Ô tô Trung Quốc rẻ vì đâu?
(Dân trí) - Cắt giảm số lượng bài thử nghiệm an toàn, lược bỏ các chi tiết trang trí, đơn giản hoá thiết kế, dùng vật liệu rẻ tiền... là cách để các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc hạ giá thành sản phẩm. Một số xe có giá chưa bằng phân nửa xe loại xoàng của Toyota.
Cách đây 10 năm, chính người tiêu dùng Trung Quốc nếu sáng suốt sẽ không chọn mua xe nội địa, không chỉ bởi chúng sao chép kiểu dáng các mẫu xe ngoại, mà còn bởi chất lượng và độ an toàn không đảm bảo.
Hiện nay, dù hình thức nhạt nhẽo tuềnh toàng, nhưng một số mẫu xe đã được khách hàng chấp nhận vì giá rẻ và chất lượng cũng ở mức chấp nhận được. Tại Trung Quốc giờ đây đã đến thời của những chiếc xe “vừa đủ”, và có thể đây cũng là xu hướng chung của ngành công nghiệp ô tô thế giới.
Các mẫu xe như Geely Panda và Great Wall Haval H3 đang ngày càng được ưa chuộng không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở một số thị trường mới nổi khác như Indonesia, Ai Cập và Ukraine. Xu hướng này khiến xuất khẩu ô tô của Trung Quốc liên tục lập kỷ lục, dù tốc độ tăng trưởng của thị trường ô tô Trung Quốc đang chậm lại.
Xuất khẩu ô tô của Trung Quốc dự kiến đạt mốc 1 triệu xe trong năm nay, tăng mạnh so với mức 849.500 xe của năm ngoái. Một số nhà phân tích chuyên ngành thậm chí còn dự báo mức tăng trưởng 50% lên 1,25 triệu xe.
Lãnh đạo của một số nhà sản xuất ô tô lớn trên thế giới cho rằng chính sách sản xuất những mẫu xe “vừa đủ” của Trung Quốc đang tạo ra mối đe doạ lớn cho họ.
“Đây là hồi chuông cảnh báo cho những kỹ sư kỳ cựu vẫn luôn nói với lãnh đạo của các hãng rằng không thể hạ chi phí thêm nữa đối với thiết kế và phương pháp sản xuất hiện tại của họ. Giờ đây người Trung Quốc nói rằng họ có thể cắt giảm chi phí thêm 30-40%,” ông Shiro Nakamura, thiết kế trưởng của Nissan chia sẻ.
GM và Toyota thường phải mất 4-5 năm để “thai nghén” mộ mẫu xe hoàn toàn mới, còn các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc chỉ mất khoảng 2 năm rưỡi.
“Có thể các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc cắt giảm được chi phí do hạ tiêu chuẩn chất lượng, nhưng họ cũng cho thấy chúng ta đang quá cầu kỳ hoặc là lãng phí với quy trình thiết kế truyền thống trong những năm qua,” ông Nakamura nói.
Chiến lược nói trên của các công ty Trung Quốc là sản phẩm của sự phát triển quá nhanh của ngành ô tô. Khi đất nước mở cửa giao thương với thế giới phương Tây, các nhà sản xuất ô tô trong nước tìm sự tồn tại giữa một bên là người tiêu dùng thu nhập thấp và một bên là các sản phẩm cao cấp từ nước ngoài. Các nhà sản xuất ô tô nước ngoài có thể bán xe cho người giàu, còn các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc thì làm xe giá rẻ phục vụ số đông.
Tốc độ phát triển chóng mặt của nền kinh tế Trung Quốc đã dẫn tới sự ra đời của hơn 100 nhà sản xuất ô tô nội địa vào đầu thế kỷ 21, nhưng họ rất thiếu kinh nghiệm. Và phương thức để tồn tại của họ đơn giản là: nhái thiết kế của các hãng xe ngoại, lược bỏ những chi tiết, trang bị không “thiết yếu” và làm tăng chi phí, ví dụ như làm sao để cửa xe đóng êm, hay cửa số điện và túi khí ở bên ghế phụ. Việc này đương nhiên ảnh hưởng đến chất lượng và độ bền của xe. Sau vài năm sử dụng, cản sốc và tay nắm cửa có thể long ra (?!).
