Ôtô nội địa hóa để tạo lợi thế về giá

Không ít thương hiệu xe hơi đang được các nhà sản xuất tích cực triển khai nội địa hóa để tạo thêm lợi thế cạnh tranh về giá, đồng thời đáp ứng nhu cầu sử dụng mang tính đặc thù tại thị trường Việt Nam.

Dân trí sẽ có bài giới thiệu chi tiết mẫu KIA K3 tại Việt
Nam trong thời gian tới đây.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Ô tô Trường Hải tại lễ ra mắt xe Kia K3 mới đây đã cho hay, doanh nghiệp rất tự tin trong việc nghiên cứu công năng, thói quen sử dụng xe của người Việt Nam để lựa chọn các chi tiết, linh phụ kiện nhằm tiến hành nội địa hoá.

“Nhiều khách hàng Việt Nam thích độ xe và lắp thêm các thiết bị điện tử trên xe, vì thế, doanh nghiệp cũng nghiên cứu và đề xuất thay đổi một số thiết kế dây điện để phù hợp với điều kiện sử dụng tại Việt Nam, hoặc vành xe sử dụng tại Việt Nam cần cứng hơn bởi đường xấu hơn", ông Dương nói.

Ông Dương cho biết, các chi tiết được nội địa hoá trong một số mẫu xe Kia gồm có ghế, vành xe, bộ dây điện và sắp tới là bình ắc quy.

Trong đó, ghế và dây điện được sản xuất ngay tại các công ty con thuộc Thaco Group. Vành xe được sản xuất tại Công ty NK (doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội). Còn ắc-quy khô do Công ty Pin - Ắc-quy miền Nam sản xuất.

“Hãng xe ủng hộ việc nội địa hoá này để giảm giá thành, nhưng với yêu cầu chất lượng đạt tiêu chuẩn, dĩ nhiên, giá cả phải hợp ý hơn, chứ nếu ngang ngửa giá nhập từ nước ngoài (đã có cả thuế và phí vận chuyển), thì không thể cạnh tranh được”, ông Dương cho hay.

Với cách làm tương tự và chất lượng xe xuất xưởng nối mạng với công ty mẹ, được kiểm soát bởi chính hãng ở nước ngoài, một nhãn hiệu khác mà Thaco Group có hợp tác lắp ráp với đối tác nước ngoài là Mazda cũng dự kiến triển khai nội địa hóa một số chi tiết.

Trước đó, Thaco Group đã có những kinh nghiệm nhất định khi triển khai nội địa hoá xe khách giường nằm và xe tải với tỷ lệ trên 50% và đã chinh phục được người tiêu dùng Việt Nam.

Không chỉ các dòng xe phổ thông và ở phân khúc cao hơn tính chuyện nội địa hoá, sản xuất, lắp ráp ở Việt Nam, một số mẫu xe cao cấp cũng quyết định lắp ráp như mẫu xe S-class của Mercedes Benz Việt Nam.

Xe BMW series 7 hay một số mẫu xe của thương hiệu Lexus lắp ráp tại Việt Nam ước tính có giá bán thấp hơn khoảng 20% so với giá xe nhập khẩu ở thời điểm hiện tại, nên có lợi thế cạnh tranh rất lớn về giá.

Chia sẻ về quan điểm đầu tư cho sản xuất tại Việt Nam khi thời điểm thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN về 0% không còn xa, ông Jesus Metelo Arias, Tổng giám đốc Công ty Ford Việt Nam cho hay, việc đầu tư không chỉ tính làm trong 1 - 2 năm, mà phải là dài hạn. Nhưng để đầu tư dài hạn, cần có chính sách ổn định và dự báo được. Vì vậy, Chính phủ cần đánh giá kỹ lưỡng các tác động của việc thay đổi chính sách đối với hoạt động của ngành, với cách nhìn dài hạn.

Trao đổi về kinh nghiệm của một số nước trong khu vực về thu hút đầu tư của các nhà sản xuất linh kiện, phụ tùng, ông Jesus Metelo Arias cho hay, tại Thái Lan đã hình thành các khu vực phi thuế quan để doanh nghiệp vào đầu tư nhà máy. Khi nhập khẩu vật tư vào đây, doanh nghiệp được miễn thuế và sản phẩm xuất khẩu tới các thị trường khác không bị đánh thuế, nên sản phẩm có chi phí rất cạnh tranh.

Tuy vậy, để hình thành những khu vực bảo thuế, thu hút đầu tư vào sản xuất theo kinh nghiệm như vậy, việc thu thuế, tạo việc làm cho người lao động và cán cân thương mại của đất nước phải được xét trên bình diện tổng hợp. Còn hiện tại, khi ô tô vẫn là một nguồn thu lớn cho ngân sách, thì việc làm sao thu được nhiều thuế nhất vẫn là mục tiêu quan trọng nhất.

Theo Hoàng Minh (Đầu tư)

Bảng giá xe Chevrolet tại Việt Nam

Vespa GTS Super có cạnh tranh tốt với Honda SH?
Không
Ý kiến khác