SUV - “Của hiếm” trên thị trường xe Việt

Trong bối cảnh thị trường bắt đầu khan hàng, các mẫu crossover/SUV vốn đang ngày một được khách hàng ưa chuộng đã không còn nhiều hàng để bán. Khách hàng phải mua giá cao, trong khi nhiều hãng nhìn thị trường mà tiếc nuối.

Một mình một chợ

Tháng 4, bất ngờ, trong danh sách 10 mẫu xe bán chạy nhất của thị trường Việt Nam có tên mẫu SUV của Honda, chiếc CR-V. Bất ngờ là bởi CR-V vốn vắng bóng ở danh sách xe bán chạy nhất trên thị trường từ cuối năm 2017.

Song, kết quả này không có gì là lạ bởi trên thị trường hiện nay, ở phân khúc SUV đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc chỉ có mình CR-V.

Cuối năm 2017, HVN nhập khẩu vài trăm xe sau thời điểm ra mắt (tháng 11/2017), lượng xe ít ỏi này nhanh chóng được tiêu thụ hết. Đầu năm 2018 (thời điểm thuế NK ô tô trong khu vực xuống 0%), HVN nhập khẩu vài trăm xe nữa, nhưng do chưa đáp ứng được một trong hai quy định quan trọng của Nghị đinh 116 là Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ôtô (VTA), nên lô xe vẫn phải chịu thuế suất thuế nhập khẩu 30%. Do vậy, giá bán lô xe này không giảm như kỳ vọng. Tuy nhiên, lô xe vẫn được tiêu thụ hết nhanh chóng.

Và đến tháng 3/2018, duy nhất HVN đáp ứng đủ các điều kiện nhập khẩu theo thuế suất mới (0%) và có lượng hàng lớn (2.000 chiếc).

4 tháng đầu năm 2018, gần như một mình một chợ, nên không có gì khó hiểu khi CR-V nhanh chóng vươn lên top 10 xe bán chạy nhất thị trường. Nhưng lượng xe mang về cũng nhanh chóng hết (sau khi nhập 2.000 xe CR-V, HVN đã nhập thêm 3.000 xe nữa).

Hiện tại, một số khách hàng mua Honda CR-V muốn lấy ngay trong tháng 5 với 2 bản 1.5G và 1.5L đều phải mua một bộ phụ kiện với giá khoảng 60 triệu đồng. Nếu không, khách hàng ký hợp đồng và chờ nhận xe vào tháng 8/2018.

SUV - “Của hiếm” trên thị trường xe Việt - 1

SUV (5 chỗ và 7 chỗ) là phân khúc đang ngày càng được khách hàng ưa chuộng, nhờ thiết kế mới hiện đại, đẹp mắt, gọn gàng cùng với tính năng, công nghệ, hệ thống an toàn đều được các nhà sản xuất trang bị đầy đủ.

Cũng tương tự, trước nhu cầu lớn của khách hàng trong khi lượng xe trên thị trường không có nhiều Nissan đã điều chỉnh giá bán các phiên bản X-Trail tăng 25-27 triệu đồng so với mức giá công bố vào tháng 12/2017. Mitsubishi Outlander cũng được điều chỉnh giá bán đối với phiên bản 2.0 CVT, với mức tăng 15 triệu đồng từ tháng 5/2018, nâng giá bán phiên bản này lên 823 triệu đồng.

Trường Hải cũng nâng giá bán của mẫu Peugeot 3008 All New thêm 40 triệu đồng so với tháng trước, giá bán hiện nay là 1,199 tỷ đồng. Mercedes-Benz Việt Nam tăng giá bán thêm 60 triệu đồng với hai mẫu GLC 250 và GLC 300 kể từ tháng 5/2018. Cụ thể, giá bán mới của hai phiên bản này trong tháng 5/2018 lần lượt là 1,879 tỷ và 2,149 tỷ đồng.

Thực tế trên thị trường, dù doanh nghiệp (nhà sản xuất hay nhập khẩu) không tăng giá, thì các đại lý cũng điều chỉnh tăng (dưới nhiều hình thức).

Bài toán lỡ nhịp

Có thể nói những thay đổi về chính sách đối với hoạt động nhập khẩu và sản xuất ô tô đã tác động mạnh đến thị trường cũng như sự tính toán của các doanh nghiệp. Trong đó, những bài toán “Tính vậy mà không được vậy”.

