Nguy cơ cung vượt xa cầu của ngành xe máy

Đã xuất hiện không ít ý kiến lo ngại về nguy cơ tăng trưởng nóng của công nghiệp xe máy Việt Nam, từ đó có thể dẫn đến một số khó khăn nhất định.

Đua nhau mở rộng nhà máy

 

Nguy cơ cung vượt xa cầu của ngành xe máy - 1
Việt Nam sẽ trở thành một trong những trung tâm sản xuất và xuất khẩu xe máy lớn của tập đoàn Piaggio (Ảnh: Đức Thọ)


Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, ước tính 10 tháng năm 2011 lượng xe máy sản xuất, lắp ráp trong nước đã vượt mức 3,37 triệu chiếc, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Tính riêng trong tháng 10/2011, lượng xe máy sản xuất, lắp ráp trong nước đạt 398.800 chiếc, tăng 25,6% so với tháng 10/2010. Cộng dồn đến hết tháng 9, các nhà sản xuất xe máy đã cho xuất xưởng trên 2,97 triệu chiếc.

 

Cùng với đó, chỉ số sản xuất công nghiệp xe máy Việt Nam cũng đang tăng khá mạnh. So với tháng 9, chỉ số sản xuất công nghiệp xe máy tháng 10/2011 tăng 7,5%. Tương ứng là mức tăng 24% so với tháng 10/2010. Tính đến hết 10 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp xe máy cũng đã đạt tăng trưởng 19,9% so với cùng kỳ 2010.

 

Trong khi cả sản lượng sản xuất lẫn chỉ số ngành đều tăng ở mức cao thì tốc độ tiêu thụ nhóm sản phẩm này lại tăng chậm hơn, đạt 18%. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết thêm, tại thời điểm 1/10/2011, chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp xe máy tăng đến 49,5% so với cùng thời điểm năm trước.

 

Theo dõi diễn biến của ngành công nghiệp và thị trường xe máy thời gian qua cũng không khó nhận ra hiện tượng này. Trong vòng một năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp xe máy đã liên tiếp công bố các kế hoạch mở rộng đầu tư, tăng năng lực sản xuất. Có thể lấy một vài điển hình ở ngay những doanh nghiệp đang chiếm thị phần lớn.

 

Đầu tiên là Honda. Năm 2010, liên doanh hiện đang một mình chiếm đến quá nửa thị trường xe máy Việt Nam đã đầu tư thêm 70 triệu USD để mở rộng nhà máy, theo đó nâng tổng công suất của hai nhà máy tại Vĩnh Phúc từ 1,5 triệu chiếc lên 2 triệu chiếc/năm. Một năm sau đó, liên doanh này tiếp tục công bố xây dựng nhà máy thứ 3 tại khu công nghiệp Đồng Văn 2 (Hà Nam) với số vốn đầu tư hơn 120 triệu USD, đưa tổng công suất của cả ba nhà máy lên mức 2,5 triệu chiếc/năm.

 

Cách đây chưa lâu, nhà sản xuất xe máy lớn khác cùng đến từ Nhật Bản là Yamaha cũng đã quyết định đầu tư thêm gần 30 triệu USD để mở rộng nhà máy, tăng năng lực sản xuất lên khoảng 1,5 triệu chiếc/năm.

 

Chiếm ưu thế với các dòng xe tay ga cao cấp và thời trang, Piaggio Việt Nam cũng đã chính thức động thổ nhà máy mở rộng tại Vĩnh Phúc hồi tháng 4 năm nay, theo đó nâng công suất nhà máy lên mức 300.000 xe/năm. Thậm chí, tập đoàn xe máy đến từ nước Ý còn công bố kế hoạch đưa trụ sở khu vực từ Singapore về Việt Nam, xây dựng Piaggio Việt Nam thành đại bản doanh của khu vực, trở thành một trong những trung tâm sản xuất và xuất khẩu.

