năm, quy mô có thể kém Indonesia hay Việt Nam, nhưng về chất lượng và chiến lược thì đây chính là thị trường đem lại hy vọng lớn cho các hãng xe.
Có thể thấy rõ điều này qua việc các hãng gần đây liên tiếp mở các trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) ở đây.
Tuy nhiên, thị trường xe phân khối lớn vẫn còn rất nhỏ ở Thái Lan và hiện do các nhà nhập khẩu không chính hãng kiểm soát.
Thị trường mô-tô phân khối lớn ở Thái Lan tăng trưởng trong vài năm trở lại đây do sự thay đổi về lối sống, và chính sách khuyến khích sản xuất của chính phủ.
Giữa năm 2007, chính phủ Thái Lan, khi đó do tướng Surayud Chulanond lãnh đạo, lĩnh trách nhiệm triển khai dự án ô tô thân thiện với môi trường, trong khi Phó Thủ tướng Kosit Panpiemras có chuyến thăm Anh và Ý vào tháng 7 cùng năm.
Ông Kosit cho biết hãng Triumph của Anh, nhà sản xuất xe máy lớn thứ 7 thế giới, muốn đầu tư 3,5 tỷ baht vào Thái Lan. Dự án kéo dài 3 năm này bao gồm một nhà máy sản xuất phụ tùng và một nhà máy lắp ráp xe ở tỉnh Rayong bắt đầu triển khai từ năm 2008.
Từ đó, chính phủ Thái Lan quan tâm đến việc phát triển các cơ sở sản xuất xe phân khối lớn ở nước này, sau một thời gian dài gắn liền với hình ảnh đất nước chuyên sản xuất xe máy cỡ nhỏ.
Bộ trưởng Bộ đầu tư Thái Lan, ông Sathit Charnchaowakul, được giao trọng trách xây dựng kế hoạch kêu gọi đầu tư sản xuất xe dùng động cơ có dung tích xy-lanh từ 500cc trở lên. Nhu cầu tiêu thụ xe phân khối lớn của toàn cầu là khoảng 100.000 chiếc mỗi năm.
Hiệp định hợp tác kinh tế Nhật Bản - Thái Lan (JTEPA) sẽ dẫn tới việc hoàn toãn gỡ bỏ thuế nhập khẩu đối với xe phân khối lớn từ Nhật Bản từ năm 2017. Đây là một nhân tố quan trọng tác động đến hướng kinh doanh của hai hãng xe máy lớn của Nhật Bản tại Thái Lan là Honda và Yamaha.
Thái Lan vốn đã được xem như trung tâm sản xuất linh kiện, phụ tùng xe máy với chi phí thấp, nên những thay đổi về chính sách đã khuyến khích các nhà sản xuất mở rộgn thị trường và dùng luôn Thái Lan như một trung tâm sản xuất xe phân khối lớn.
Honda đã công bố kế hoạch sản xuất và xuất khẩu xe phân khối lớn từ Thái Lan đi các thị trường khác, và kế hoạch trở thành doanh nghiệp xe máy dẫn đầu thị trường trong 2-3 năm tới.
“Theo tìm hiểu của chúng tôi, các nhà nhập khẩu không chính hãng hiện bán được 400-500 xe/tháng, và sau khi chúng tôi chính thức gia nhập thị trường, mức tiêu thụ sẽ tăng mạnh. Chúng tôi dự kiến trở thành công ty lớn nhất phân khúc này, cũng như toàn thị trường xe máy Thái Lan,” ông Chiaki Kato, Chủ tịch AP Honda Co., cho biết
Ông cho biết, mục tiêu là xe phân khối lớn chiếm 10% tổng doanh số xe máy của Honda tại Thái Lan.
