Những công nghệ an toàn gây phiền toái nhất

(Dân trí) - Đa số chúng ta đều ủng hộ tiến bộ công nghệ trong ngành xe hơi, đặc biệt là công nghệ an toàn. Tuy nhiên, cũng có những công nghệ chỉ như đồ trang sức của giới thượng lưu, đem lại phiền toái nhiều hơn là tiện ích.

Tạp chí Car and Driver của Mỹ đã “điểm mặt” 5 công nghệ bị coi là gây nhiều phiền toái nhất. Đó là hệ thống đo nhịp tim, công nghệ xóa điểm mù, hệ thống kiểm soát hành trình chủ động, hệ thống cảnh báo chệch làn đường, và thiết bị cảnh báo nguy hiểm.

 

Các công nghệ trên có thể rất hữu ích, nhưng là trong một điều kiện giao thông vào loại cực kỳ hiện đại và tự động hóa trong tương lai. Còn trước mắt, với tình hình giao thông hiện nay, kể cả những nước có cơ sở hạ tầng hiện đại nhất, các công nghệ này hầu như không phát huy được tác dụng, mà trái lại, còn gây thêm phiền toái cho lái xe.

 

Hệ thống đo nhịp tim

 

Những công nghệ an toàn gây phiền toái nhất - 1
 

Hệ thống PCC (giao tiếp cá nhân) của Volvo vừa có chức năng như một khóa điều khiển từ xa thông thường, vừa có khả năng thông báo tình trạng của xe, như cửa đã khóa chưa, báo động có bật không… Đặc biệt, hệ thống này có thể phát hiện nhịp tim, nhờ cảm biển, để cảnh báo cho chủ xe về sự có mặt của “những vị khách không mời” trong xe. Thật quá cẩn trọng! 

 

Hệ thống xóa điểm mù

 

Hệ thống xóa điểm mù BLIS của Volvo, dù có khá hơn hệ thống của Siemens (dùng cho xe BMW 5-series đời 2008), nhưng nhìn chung cũng bị chê là phức tạp không cần thiết.

 

Những công nghệ an toàn gây phiền toái nhất - 2
 

Hệ thống của Volvo sử dụng một camera kỹ thuật số nhỏ gắn trên gương chiếu hậu ở phía ngoài xe, với tốc độ quay 25 hình/giây, có thể giúp lái xe quan sát vật cản ở những vị trí mà gương chiếu hậu không thể bao quát. Khi có chướng ngại vật, đèn màu da cam gắn trên cột A sẽ chớp sáng. Thoạt nghe thì cũng thấy thú vị. Tuy nhiên, cứ thử tưởng tượng với tình hình giao thông đông đúc trong thành phố cũng như ngoại thành, nếu trang bị hệ thống này, nhiều khả năng bạn sẽ phải phát bực với việc đèn liên tục chớp sáng để cảnh báo.

 

Hệ thống cảnh báo chệch làn đường

 

Đèn chớp và còi hú sẽ “nghiêm khắc” cảnh báo nếu hệ thống cảnh báo chệch làn đường phát hiện xe đi chệch khỏi làn đường mà không bật xi-nhan. Một camera nhỏ gắn ngay trên gương chiếu hậu ở trong xe sẽ gửi dữ liệu đến bộ vi xử lý để tính toán xem xe có chạy lệch khỏi làn đường không.

  

Những công nghệ an toàn gây phiền toái nhất - 3
  Minh họa cho hệ thống cảnh báo của Infiniti

 

Dù cũng gây phiền phức trong điều kiện giao thông đông đúc như hiện nay, nhưng ít nhất, tài xế có thể dùng công tắc để tắt hệ thống.

 

Hệ thống kiểm soát hành trình chủ động

 

Hệ thống này dùng tia laze hoặc sóng radar để can thiện vào tốc độ của xe, hoặc tự kích hoạt phanh khi cần thiết, nhằm duy trì tốc độ hoặc khoảng cách an toàn với xe phía trước. Trong số 5 công nghệ đề cập đến trong bài này, đây có lẽ là công nghệ  ít phổ biến nhất. Hiện chỉ có chưa đến 10 hãng ở Mỹ ứng dụng.

 

Những công nghệ an toàn gây phiền toái nhất - 4
 

Tuy nhiên, các chế độ cài đặt lại gây nhiều phiền toái hơn là tiện ích, như khoảng cách với xe trước quá lớn nên không có tính thực tế lắm, hay tốc độ quá thấp, gây bực mình, nhất là khi chạy trên đường cao tốc.

 

Hệ thống cảnh báo nguy hiểm

 

Nguy hiểm ở đây được hiểu là những trường hợp va chạm chỉ còn trong tíc tắc và hệ thống sẽ chớp đèn, hú còi, xiết chặt đai an toàn, rà phanh,… và cả chuẩn bị túi khí.

 

Những công nghệ an toàn gây phiền toái nhất - 5
 

Tất nhiên, máy tính thì chẳng bao giờ biết mệt, không có chuyện quên mang kính, mải tranh cãi với vợ hoặc chồng đang ngồi cùng xe, hay uống rượu… Vì vậy, nghe có vẻ hợp lý nếu bộ xử lý máy tính trên xe có thể hỗ trợ tài xế trong những trường hợp như vậy. Tuy nhiên, thiết nghĩ, nếu đã rơi vào các tình huống kiểu này thì không lái xe là an toàn hơn cả.

 

Vũ Kiên

Theo Car and Driver