Những nhầm tưởng cố hữu của tài xế Việt khi sử dụng ô tô

Hoàng Vũ

(Dân trí) - Không ít lái xe vẫn đặt câu hỏi về việc có cần xi-nhan khi đi vào đoạn đường cong, khi dừng đèn đỏ thì giữ P hay về N hoặc mức tiêu thụ nhiên liệu trên xe số sàn và số tự động.

Xi-nhan khi đi vào đường cong

Người đi ô tô, xe máy phải bật xi-nhan khi rẽ phải, rẽ trái, quay đầu; vượt xe khác; cho xe chuyển bánh từ vị trí đỗ hoặc chạy vào sát vỉa hè để dừng, đỗ xe. Không bật xi-nhan là lỗi mà không ít người thường mắc phải, gây nguy hiểm cho bản thân và các phương tiện khác.

Những nhầm tưởng cố hữu của tài xế Việt khi sử dụng ô tô - 1

Tài xế không bắt buộc phải bật xi-nhan khi đi vào đường cong nhưng tại khu vực nhập làn, chuyển làn thì cần

Tuy nhiên hiện nay, không có quy định nào bắt buộc tài xế phải xi-nhan khi đi vào đường cong. Điều này được lý giải là người tham gia giao thông lái xe theo đường cong (không phải ngã rẽ, không chuyển hướng, không chuyển làn) và đây vẫn được xem là đường theo một hướng, do vậy không phải sử dụng tín hiệu.

Một lưu ý là tại nhiều nút giao có đường cong, tài xế cần bật xi-nhan tại các khu vực chuyển làn, nhập làn...

Buông hai tay khi lái ô tô bị phạt?

Người điều khiển ô tô buông hai tay khỏi vô lăng khi xe đang di chuyển không phạm luật tại Việt Nam. Tuy nhiên nếu buông tay để sử dụng điện thoại di động khi xe di chuyển trên đường sẽ bị phạt 1-2 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 1-3 tháng.

Trong khi đó, sử dụng chân điều khiển vô lăng khi xe đang chạy trên đường thì vi phạm với mức phạt tiền 10-12 triệu đồng đồng.

Dù không có quy định về xử phạt vì hành vi buông hai tay khi lái ô tô nhưng hành động này cần đặc biệt hạn chế vì nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Hãy luôn đặt tay trên vô lăng để kịp thời xử lý trong các tình huống.

Về N gây hại hộp số

Những nhầm tưởng cố hữu của tài xế Việt khi sử dụng ô tô - 2

Về số N không gây hại hộp số nhưng chỉ nên chuyển từ D khi xe đã dừng hẳn (trừ trường hợp khẩn cấp)

Số N còn được dùng trong trường hợp khi xe phải đẩy hoặc dùng xe khác để kéo đi khi gặp sự cố. Tuy nhiên, hãy đợi xe dừng hẳn rồi trả số. Việc chuyển số N khi xe đang lăn bánh không giúp tiết kiệm nhiên liệu, thậm chí đặt tài xế vào tình huống nguy hiểm. Khi bị kẹt ga, tài xế chuyển về N sau đó rà phanh từ từ để dừng an toàn.

Xe số sàn tiết kiệm nhiên liệu hơn số tự động

Quan điểm này không sai nhưng không đúng tuyệt đối, đặc biệt với những mẫu xe đời mới, sử dụng công nghệ hiện đại. Thực tế với cùng một chiếc xe phổ thông thì phiên bản số sàn thường có 5 cấp, trong khi số tự động là 4 cấp. Khác biệt này khiến vòng tua của xe số tự động thường cao hơn, hình thành suy nghĩ rằng xe số sàn tiết kiệm nhiên liệu hơn.

Ngày nay, các xe số tự động có nhiều cấp chuyển số và được thiết kế với khả năng chuyển số thông minh, linh hoạt nên khác biệt trên đã được xóa nhòa. Thậm chí một số mẫu xe AT 8-10 cấp còn cho vòng tua máy thấp hơn xe số sàn 5-6 cấp khi cùng chạy ở tốc độ cao.

Như vậy, suy nghĩ xe số sàn tiết kiệm nhiên liệu hơn so với xe số tự động không chính xác tuyệt đối, đặc biệt khi so với xe số tự động nhiều cấp. Thực tế, việc tốn xăng, tốn dầu còn phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện sử dụng xe, cách kiểm soát chân ga, chân phanh của mỗi người…