Những câu chuyện về ô tô và lý thuyết kinh tế

(Dân trí) - Mang lại lợi nhuận khổng lồ, đương nhiên công nghiệp ô tô cũng là đối tượng nghiên cứu của kinh tế học. Nhưng có một điều ít ai biết là những chiếc ô tô cũng đóng góp cho lý thuyết kinh tế kha khá những ví dụ hay, thậm chí mở đầu cho nhiều nhánh nghiên cứu mới. Đầu năm thử lai rai một chút cho vui.

Câu chuyện về những “quả chanh” và thị trường ô tô cũ

 

Câu chuyện về ô tô nổi tiếng nhất trong kinh tế học có lẽ là câu chuyện về thị trường ô tô cũ.

 

Năm 2001, giải Nobel kinh tế được trao cho Arkelof, với hạt nhân là luận văn kinh điển – “The market for lemons” – thị trường của những “quả chanh”. Ấy nhưng cái loại hàng hóa được nhắc đến trong luận văn này không phải là về chanh mà lại về ôtô. Nguyên do là ở chỗ, tiếng lóng của người Mỹ gọi những chiếc xe cũ nát thổ tả là quả chanh (lemon). Và cái thị trường mà luận văn nói đến thực chất là thị trường xe cũ.

 

 

Những câu chuyện về ô tô và lý thuyết kinh tế - 1
 

Thông tin người bán và người mua có

không giống nhau, gọi là tình trạng

bất đối xứng thông tin.

Người bán xe cũ nói chung biết rõ xe của mình tốt xấu ra sao, còn người mua xe thì không. Người ta gọi đó là tình trạng thông tin bất đối xứng.

 

Cho nên, nếu người mua xe biết giá trị chiếc xe cũ với những thông số như nhãn hiệu, năm sản xuất .v.v. như vậy có giá tối đa là, chẳng hạn 10.000$, tối thiểu là cho cũng không đắt, thì biết rằng giá trị cái xe mình định mua nằm giữa 0 và 10.000$.

 

Nếu không chắc được giá trị chiếc xe nằm ở khoảng nào, để giảm bớt rủi ro, người mua xe sẽ áng chừng nó ở mức trung bình, chẳng hạn 5.000$.

 

Nhưng nếu người mua nào cũng đánh giá như vậy, chỉ vì họ không nắm rõ thông tin, thì những người bán xe cũ sẽ có xu hướng loại khỏi thị trường những chiếc xe có giá trên 5.000$.

 

Còn lại trong thị trường chỉ là những xe có giá trị từ 5.000$ trở xuống. Nhưng người mua xe cuối cùng cũng sẽ nhận ra điều đó, và họ biết trong thị trường bây giờ chiếc xe tốt nhất, có giá trị tối đa chỉ là 5.000$.

 

Như vậy thì, vì vẫn không biết giá trị từng cái xe một, họ cứ trả giá trung bình là một nửa giá đó, nghĩa là 2.500$. Trước cảnh đó, những người có xe cũ giá trị cao hơn 2.500$ sẽ rút lui, để lại trong thị trường chỉ còn những chiếc xe trị giá từ 2.500$ trở xuống thôi.

 

 

Những câu chuyện về ô tô và lý thuyết kinh tế - 2

 

 

Những "quả chanh" trong thị trường

ô tô gây bất bình đến mức ở nhiều

bang của Mỹ, như  bang California,

có hẳn một luật là Lemon Law để

bảo vệ quyền lợi của những người

mua phải chiếc xe  quá "thổ tả".

Cứ tiếp tục như thế, sau cùng sẽ không còn thị trường bán xe cũ nữa vì chỉ còn những chiếc xe tệ hại nhất mà người ta gọi là những "quả chanh".

 

Câu chuyện trên của Arkelof cho thấy tình trạng bất đối xứng thông tin giữa người mua và người bán làm thị trường suy thoái thế nào. Nó đã mở ra cả một ngành mới trong kinh tế học gọi là kinh tế thông tin và áp dụng giải quyết được vô khối vấn đề thực tế.

 

Chẳng hạn bạn sẽ hiểu được tại sao một đôi giày không nhãn mác sẽ rẻ hơn rất nhiều lần một đôi giày “hàng hiệu” cho dù kiểu dáng có thể đẹp hơn và chất lượng nhìn qua khó có thể biết đôi nào tốt hơn đôi nào. Cái giá thấp hơn đó chính là bù cho việc thông tin mang lại cho người dùng ít hơn.

 

Đó cũng là lý do các doanh nhân thường rất thích bỏ tiền mua những chiếc ô tô thật sang trọng. Cũng là một cách “đánh tín hiệu” – cung cấp thêm thông tin đến đối tác về đẳng cấp hay khả năng tài chính của doanh nghiệp mình.