 

Đến thời điểm này, các nhà máy mới hay nhà máy mở rộng kể trên đều vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện song sản lượng xe máy cũng đã tăng rất cao. Trong khi đó, thị trường xe máy lại đang tăng trưởng chậm lại.

 

Theo các dữ liệu mà Tổng cục Thống kê cung cấp, ở thời điểm này cũng đã xuất hiện dấu hiệu dư thừa xe máy. Và từ khoảng cuối năm 2012, khi các nhà máy mới và nhà máy mở rộng bắt đầu cho “ra lò” sản phẩm thì khả năng dư thừa là rất hiện thực.

 

Thử làm phép tính sơ bộ với sản lượng của Honda là 2,5 triệu chiếc, Yamaha 1,5 triệu chiếc, Piaggio 300.000 chiếc, SYM 300.000 chiếc, Suzuki 200.000 chiếc và một số doanh nghiệp khác khoảng hơn 100.000 chiếc, tổng sản lượng xe máy sản xuất trong nước sẽ lên mức xấp xỉ 5 triệu chiếc/năm.

 

Trong khi quy mô sản xuất xe máy tăng mạnh và ở mức cao thì theo tính toán, nhu cầu thị trường đang ở mức thấp hơn khá nhiều. Ví dụ năm 2009 cả nước tiêu thụ khoảng 2,75 triệu chiếc, sang năm 2010 đạt mức gần 3 triệu chiếc và năm 2011 được dự báo sẽ đạt khoảng 3,3 triệu chiếc.

 

Bão hòa sớm

 

Điều đáng lo ngại là thị trường xe máy Việt Nam nhiều khả năng sẽ bão hòa sớm hơn so với những dự báo trước đây.

 

Chẳng hạn, Bộ Công Thương từng tính toán, vào năm 2020 số xe máy lưu hành trên cả nước sẽ đạt khoảng 33,5 triệu chiếc, dân số đạt khoảng 99,6 triệu người, đưa tỷ lệ sử dụng xe máy ở Việt Nam lên tới 2,97 người/xe. Tại Thái Lan, tỷ lệ này hiện là 2,9 và đã đạt mức bão hòa. Hay như dự báo của GS. Kenichi Ohno, Viện Nghiên cứu chính sách Quốc gia Nhật Bản, khi lượng xe máy tại Việt Nam đạt tới con số 30 triệu chiếc, thị trường sẽ bão hòa. Thời điểm này dự tính sẽ rơi vào những năm 2017-2020.

 

Tuy nhiên, theo một thống kê của Bộ Giao thông Vận tải, tính đến tháng 8/2011, lượng xe máy đăng ký lưu hành đã đạt mức 33,4 triệu chiếc. Đối chiếu với các tính toán trên thì thực tế thị trường xe máy Việt Nam ngay từ thời điểm này đã chạm ngưỡng bão hòa.


Vấn đề đặt ra là khi thị trường đã bắt đầu bão hòa mà nguồn cung lại tăng nóng (ít nhất là xét trên quy mô, năng lực sản xuất) thì bức tranh của ngành công nghiệp xe máy sẽ thế nào?

 

Đối với các doanh nghiệp, bối cảnh hiện hữu là không tận dụng được hết năng lực nhà máy, sản xuất có nguy cơ đình trệ cục bộ, ít nhiều lãng phí các khoản đầu tư mới, từ đó giá thành sản phẩm bị đẩy cao hơn… Như vậy, việc “vẽ” lại bản đồ thị trường có lẽ cần được thực hiện sớm, đặc biệt là khi “gánh nặng” giao thông tại các đô thị lớn hiện đã ở mức báo động mà biểu hiện rõ rệt nhất là chỉ đạo xây dựng đề án cấm lưu hành xe máy tại các thành phố như Hà Nội hay Tp.HCM mới đây của Chính phủ.

 

Theo Đức Thọ

VnEconomy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm