Ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc vẫn loay hoay

(Dân trí) - Dù có tiềm lực tài chính và đã được "chống lưng" bằng nhiều biện pháp hỗ trợ của chính phủ trong suốt hàng chục năm, nhưng ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc vẫn đang loay hoay xây dựng thương hiệu ngay trên sân nhà.

Ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc vẫn loay hoay

Mẫu GAC GS4 đại diện cho ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc ra mắt tại Triển lãm ô tô quốc tế Bắc Mỹ diễn ra hồi tháng 1 ở Detroit, Mỹ (Ảnh: AP)

Hồi tháng 1, tại triển lãm ô tô ở Detroit đã có thêm một nhà sản xuất ô tô Trung Quốc tham dự, làm dấy lên câu hỏi: Liệu bao giờ họ sẽ bán xe cho người Mỹ? Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng ngày đó vẫn còn xa.

Trung Quốc đã có hơn ba thập kỷ triển khai triệt để chính sách bắt buộc các hãng xe ngoại phải lập liên doanh với một công ty nội địa mới được sản xuất xe tại Trung Quốc, đồng thời áp thuế cao đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc nhằm phát triển thương hiệu ô tô nội địa.

Cách đây vài năm, Bắc Kinh thậm chí còn buộc các liên doanh ô tô ngoại phải lập các thương hiệu con dành riêng cho thị trường Trung Quốc nếu muốn tăng công suất tại đây.

Tuy nhiên, cho đến nay, ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc vẫn chưa thể theo kịp các nước phương Tây.

Thực tế là chỉ với 30% thị phần hiện tại, ô tô thương hiệu Trung Quốc khó có thể thâu tóm thị trường trong tương lai gần. Đó là chưa kể đến tâm lý chuộng xe sang thương hiệu Đức, như Audi và Mercedes của người tiêu dùng. Tâm lý này tồn tại ngay trong chính các quan chức Trung Quốc, khiến hồi năm 2012, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc đã công bố dự thảo quy định danh sách 421 mẫu ô tô mà các cơ quan nhà nước được phép mua; trong đó, tất cả đều là xe thương hiệu nội địa.

Tuy nhiên, tất cả những quyết tâm đó vẫn chưa thể đưa ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc lên tầm quốc tế. Hãy điểm qua tình hình 5 nhà sản xuất ô tô lớn nhất nước này:

Tập đoàn công nghiệp ô tô Thượng Hải (SAIC): Thuộc sở hữu nhà nước, SAIC hiện là nhà sản xuất ô tô nội lớn nhất Trung Quốc. SAIC lắp ráp xe cho GM và Volkswagen nhờ quy định các hãng xe nước ngoài buộc phải lập liên doanh với một hãng ô tô nội địa nếu muốn sản xuất xe tại Trung Quốc.

Xe của GM và VW bán chạy - mỗi công ty đạt doanh số hơn 1 triệu xe tại Trung Quốc vào năm ngoái, tạo nguồn doanh thu khổng lồ cho SAIC. Tuy nhiên, nhà sản xuất ô tô này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của chính phủ về việc phát triển các thương hiệu riêng đủ sức hấp dẫn người tiêu dùng. Các thương hiệu riêng của SAIC vẫn đang lỗ.

Tập đoàn ô tô Đông Phong (Dongfeng Motor Corp.): Cũng thuộc sở hữu nhà nước, Đông Phong là đối tác lắp ráp xe tại Trung Quốc của Honda, Nissan và PSA Peugeot Citroen; đồng thời bán xe tải và xe buýt thương hiệu riêng - khá quen thuộc tại Việt Nam. Tập đoàn ô tô Đông Phong hiện nắm 14% cổ phần Peugeot và hai bên đã cam kết hợp tác phát triển công nghệ, nghiên cứu, sản xuất và phân phối xe ở thị trường nước ngoài. Giống như các doanh nghiệp ô tô nhà nước khác, Đông Phong nhận được các hỗ trợ tài chính và ưu đãi của chính phủ. Gần đây, Đông Phong bị ảnh hưởng bởi doanh số của các hãng xe Nhật tại Trung Quốc sụt giảm trong bối cảnh người tiêu dùng chuộng xe châu Âu hơn.

Geely Holding Co.: Là một trong những thương hiệu ô tô độc lập lớn nhất của Trung Quốc, Geely bước lên "vũ đài thế giới" vào năm 2010 khi mua lại hãng xe Volvo của Thuỵ Điển với giá 1,8 tỷ USD. Geely hiện được coi là đại diện tiêu biểu nhất của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc, với các thương hiệu như Gleagle và Englon.

Geely và các hãng xe tư nhân khác của Trung Quốc, như Chery Automobile Co., đều đang đối mặt với sức ép cạnh tranh rất lớn từ các thương hiệu quốc tế lớn. Giữa năm ngoái, công ty đã tuyên bố sẽ tập trung duy nhất vào thương hiệu Geely, loại bỏ Gleagle và một số thương hiệu khác.

BYD Auto Co.: BYD - viết tắt của "Build Your Dreams", có nghĩa là "Kiến tạo những giấc mơ" - là nhà sản xuất ô tô điện hiện đại nhất của Trung Quốc. Công ty được kỹ sư Wang Chuanfu thành lập vào năm 2003 sau khi đã đưa BYD Co. trở thành một trong những nhà sản xuất pin sạc lớn nhất thế giới cho điện thoại di động và các sản phẩm khác.

Năm 2008, công ty Berkshire Hathaway Inc. của tỷ phú Warren Buffett đã chi 230 triệu USD để sở hữu 10% cổ phần BYD Co - công ty mẹ của BYD Auto. Năm ngoái, BYD Auto đã mở một nhà máy tại Mỹ để sản xuất xe buýt chạy hoàn toàn bằng điện. Có lẽ thấy khó cạnh tranh trên thị trường xe hơi truyền thống, chính phủ Trung Quốc có tham vọng phát triển ngành công nghiệp ô tô điện, nhưng vấn đề là hiện người tiêu dùng không mấy nhiệt tình.

Great Wall Motors Ltd.: Great Wall đã trở thành câu chuyện thành công điển hình của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc vào năm 2013 nhờ các mẫu SUV của hãng bán khá chạy. Tuy nhiên, hiện công ty cũng đang gặp khó khăn do doanh số liên tục giảm.

Great Wall là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu ô tô lớn nhất của Trung Quốc, với loạt SUV thương hiệu Haval được bán sang Nga, Nam Phi và một số thị trường đang phát triển. Tuy nhiên, trên sân nhà, hãng đang chịu áp lực cạnh tranh rất lớn từ các thương hiệu nước ngoài và cả các thương hiệu giá rẻ trong nước. Giới phân tích cho rằng Great Wall sai lầm khi không đầu tư đúng mức cho việc phát triển công nghệ và các sản phẩm mới.

Nhật Minh

Theo Fox Business, Bloomberg

Ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc vẫn loay hoay
 
Ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc vẫn loay hoay