 

Dây an toàn và tính không thể đoán trước của chính sách

 

Trong cuốn Kinh tế học nổi tiếng của mình, nhà kinh tế học Paul Samuelson có một câu chuyện kinh điển dẫn chứng cho tính khó lường trước được của chính sách. Nhận thấy tình trạng những người đi xe ô tô bị tử vong rất nhiều vì đập mặt vào phía trước do không thắt dây an toàn, chính quyền ra một quy định bắt buộc những người lái xe phải thắt dây an toàn với hy vọng làm giảm số người chết.

 

Nhưng sau một thời gian thực hiện quy định này, thì kết quả thật bất ngờ khi con số thống kê cho thấy số lượng tử vong có chiều hướng tăng nhẹ. Giải thích kết quả này ra sao?

 

Những câu chuyện về ô tô và lý thuyết kinh tế - 3
 

Quy định về thắt dây an toàn làm giảm
tỉ lệ tử vong nhưng tăng số vụ tai nạn.

Một cuộc điều tra cho thấy nguyên nhân chính là do khi bắt buộc phải thắt dây an toàn, những người lái xe vì vậy lại trở nên chủ quan hơn khi lái xe, nên số vụ tai nạn xảy ra nhiều hơn.

 

Quy định thắt dây an toàn trên thực tế đã có hiệu lực. Nó làm tỉ lệ tử vong trong các vụ tai nạn giảm. Nhưng vì số vụ tai nạn tăng lên, nên số người tử vong trên thực tế là không giảm.

 

Câu chuyện trên cho thấy tính khó lường trước của các chính sách. Do vậy khi đưa ra một chính sách cũng như nhận xét về tác động của một chính sách, những người đưa ra ý kiến cần rất thận trọng và nhìn nhận vấn đề dưới nhiều khía cạnh khác nhau.

 

Chẳng hạn như chuyện đánh thuế nặng lên những chiếc xe đắt. Nhiều người phản đối, nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng, điều này làm những chiếc xe đắt càng trở nên đắt hơn. Và như vậy thì những người có mức thu nhập bình thường rất khó có cơ hội mua được những chiếc xe tốt. Tuy nhiên khi phân tích kỹ ra thì thực tế không hoàn toàn như vậy.

 

Với những chiếc xe thuộc nhóm chịu thuế nặng, nhưng có mức giá gần với mức chịu thuế thấp hơn, thì trong thực tế, nhà sản xuất có xu hướng hạ giá xe xuống để chịu mức thuế thấp hơn. Cho dù khi đó lợi nhuận thu trên mỗi chiếc xe giảm, nhưng mức cầu nhờ vậy lại tăng. Trong khi nếu giữ nguyên mức giá cũ, thì do giá chiếc xe vọt lên, nên lượng cầu với những chiếc xe loại này sẽ giảm, trong khi  những nhà sản xuất lại không được hưởng gì từ phần giá tăng thêm do thuế này, do phải nộp lại cho nhà nước.

 

Những người mua xăng lười nhác và mô hình Hotelling

 

Có một ví dụ về mô hình hoạt động của thị trường đơn giản mà rất thú vị do nhà kinh tế học Hotelling đề xuất.

 

Trên một khu phố dài, có hai trạm bán xăng ở hai đầu, ta gọi là trạm xăng Trái và Phải. Và những người đi ô tô trong khu phố đều mua xăng theo nguyên tắc "lười nhác", nghĩa là đi đến trạm bán xăng gần mình nhất.

 

Như vậy lúc đầu lượng người mua xăng sẽ tương đối đồng đều cho hai trạm bán xăng. Nhưng nói chung những anh chàng chủ trạm xăng sẽ có xu hướng dịch trạm xăng của mình vào giữa khu phố.

 

Tại sao lại vậy? Rất dễ hiểu. Những chiếc xe đang hoạt động giữa hai trạm xăng sẽ chia đôi cơ hội cho cả hai trạm xăng này, phụ thuộc vào khoảng cách từ nó đến trạm xăng nào gần hơn.

 

Còn những chiếc xe ô tô không ở giữa hai trạm xăng đương nhiên sẽ chỉ có một lựa chọn duy nhất. Những chiếc xe nằm ở phía trái sẽ đến trạm xăng Trái, và những chiếc xe nằm ở phía phải sẽ đến trạm xăng Phải.

 

Và do cả hai anh chàng chủ trạm xăng đều muốn tối đa hóa cái khoảng của riêng mình, nên cuối cùng kết cục dẫn đến là cả hai trạm xăng sẽ chập vào một chỗ ở trung tâm khu phố - nơi sẽ phải cạnh tranh nhiều nhất và có lẽ cũng bất hợp lý nhất.

 

 

Những câu chuyện về ô tô và lý thuyết kinh tế - 4
 

Hai anh chàng bán xăng cuối cùng sẽ đẩy cây xăng của mình
chập vào một chỗ.

 

Ví dụ trên của Hotelling được đưa ra như một mô hình cho thấy không phải lúc nào thị trường cũng vận hành theo cách hiệu quả nhất, như những nhà kinh tế học chính thống vẫn hằng tin tưởng.

 

T.T.V

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm