Những chiêu lừa khi mua xe máy giá rẻ qua mạng

Gần đây, các chợ điện tử xuất hiện khá nhiều lời rao bán xe máy với giá rẻ mặc dù không có đầy đủ giấy tờ. Không ít giao dịch mua bán xe máy qua mạng chính là đường tiêu thụ xe gian của các đối tượng chuyên trộm cắp xe máy.

Sôi động thị trường xe giá rẻ “online”

Hoạt động mua bán xe máy đang diễn ra hết sức sôi động trên các website rao vặt, mua bán trực tuyến, với gần như tất cả các loại xe, từ bình dân như Wave, Dream… cho đến đắt tiền như SH, Dylan, PS…

 

Cũng có những loại xe được mua bán sát giá gốc một cách chính chủ, hợp pháp. Nhưng có những giao dịch mua bán được thực hiện một cách hết sức “đặc biệt” như rao bán xe máy có giấy tờ nhưng lại với giá rẻ “bất ngờ”: SH, PS được bán với giá 15 triệu đồng. Người mua, người bán cũng chỉ biết nhau thông qua các số điện thoại của sim khuyến mại.

 

Kết thúc giao dịch cũng là lúc số điện thoại “tò tí te” tắt máy liên tục. Việc rao bán các loại xe với giá rẻ thường đánh vào tâm lý hám rẻ, mất cảnh giác của người mua.
 
 
Những chiêu lừa khi mua xe máy giá rẻ qua mạng - 1
Nhiều chiếc xe máy giá rẻ giao bán trên mạng có thể là xe trộm cắp

K., sinh viên Đại học KTQD, từng mua được một chiếc Wave RS có giấy tờ, với giá chỉ 3 triệu đồng, cho hay, sau khi đi chiếc xe này được chừng 1 năm, K. phát hiện chiếc xe liên quan đến một đường dây tiêu thụ xe máy ăn trộm. K. đã “tẩu tán” chiếc xe này bằng cách gửi vào điểm trông xe qua đêm và bỏ lại luôn.

 

Những chiếc xe được rao bán trên mạng với giá rẻ thông thường là những chiếc xe ăn trộm mà có. Không biết nên tiêu thụ ở đâu cho an toàn, các đối tượng trộm cắp đã rao bán xe trên chợ điện tử. Nhiều đường dây tiêu thụ xe máy gian trên mạng đã được cơ quan chức năng làm rõ.

 

Điển hình là từ đầu năm đến nay, Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội đã khám phá 6 ổ nhóm chuyên trộm cắp, tiêu thụ xe máy liên tỉnh. Trong đó có thể kể đến ổ nhóm trộm cắp xe máy do đối tượng Vũ Văn Kim (43 tuổi, ở Nguyễn Văn Cừ, Gia Lâm, Hà Nội) và Đặng Tuấn Anh (34 tuổi, ở Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội) cầm đầu.

 

Chỉ trong thời gian ngắn, Kim và Tuấn Anh gây ra gần 30 vụ trộm cắp xe máy trên khắp các quận, huyện của Hà Nội. Tất cả những chiếc xe trộm cắp này được Tuấn Anh và Kim chuyển cho Lê Thị Dung (43 tuổi, ở Duy Tiên, Hà Nam).

 

Mở rộng vụ án, cơ quan CSĐT còn bóc gỡ một đầu mối chuyên làm đăng ký giả cho các phương tiện do những đối tượng trộm cắp được để dễ tiêu thụ là Lương Thị Thúy (49 tuổi, ở phường Quỳnh Lôi, Hai Bà Trưng, Hà Nội). Những chiếc xe này được Thúy "hóa phép" thay BKS giả, làm lại màu sơn, số khung, số máy rồi bán lại cho những người mua có nhu cầu với giá từ 10 đến 25 triệu đồng/xe.

 

Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận thường đi xe máy lòng vòng trên các tuyến đường và khu dân cư trên địa bàn Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ… phát hiện các loại xe máy đắt tiền để nơi công cộng, không có người canh giữ, một đối tượng đứng cảnh giới, đối tượng còn lại dùng vam phá khóa rồi nhanh chóng tẩu thoát.

 

Mỗi xe trộm được rao bán trên mạng với giá từ 5-10 triệu đồng. Quá trình đi trộm cắp, chúng còn mang theo dao chọc tiết, bình xịt hơi cay… nếu bị phát hiện chúng sẽ chống trả lại.

 

Công nghệ “chế” xe trộm thành xe có giấy tờ hợp pháp

 

Theo chân M., một tay chuyên làm giấy đăng ký xe giả, chúng tôi được mục sở thị công nghệ biến xe ăn trộm thành xe có giấy tờ hợp pháp đơn giản như thế nào. M. cho hay, để có thể làm được một chiếc giấy đăng ký xe mới dựa trên một giấy đăng ký mua được tại các hiệu cầm đồ chỉ cần đầu tư một số tiền chưa đến 10 triệu đồng mua máy scan và máy in lưới, in màu cùng một chiếc máy tính.

 

Sau khi đã có được một chiếc giấy đăng ký xe trong tay, M. photo màu lại giấy đăng ký xe, che số khung, số máy, sau đó scan lên máy tính, chỉnh sửa các thông tin và in màu. Ngoài ra, M. cũng có thể tạo ra một giấy đăng ký xe giả, y chang đăng ký thật bằng cách tự tạo ra phôi giấy đăng ký xe nhờ sử dụng máy in màu, sau đó cũng scan lên máy tính và đánh số khung, số máy vào giấy đăng ký của chính những chiếc xe vừa trộm cắp, đồng thời tự cho “ra lò” tên tuổi, địa chỉ của chủ sở hữu mới vào giấy đăng ký xe.

 

Ngoài thủ thuật “phù phép” giấy đăng ký cho các xe máy, nhiều đối tượng còn có thể thay đổi số khung, số máy của một chiếc xe vừa “nhảy” về. Xe máy sau khi trộm về sẽ được đánh lại cho phẳng chỗ số khung, số máy và đục số mới.

 

Nếu không phải là thợ xe, nhìn bình thường rất khó phát hiện ra số khung, số máy đã bị đục lại. Để có thể gắn một biển số mới cho các xe máy trộm cắp được và rao bán trên mạng, chỉ cần dạo quanh các phố gần cầu Chương Dương, như Trần Nhật Duật, là đã có thể mua được biển xe máy.

 

Biển giả số đẹp, từ biển tiến cho đến biển tứ quý, có giá từ 100.000 - 150.000 đồng. Như vậy, với số tiền chưa đến một triệu đồng, một chiếc xe ăn trộm sẽ có một “giấy khai sinh”.

 

Do công nghệ làm giả cao nên rất ít người có thể phát hiện các xe bị làm giả giấy tờ khi mua bán qua mạng. Chính vì vậy, khi mua những chiếc xe giá rẻ trên mạng, người mua cần phải chú ý xem xét kỹ giấy tờ. Nếu không phải xe chính chủ, cần phải xem xét các giấy tờ mua bán, chuyển nhượng đã có xác nhận của các cơ quan có thẩm quyền. Khi phát hiện các đường dây tiêu thụ xe máy giá rẻ trên mạng có dấu hiệu làm giả giấy tờ, cần báo ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời.

 

Theo CAND