Ô tô không đi trong thời gian giãn cách, chủ xe nên làm gì để bảo quản tốt?

Gia An

(Dân trí) - Việc không sử dụng đến trong hàng chục ngày có thể khiến ô tô phát sinh vấn đề, do đó trước khi "đóng băng" phương tiện thì chủ xe nên thực hiện một số bước để bảo quản trong quá trình giãn cách.

Hà Nội và TPHCM đang thực hiện giãn cách xã hội, yêu cầu mọi người không ra ngoài trong trường hợp không cần thiết. Thời gian này, nhiều chiếc ô tô sẽ được để một chỗ và chủ nhân nên thực hiện các bước dưới đây để bảo quản xe được tốt, giữ cho phương tiện được bền. 

Rửa xe, vệ sinh nội thất

Ô tô không đi trong thời gian giãn cách, chủ xe nên làm gì để bảo quản tốt? - 1

Đừng chờ đến khi hết giãn cách mới đem rửa xe mà thay vào đó, hãy vệ sinh thật sạch trước đó. Lý do là trong thời gian dài không sử dụng tới, các vết bẩn, vết ố trên thân vỏ càng trở nên khó tẩy rửa hơn. Đó là chưa kể đến bùn đất ở gầm, hốc bánh cũng là những tác nhân làm chiếc xe nhanh "xuống mã". 

Chăm sóc phần nội thất cũng vô cùng quan trọng. Cần làm vệ sinh, loại bỏ rác để tránh mùi hôi và vi khuẩn sinh sôi, hạn chế ẩm mốc. Ngược lại nếu để nguyên sau 10 ngày, rất có thể khi dùng xe bạn sẽ thấy xe bốc mùi khó chịu, nấm mốc sinh sôi và điều này ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Đó là chưa kể rác trên xe còn thu hút chuột bọ, côn trùng tới phá hoại.

Đỗ xe nơi khô ráo, sạch sẽ

Ô tô không đi trong thời gian giãn cách, chủ xe nên làm gì để bảo quản tốt? - 2

Hãy chọn một vị trí đỗ xe tốt, nhất là khi để trong thời gian dài. Đầu tiên, hãy đảm bảo nơi đó cao ráo và không bị ngập nước, thoáng và sạch sẽ để tránh chuột bọ xâm nhập. Để trong nhà, dưới hầm sẽ là lý tưởng, ưu tiên nơi có mái che vững chắc để hạn chế tác động của mưa gió. 

Nếu phải để ngoài trời, hãy đảm bảo xe không bị vật thể nặng rơi vào như những hoa quả lớn, cây có nguy cơ đổ. Lợi bất cập hại khi để dưới tán cây bởi xe được chắn nắng nhưng rất có thể dính nhựa cây, quả rụng xuống gây ố sơn và kính… Cân nhắc sử dụng bạt hoặc ô che chắn.

Đổ đầy nhiên liệu, bơm lốp

Ô tô không đi trong thời gian giãn cách, chủ xe nên làm gì để bảo quản tốt? - 3

Nếu như xe được vận chuyển đường dài thường rút xăng khỏi bình thì xe gia đình để lâu không đi nên được đổ đầy nhiên liệu. Lý do là nếu bình vơi sẽ tạo ra khoảng không trống, ngưng tụ hơi nước và khiến xe gặp hiện tượng khó nổ hoặc máy chạy không "tròn". Ngoài ra, nó cũng có nguy cơ gây rỉ sét bên trong thành bình. 

Việc bơm lốp cũng là bước cần thiết để đảm bảo khả năng chịu lực và chịu tải bởi dù không đi nhưng bốn bánh xe vẫn phải nâng cả thân xe nặng hàng tấn. Không đảm bảo áp suất theo tiêu chuẩn của hãng sẽ khiến lốp dễ biến dạng, gây mất an toàn khi xe được sử dụng lại. 

Không kéo phanh tay

Ô tô không đi trong thời gian giãn cách, chủ xe nên làm gì để bảo quản tốt? - 4

Khi dừng đỗ lâu ngày, không nên kéo phanh tay bởi nó sẽ khiến má phanh và đĩa phanh (tang trống) bị gỉ sét. Thậm chí nếu để ngoài trời quá lâu, dưới tác động của môi trường thì má phanh có thể bị "dính chặt" vào đĩa phanh, gây hiện tượng bó cứng. Nếu bị nhẹ hơn cũng gây ra tiếng kêu khó chịu khi đi xe trở lại.

Khi không kéo phanh tay, hãy chọn đỗ xe tại nơi bằng phẳng. Ngoài ra, có thể dùng cục chặn để chèn vào bánh xe nhằm cố định, đảm bảo an toàn nhất là khi nơi đỗ bị dốc. 

Khởi động và kiểm tra xe định kỳ

Ô tô không đi trong thời gian giãn cách, chủ xe nên làm gì để bảo quản tốt? - 5

Nên đề nổ xe mỗi tuần một lần, cho xe chạy không tải trong 15-20 phút để đảm bảo bình ắc-quy trên xe không bị sụt điện xuống dưới mức khởi động. Bản thân bình ắc-quy khi không sử dụng vẫn tự "xả điện", trong khi đó xe không lăn bánh nhưng vẫn dùng điện cho một số hệ thống, trong đó có tính năng chống trộm. 

Việc đề nổ như này giúp bình được nạp điện, tránh ắc-quy cạn năng lượng, không chỉ khó để nổ xe mà thậm chí có thể hỏng cả bình. Việc tháo bình ắc-quy khỏi xe khi không đi trong thời gian dài cũng là một lựa chọn, nhưng khi đó nhiều khả năng hệ thống chống trộm trên xe cũng bị ngưng hoạt động, một số thiết lập của xe cũng bị "reset".

Trong quá trình khởi động xe này, hãy tranh thủ kiểm tra một vòng quanh xe, từ ngoài vào trong để đảm bảo các bộ phận bình thường. Khi phát hiện sớm sự cố, người dùng sẽ có phương án khắc phục nhanh hơn và đảm bảo an toàn khi sử dụng xe trở lại.