Nguyên nhân vô-lăng bị nặng, sượng hay trả lái chậm và cách khắc phục
(Dân trí) - Vô lăng nặng, khó xoay hoặc trả lái chậm ảnh hưởng nghiêm trọng tới trải nghiệm lái và trong một số trường hợp nguy hiểm có thể khiến người điều khiển giảm khả năng kiểm soát chiếc ô tô.
Vô lăng là một bộ phận quan trọng trong hệ thống điều khiển ô tô. Trong quá trình sử dụng, tài xế tiếp xúc bộ phận này nhiều nhất. Đó là lý do nhiều người ví nghề tài xế là "sự nghiệp vần vô lăng".
Vô lăng quyết định rất nhiều vào cảm giác lái. Tay lái đầm, chắc mang lại sự thích thú cho người điều khiển. Ngược lại, nếu nó có hiện tượng nặng, sượng, trả lái chậm thì tài xế là người đầu tiên cảm thấy bực bội.
Đây dấu hiệu bất thường của hệ thống lái, có thể khiến người sử dụng đối diện với tình huống nguy hiểm khi di chuyển ở tốc độ cao do không kiểm soát được tình hình. Vậy nguyên nhân do đâu và cách khắc phục như thế nào?
Hiện tượng vô lăng nặng, sượng, khó xoay
Có rất nhiều lý do làm chiếc vô lăng "giở chứng". Hầu hết đều bắt nguồn từ việc người sử dụng không chú ý sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Dưới đây là những nguyên nhân cơ bản:
Thước lái bị "lão hóa"
Vô lăng liên kết với thước lái thông qua các trục và khớp chữ U. Bộ phận này có thể bị mòn theo thời gian.
Thước lái bị mòn khiến vô lăng bị cứng sau khi xe khởi động. Nhiều người cho rằng lỗi này không đáng ngại bởi vô lăng dần lấy lại cảm giác mượt mà sau đó do thước lái được bôi trơn trong lúc động cơ hoạt động. Đó là suy nghĩ sai lầm. Thước lái sẽ bị "tổn thọ" nếu không khắc phục sớm.
Lốp bị mòn hoặc non hơi
Áp suất lốp quá non (nằm dưới mức tiêu chuẩn) sẽ làm vô lăng bị nặng. Do đó, bạn cần thường xuyên kiểm tra và bơm căng theo chỉ số PSI khuyến cáo của nhà sản xuất. Thay mới khi thấy lốp bị mòn và đảo lốp định kỳ.
Dây đai dẫn động bơm trợ lực bị trùng, nứt, hỏng
Dây đai dẫn động bơm trợ lực bị trùng, nứt, hỏng là nguyên nhân phổ biến làm vô lăng bị sượng, khó đánh lái. Dây đai dẫn động bơm trợ lực hoạt động kém hiệu quả sẽ không sản sinh đủ công suất dẫn động.
Bạn nên kiểm tra bộ phận này định kỳ và tiến hành thay thế khi cần thiết. Theo lời khuyên của các chuyên gia, thay dây đai dẫn động khi xe đi hết 60.000 - 80.000 km.
Nguyên nhân do dầu trợ lực bị thiếu hoặc bụi bẩn xâm nhập
Dầu trợ lực lái thực là một chất lỏng thủy lực. Tương tự các loại chất lỏng khác trong ô tô, dầu trợ lực lái cũng tích tụ bụi, cặn bẩn theo thời gian. Bụi bám quá nhiều làm cho dầu không thể bôi trơn trục lái.
Trong điều kiện sử dụng bình thường, mức dầu không hao hụt đáng kể, chỉ khi bị rò rỉ mới phát sinh nhiều phiền toái.
Hệ thống trợ lực lái bị thiếu dầu làm giảm hiệu quả hoạt động của xe. Người lái có thể cảm nhận sự khác biệt ở vô lăng. Vô lăng xoay khó hơn so với bình thường.
Do đó, bạn nên thường xuyên kiểm tra và thay thế dầu trợ lực lái sau khi đi khoảng 60.000 km - 70.000 km.
Bơm trợ lực mòn, hỏng
Bơm trợ lực có vai trò quan trọng trong việc tạo áp suất cho hệ thống trợ lực lái. Bơm trợ lực bị mòn cánh bơm, bị xước bề mặt hoặc hở đường dầu tới làm tài xế khó bẻ lái. Nếu bơm trợ lực hỏng có thể khiến vô lăng ngừng hoạt động.
Đối với trường hợp này, cách xử lý tốt nhất là đưa xe đến gara gần nhất. Tuyệt đối không tự ý khắc phục bởi đây là hệ thống quan trọng của xe, chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng gây nguy hiểm cho bạn và người ngồi trong xe.
Hiện tượng vô lăng trả lái chậm
Hiện tượng này bắt nguồn từ việc áp suất và lưu lượng dầu bơm không đảm bảo, làm thước lái dịch chuyển chậm nên việc đánh lái cũng chậm hơn bình thường.
Còn một nguyên nhân nữa là thước lái hở séc-măng khiến dầu tràn, lọt sang khoang bên. Ngoài ra, thanh dẫn lái bị khô mỡ, khả năng bôi trơn kém cũng khiến vô lăng trả lái chậm.
"Bệnh" này được chữa bằng cách bôi trơn thước lái và thanh dẫn lái. Tuy nhiên thao tác thực hiện đòi hỏi kỹ thuật cao nên bạn cần nhờ thợ chuyên nghiệp nhằm đảm bảo an toàn.
Khi vô lăng trả lái chậm, bạn cũng có thể nghĩ tới nguyên nhân đai dẫn động bơm trợ lực bị chùng làm thiếu công suất dẫn động bơm. Bạn có thể cảm nhận rõ "triệu chứng" khi cho xe chạy chậm.