Mẫu xe Honda CBR1000RR phiên bản 2012 trưng bày tại Triển lãm xe máy Bangkok vừa diễn ra hồi đầu tháng ở Thái Lan. (Ảnh: Flickr/jpb)
“Honda đã ấp ủ kế hoạch giới thiệu xe phân khối lớn trong suốt hơn 10 năm qua.. Chúng tôi đã nhìn thấy nhu cầu và đã thử nhu cầu thị trường trong hơn một năm vừa qua. Chúng tôi phải thừa nhận rằng, trước đây, tốc độ tăng trưởng doanh số của xe 110-120 phân khối ở Thái Lan rất cao. Hiện tại, thị trường xe phân khối lớn chỉ ở mức khoảng 10.000 chiếc/năm, và Kawasaki dẫn đầu thị trường với thị phần 40-50%. Đó là vì Kawasaki sản xuất xe dung tích 600cc tại Thái Lan, nên có thể bán xe với giá rẻ hơn nhiều so với xe nhập khẩu. Trong khi đó, Honda mới chỉ sản xuất xe CBR 250 và PCX với động cơ 150cc và 250cc. Đây là các mẫu xe nhỏ của Honda đã rất được người tiêu dùng đón nhận,” ông Kimura cho biết.
Ông Vichai Paitoonjitpipit, giám đốc dự án xe phân khối lớn Honda Big Wing, cho biết, việc Honda quyết định xây dựng một nhà máy mới và tuyên bố chọn Thái Lan làm trung tâm sản xuất xe phân khối lớn trong tương lai gần là một minh chứng cho sự phát triển của thị trường.
Theo ông Vichai, Honda chọn Thái Lan làm trung tâm sản xuất xe phân khối lớn cho hãng vì các doanh nghiệp Thái Lan có thể cung cấp tới 95% linh kiện, phụ tùng, từ đó giảm đáng kể chi phí sản xuất nếu so với việc sản xuất tại Nhật Bản, rồi sau đó xuất khẩu xe sang Thái Lan. Nếu như vậy, trong nhiều năm tới, xe sẽ phải gánh mức thuế nhập khẩu rất cao vì đến năm 2017, việc miễn thuế theo hiệp định JTEPA mới có hiệu lực.
Trong khi đó, ông Charnnarong Nimboon, giám đốc marketing của Kawasaki Thái Lan, cho biết công ty dự kiến nắm giữ 50% thị phần xe phân khối lớn ở Thái Lan năm nay, tức là khoảng 5.000 chiếc.
Nhà máy của Kawasaki ở tỉnh Rayong, Thái Lan xuất xưởng 150.000 chiếc xe máy mỗi năm, trong đó, 85% xuất sang các thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Đông Nam Á.
“Nhà máy này hiện sản xuất hơn 10.000 xe phân khối lớn - ba mẫu 250cc và ba mẫu 650cc. Xe động cơ lớn hơn 650cc được nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật Bản,” ông Charnnarong cho biết.
Yamaha cũng đang vướng một số vấn đề về chi phí sản xuất tại quê hương Nhật Bản, và có nguồn tin cho biết công ty đang xem xét các phương án và cân nhắc xem sẽ chọn nước nào ở khu vực Đông Nam Á làm nơi sản xuất xe phân khối lớn, bên cạnh các cơ sở tại Nhật Bản và châu Âu. Hai phương án có khả năng cao nhất là Thái Lan và Indonesia. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn chưa được đưa ra.
Hãng Ducati của Ý hồi đầu năm 2011 đã công bố kế hoạch đầu tư 879 triệu baht để xây dựng một nhà máy lắp ráp xe phân khối lớn ở Thái Lan, với công suất 17.000 xe/năm.
Ông Apichart Leenutaphong, giám đốc Ducatisti Co, nhà phân khối xe Ducati tại Thái Lan, cho biết mẫu xe Monster 795 của Ducati dành cho thị trường châu Á đang được lắp ráp tại Thái Lan.
Thương hiệu xe máy BMW cũng đang hoạt động khá tích cực tại thị trường Thái Lan, với mạng lưới 4 showroom và trung tâm dịch vụ. BMW đang cân nhắc phương án xây dựng một nhà máy lắp ráp ở Thái Lan.
Nhật Minh
Theo The Nation