Vì chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như thời gian nên nhiều nhà sản xuất ô tô Trung Quốc không thể phát triển đội ngũ kỹ sư riêng, đặc biệt là trong lĩnh vực thiết kế. Do đó, các công ty thường thuê một số trung tâm thiết kế bên ngoài, nơi có những kỹ sư Trung Quốc được đào tạo ở nước ngoài về làm việc.
Các nhà phân tích cho biết, nhóm trung tâm thiết kế chế tạo này hợp tác với 70-80% hãng xe Trung Quốc, dẫn tới việc các công ty ô tô Trung Quốc dùng chung khá nhiều công nghệ và thiết kế.
Các công ty thiết kế này cho biết họ không nhái y nguyên các thiết kế nước ngoài, mà chỉ sao chép kiểu dáng một bộ phận hoặc tổng thể xe, và thường là phải giản lược chi tiết để cắt giảm chi phí. Mục tiêu của họ là tạo ra những chiếc xe hợp túi tiền của tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc, những người có mức thu nhập 50.000 - 60.000 nhân dân tệ/năm (7.900-9.500 USD).
“Không phải là nhái. Không đơn giản như thế nữa,” ông Wang Kejian, chủ tịch công ty thiết kế CH-Auto, cho biết. “Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc chưa tích luỹ được kinh nghiệm hay kỹ thuật công nghệ, nên phải tự phát triển bằng cách học hỏi từ các mẫu xe nước ngoài và sử dụng các nhà cung cấp phụ tùng trong nước.”
Để hiểu rõ hơn về phương thức mà các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc gọi là “gần giống” chứ không phải “nhái” xe ngoại, hãy tìm hiểu việc chế tạo khung xe Geely Panda, với nguyên mẫu là xe Toyota Aygo giá 6.462 bảng (khoảng 10.000 USD) ở Anh.
Dù nhỏ, nhưng xe Aygo có kết cấu khung khá phức tạp được tạo thành bởi công nghệ “ép liền khối bằng thủy lực”. Đây là thách thức đối với nhà sản xuất ô tô Geely của Trung Quốc.
Công ty thiết kế CH-Auto và các nhà cung cấp khung xe không nắm được kỹ thuật ép liền khối bằng thuỷ lực. Loại thép trọng lượng nhẹ mà Toyota dùng làm khung xe Aygo cũng quá đắt đỏ để Geely có thể dùng để sản xuất xe bán ở Trung Quốc.
Giải pháp của Geely và đối tác CH-Auto là sử dụng loại thép bình thường sẵn có ở Trung Quốc. Họ chia kết cấu khung xe Panda thành hai phần - trên và dưới - để đơn giản hoá kết cấu cho dễ gia công, thay vì phải ứng dụng công nghệ ép liền khối bằng thuỷ lực rất tốn kém. Sau đó, họ tập trung khắc phục vấn đề chống ồn, chống rung và đảm bảo độ cứng cần thiết mà kết cấu khung xe của họ không thể có như loại của xe Aygo.
Theo lời lãnh đạo Geely, bên thử nghiệm độc lập đã xác nhận rằng, dù sử dụng vật liệu và công nghệ chế tạo rẻ tiền hơn, nhưng xe Panda có tính năng vận hành về cơ bản là tương đương Aygo. Riêng chi phí sản xuất khung gầm cho xe Panda chỉ bằng gần một nửa so với Aygo.
Dù đã có những tiến bộ về thiết kế cũng như tiêu chuẩn an toàn, nhưng ô tô Trung Quốc vẫn chưa theo kịp xe của các nhà sản xuất Mỹ và châu Âu, một phần Trung Quốc thiếu một cơ quan quy định và giám sát thật chặt chẽ vấn đề an toàn.
Thêm vào đó, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc bỏ qua những gì mà họ cho là mối nguy nhỏ, không nghiêm trọng, như sử dụng ít bài thử nghiệm va chạm với hình nhân hơn các nhà sản xuất ô tô lớn trên thế giới.
Nhật Minh
Theo Reuters