Đơn cử như việc Toyota Việt Nam quyết định chuyển từ lắp ráp trong nước sang nhập khẩu nguyên chiếc đối với chiếc Fortuner khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc trong khu vực xuống 0% vào năm 2018. Tuy nhiên, diễn biến thị trường không được như doanh nghiệp này tính.

Thống kê của VAMA cho thấy tháng 4, Toyota không tiêu thụ được chiếc Fortuner nào. Lý là bởi hãng không còn xe này để bán.

Fortuner được Toyota dự tính nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia, nhưng do Chính phủ Indonesia chậm cung cấp VTA, chưa kể việc đặt hàng cần phải có thời gian cũng như quãng đường vận chuyển từ nước sản xuất về Việt Nam xa nên đến nay sau 5 tháng (tính từ mốc 2018) chưa có một chiếc xe Fortuner nào được nhập khẩu vào Việt Nam.

Được biết liên doanh sản xuất ô tô lớn nhất Việt Nam này đang có ý định quay trở lại lắp ráp Fortuner tại Việt Nam. Tuy nhiên thời gian chuẩn bị cho việc lắp ráp này còn lâu hơn rất nhiều so với thời gian đặt hàng để nhập khẩu nguyên chiếc nên việc sớm có hàng để cung cấp ra thị trường phải tính bằng nhiều tháng, thậm chí cả năm. Bước tính toán “sai” này của Toyota Việt Nam khiến mẫu xe SUV được ưa chuộng nhất của mình phải nhường thị trường cho các đối thủ khác.

Giới thiệu từ giữa năm 2017, dù rất muốn nhanh chóng mang Chevrolet Trailblazer về Việt Nam, nhưng cũng bởi lý do cần cần thời gian đáp ứng các điều kiện của NĐ 116, nên tận cuối tháng 4, GM Việt Nam mới mang được Trailblazer cập cảng để dự kiến giữa tháng 5 có xe bán ra thị trường.

Chậm chân hơn CR-V, nên Trailblazer đang áp dụng nhiều cách để thu hút khách hàng, trong đó có “chiêu” giá tốt. Không chỉ “chốt” mức giá thấp hơn các đối thủ (Trailblazer 2.8L 4x4 AT LTZ giá 1,075 tỷ đồng; Trailblazer 2.5L VGT 4x2 AT LT giá 898 triệu đồng và Trailblazer 2.5L 4x2 MT LT giá 859 triệu đồng) khách hàng mua xe trong tháng 5 còn được giảm từ 30 đến 80 triệu đồng (tùy từng phiên bản).


Các dây chuyền lắp ráp xe nói chung và dòng xe SUV nói riêng đều chạy hết công suất. Ảnh minh họa

Các dây chuyền lắp ráp xe nói chung và dòng xe SUV nói riêng đều chạy hết công suất. Ảnh minh họa

Trong nước, hiện các dây chuyền lắp ráp xe nói chung và dành cho dòng xe SUV nói riêng đều chạy hết công suất để nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường. Trong 10 mẫu xe bán chạy nhất thị trường tháng 4, có tới 9 mẫu là xe sản xuất trong nước. Lý do một phần là nguồn linh kiện nhập về cũng chỉ được tính toán ở mức tăng hơn so với trước từ 20-30%, phần khác do công suất dây chuyền có hạn nên lượng xe cung cấp ra thị trường chưa đủ đáp ứng nhu cầu; chưa kể có nhiều mẫu mới không kịp mang về đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Đơn cử như mẫu Hyundai Santafe 2018 đang được thị trường rất ngóng đợi. Tuy nhiên, theo đại diện Hyundai, dự kiến cũng phải đến cuối năm 2018, mẫu xe này mới được ra mắt khách hàng. Nếu nhanh, thì cũng chỉ có thể sớm hơn được một hai tháng.

Có thể thấy thị trường ô tô nói chung và phân khúc SUV nói riêng vẫn đang bị tác động mạnh bởi sự điều chỉnh của các chính sách quản lý. Cung không đủ cầu, nên thay vì giá giảm do thuế giảm, nhiều hãng xe lại tăng giá. Khách hàng, nếu chưa thực sự có nhu cầu, có lẽ, vẫn nên từ từ trước khi đưa ra quyết định mua xe.

Theo Nguyễn Hà
Hải quan Online

SUV - “Của hiếm” trên thị trường xe Việt - 3