Pebble Beach-thế giới xe cổ thượng lưu

Pebble Beach Concours d’Elegance, tổ chức thường niên tại California, Mỹ, là điểm đến quen thuộc của những người hoài cổ và “giàu hơn cả Chúa”. Ham muốn trình diễn những chiếc xe “con cưng” khiến không ít người bỏ ra 3.000 USD rửa xe chỉ để một lần xuất hiện tại Pebble Beach.

Cùng với Meadowbrook Concours, Amelia Island Concours, Pebble Beach là triển lãm xe cổ lớn nhất nước Mỹ. Giới chơi xe thường gọi 3 sự kiện này là “Triple Crown” của những nhà sưu tập. Năm nay, ở lần tổ chức thứ 56, tổng cộng 175 chiếc xe đã góp mặt tại Pebble Beach vào ngày 20/8, thấp hơn con số 225 chiếc của năm 2005.

 

Pebble Beach-thế giới xe cổ thượng lưu - 1

Mẫu xe chiến thắng tại Pebble Beach Concours d'Elegance năm nay, Delage D8-120 Poutout Aero Coupe-Ảnh:Pebblebeachconcours.

 

Ban tổ chức chia thành các khu như “Xe trước chiến tranh Delahaye”, “Sau chiến tranh Delahaye” và “Xe cổ Mỹ giai đoạn 1932-1941”. Delahaye là hãng xe nước Pháp, thành lập năm 1894 và sản phẩm của nhà sản xuất này được xếp vào hàng quý hiếm do từ năm 1954, hãng bị thôn tính và không bao giờ sản xuất nữa.

 

Những chiếc xe dự triển lãm Pebble Beach có thiết kế “độc nhất vô nhị” và không thể gặp lại lần thứ hai. Mức giá từ vài trăm nghìn USD tới hàng triệu USD cho những chiếc xe thể hiện phần nào “đẳng cấp” của những người tham dự Pebble Beach. “Đó là hội chợ đồ chơi của tỷ phú”, Bob Smith, chủ sở hữu công ty chuyên bảo quản xe Ferrari cổ, nói. Tới triển lãm lần này, Smith trưng bày chiếc xe đua Ferrari trị giá 22 triệu USD, của một khách hàng mà ông cho là thuộc số “những người nhiều tiền hơn cả Chúa”.

 

Pebble Beach-thế giới xe cổ thượng lưu - 2

Khách thăm quan chiêm ngưỡng từng chiếc xe trình diễn như trên sàn thời trang-Ảnh:Pebblebeachconcours

   

Chế tác xong, đưa xe tới Pebble Beach cũng tốn không kém. Một việc đơn giản như rửa xe trước khi trình diễn, ông chủ của chúng tiêu ít nhất 100 USD. Còn nếu muốn chơi sang, 3.000 USD là cái giá để các thợ rửa xe chuyên nghiệp chăm sóc từng milimet vuông thân xe với yêu cầu chất liệu nào dùng đồ rửa đó. Sở dĩ phải cầu kỳ tới vậy vì không giống xe mới, một số chủ nhân muốn nước sơn phải mờ, nhạt và giống hệt những chiếc xe của 50 năm trước, dù chất lượng phải cao cấp hơn nhiều so với sơn hiện nay.

 

Pebble Beach-thế giới xe cổ thượng lưu - 3

Chiếc Alfa Romeo 1938 của nhà tạo mẫu thời trang Ralph Lauren-Ảnh:Pebblebeachconcours.

Vì vậy, ở Pebble Beach, ngoài tài khéo léo, một yêu cầu tối quan trọng nữa là khả năng bảo quản siêu hạng. “Quan trọng nhất với xe cổ là nguồn gốc của chúng”, Dick Messer, Giám đốc điều hành bảo tàng Petersen Automotive Museum ở California nói.

 

Một ví dụ mà Messer đưa ra là chiếc Ferrari đời 1952 của Henry Ford II mà bảo tàng ông tiếp nhận năm ngoái. Chiếc xe có vóc dáng đẹp nhưng xuất hiện vài vết xước trên thân. Để khắc phục chúng, bảo tàng đã phải nghiên cứu kỹ lưỡng chất liệu kim loại, loại sơn, công nghệ mà Ferrari áp dụng từ 50 năm trước. Bên cạnh đó, nếu muốn thay da nội thất, ông phải chế tạo loại da có chủng loại, màu sắc, cảm giác ngồi hoàn toàn giống với chiếc xe nguyên bản.

 

Tuy nhiên, khó khăn nhất phải kể tới những chiếc xe cổ ở thập niên 1920, 1930, 1940 bởi chúng không được sơn trong nhà máy như ngày nay. Vì thế, các kỹ sư phải tìm hiểu rất nhiều trước khi ra tay hành động. Có như vậy, chúng mới giữ được tính bất biến của lịch sử và chống lại sự tàn phá của thời gian.

 

Theo T.Nghiệp

Vnexpress