Nơi cuộc sống vắng bóng xe hơi
(Dân trí) - Đó là vùng ngoại ô Vauban của nước Đức. Người dân nơi đây có đời sống khá cao, nhưng từ chối sử dụng một phương tiện được coi là biểu tượng của thế giới hiện đại - xe hơi.
Nhìn chung, đỗ ô tô trên phố, làm đường để chạy ô tô vào các tòa nhà và xây gara tại gia là những việc bị cấm tại khu sinh thái thử nghiệm Vauban ở ngoại ô thành phố Freiburg của nước Đức, gần biên giới với Pháp và Thụy Sĩ.
Đường phố Vauban hoàn toàn không được thiết kế cho xe hơi nên hầu hết là đường nhỏ. Chỉ có một số tuyến phố lớn mới có ô tô chạy, và có một tuyến xe điện chạy dọc vùng, nối Vauban với ga xe lửa và thành phố Freiburg.
70% hộ gia đình ở Vauban không có ô tô, và 57% đã bán xe khi chuyển tới đây sinh sống. “Khi có ô tô, tôi luôn cảm thấy căng thẳng. Giờ đây tôi thấy cuộc sống vui vẻ hạnh phúc hơn,” chị Heidrun Walter, một người làm trong lĩnh vực truyền thông, mẹ của hai con nhỏ, tâm sự như vậy khi đang thả bộ dọc con đường đầy hoa và cây xanh hai bên ở Vauban. Chị Walter trước đây sống ở Freiburg và cũng có thời gian sống tại Mỹ, từng có ô tô riêng.
Khu dân cư sinh thái Vauban, hoàn thành vào năm 2006, là một ví dụ điển hình cho xu hướng mới ở châu Âu, Mỹ và một số nước khác trên thế giới, nhằm tách việc sử dụng ô tô khỏi cuộc sống ngoại thành. Dự án thử nghiệm này nằm trong quy hoạch nhà ở thông minh của Đức.
Trong khi đó, các gia đình trung lưu ở khắp từ Chicago (Mỹ) đến Thượng Hải (Trung Quốc) đang có xu hướng coi ô tô là căn nhà di động. Các chuyên gia cho rằng chính điều này là một lực cản lớn trong nỗ lực cắt giảm khí thải xe hơi và từ đó kiềm chế sự nóng lên của trái đất. Ô tô du lịch “đóng góp” 12% lượng khí thải nhà kính ở châu Âu và tỷ lệ này đang có chiều hướng tăng lên, theo số liệu của Cơ quan môi trường châu Âu (EEA). Tại một số khu vực sử dụng nhiều ô tô ở Mỹ, tỷ lệ này thậm chí lên tới 50%.
Vauban hiện có khoảng 5.500 cư dân sinh sống, hình thành trên nguyên tắc là tạo ra một khu dân cư khép kín và có hệ thống giao thông công cộng thuận tiện, ít chỗ đậu ô tô. Với mục tiêu đó, các cửa hàng được bố trí gần nhau, trên một tuyến phố chính, thay vì ở các khu trung tâm thương mại dọc đường cao tốc. Kiểu quy hoạch này giúp người dân có thể tản bộ đi mua sắm thuận tiện hơn là dùng ô tô.
“Tất cả các công trình xây dựng từ sau Thế chiến thứ hai đều tập trung vào ô tô, và chúng ta sẽ phải thay đổi điều đó,” ông David Goldberg, một quan chức của Liên hiệp giao thông Mỹ, nói. Đây là tổ chức quy tụ hàng trăm tổ chức khác ở Mỹ, trong đó có các tổ chức môi trường, văn phòng thị trưởng, và Hiệp hội hưu trí Mỹ, với mục tiêu hoạt động là phát triển các cộng đồng dân cư kiểu mới ít phụ thuộc vào xe hơi.
Tại California, Mỹ, Hiệp hội quy hoạch vùng Hayward đang phát triển Làng Quarry ở ngoại ô Oakland, với mô hình tương tự Vauban của Đức. Vấn đề mà hầu hết các nhà hoạch định chính sách Mỹ gặp phải là việc các tổ chức tài chính cho vay mua nhà lo ngại rằng những ngôi nhà trị giá nửa triệu USD sẽ khó bán vì không có chỗ để xe, trong khi hầu hết quy định quy hoạch nhà ở tại Mỹ hiện vẫn có điều khoản một khu dân cư phải có ít nhất 2 chỗ để xe. Làng Quarry đã được chính quyền Hayward tạo ngoại lệ.
Trở lại nước Đức, đất nước sản sinh là những hãng xe hơi nổi tiếng thế giới như Mercedes-Benz và BMW, tại một vùng ít xe hơi như Vauban, thị trấn dài và khá hẹp, để tuyến tàu điện tới Freiburg trở nên thuận tiện với mọi nhà trong việc đi bộ. Các cửa hàng, nhà hàng, ngân hàng và trường học nằm xen giữa các khu dân cư hơn so với mô hình ngoại ô thông thường. Hầu hết cư dân, như chị Heidrun Walter, đều có xe kéo dùng để lắp sau xe đạp khi đi mua sắm hoặc đưa trẻ đi chơi, đi học.
Để đi tới những cửa hàng như IKEA hay khu trượt tuyết, các gia đình có một giải pháp là góp tiền mua ô tô để dùng chung hoặc thuê xe của câu lạc bộ chia sẻ ô tô vùng Vauban.
Những tòa nhà quân sự đã bị phá bỏ từ lâu, thay vào đó là những dãy nhà chỉ 4-5 tầng được thiết kế để giảm sự mất nhiệt và tối đa hóa hiệu quả sử dụng năng lượng. Các khu nhà được trang trí bằng gỗ ốp và những chiếc ban công.
Nhà ở Vauban phải xây theo quy hoạch, chính quyền địa phương cấm người dân tự ý xây nhà riêng, vì kiểu nhà này, giống như ở nhiều vùng ngoại ô khác, tiêu thụ nhiều năng lượng hơn cho việc sưởi ấm vào mùa đông, vì bốn mặt tường đều phơi trần.
Nhiều người chuyển tới Vauban không phải vì các lý do môi trường, mà vì họ thấy môi trường sống “không ô tô” tốt hơn nhiều cho con cái. Trên thực tế, trẻ con ở khắp mọi nơi. Vì không có ô tô chạy như mắc cửi trên phố, nên nhiều cư dân ví Vauban như một thiên đường cho trẻ nhỏ. Một số cư dân ở đây thừa nhận là đôi lúc họ cũng có cảm giác nhớ sự tiện nghi của việc có một chiếc ô tô đỗ ngay cửa, nhưng suy đi tính lại, họ vẫn thấy lựa chọn của mình là một sự đánh đổi xứng đáng.
Mấy năm gần đây, Vauban trở thành một cộng đồng nổi tiếng thế giới, dù ở Đức hiện đã có thêm một số mô hình giống như vậy.
Nhật Minh
Theo NYT