Ngành công nghiệp ô tô thế giới: Một năm nhìn lại
(Dân trí) - 2008 là một năm đầy biến động và khó khăn của ngành công nghiệp ô tô thế giới, do tác động mạnh mẽ của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Dưới đây là những sự kiện lớn, đáng chú ý nhất trong năm vừa qua, theo đánh giá của <i>Dân trí</i>.
Ra mắt ô tô giá rẻ nhất thế giới
Mở đầu cho một năm đầy biến động, ngày 10/1, nhà sản xuất ô tô Tata của Ấn Độ cho ra mắt mẫu xe rẻ nhất thế giới - Tata Nano - có giá bán tiêu chuẩn chỉ 2.500 USD. Trước những quan tâm về chất lượng xe, chủ tịch công ty, ông Ratan Tata, khẳng định rằng Nano hoàn toàn thân thiện với môi trường và đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn cần thiết.
Với mức giá 2.500 USD, Tata kỳ vọng mẫu xe này sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp ô tô. Và sự việc có vẻ diễn biến đúng theo chiều hướng này. Nhiều hãng đã lập tức lao vào “cuộc đua” sản xuất xe giá rẻ, trong đó có GM, Chrysler-Chery, Mitsubishi, liên minh Bajaj-Nissan-Renault, Hyundai, Suzuki…
Tuy nhiên, có khá nhiều khó khăn quá trình sản xuất Tata Nano, nổi bật nhất là cuộc biểu tình của hàng chục ngàn người ở bên ngoài khu vực nhà máy sản xuất mẫu xe này hồi cuối tháng 8, nhằm phản đối chính sách đền bù 400 mẫu đất nông nghiệp bị chính quyền bang Tây Bengal thu hồi để xây dựng nhà máy. Hai tháng sau đó, Tata đã phải tuyên bố từ bỏ dự án nhà máy sản xuất ô tô rẻ nhất thế giới tại đây, để chuyển sang các nhà máy ở Uttararkhand và Maharashtra.
Nhộn nhịp mua bán thương hiệu
Trước tác động mạnh mẽ của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khởi nguồn từ nước Mỹ, doanh số tiêu thụ ô tô trên toàn thế giới sụt giảm, đẩy nhiều nhà sản xuất lâm vào tình cảnh khó khăn về tài chính. Để huy động vốn duy trì hoạt động và phục vụ kế hoạch tái cơ cấu cho phù hợp với những thay đổi của thị trường, nhiều doanh nghiệp đã phải cân nhắc bán bớt tài sản, trong đó có các thương hiệu con.
Ngày 25/3, sau một thời gian dài đàm phán, Ford đồng ý bán hai thương hiệu Jaguar và Land Rover cho tập đoàn ô tô Tata của Ấn Độ, với giá hơn 2 tỷ USD. Thủ tục mua bán đã được hoàn tất vào cuối tháng 6.
Dù chưa có kết quả cuối cùng, nhưng không thể không nhắc tới những thương hiệu đã được rao bán trong năm vừa qua, như Hummer (thuộc GM), Volvo (thuộc Ford), ….
Ngành chế tạo ô tô Mỹ bên bờ vực
Ba nhà sản xuất lớn của ngành công nghiệp ô tô Mỹ tại thành phố Detroit, tiểu bang Michigan, một thời là niềm tự hào không che giấu của nước Mỹ giờ đây đang đứng bên bờ vực phá sản, phải dắt nhau lên cầu cứu sự trợ giúp của chính phủ.
Tình hình khủng hoảng của ngành chế tạo ô tô Mỹ đã chớm từ trong năm 2007, khi GM lỗ 38,7 tỷ USD, Ford lỗ hơn 2,7 tỷ USD, còn Chrysler lỗ gần 3 tỷ USD. Bước sang năm 2008, doanh số tiếp tục sụt giảm mạnh đẩy 3 nhà sản xuất ô tô lớn nhất nước Mỹ lâm vào tình cảnh khó khăn về tài chính.
Dù khá nhất trong bộ tam, nhưng mới đây Ford cũng cho biết chỉ còn đủ tiền để duy trì hoạt động đến hết năm 2009, nếu tình hình không xấu thêm. Trong khi đó, GM và Chrysler cho biết nếu không có khoản vay từ chính phủ, họ sẽ không còn đủ tiền mặt để duy trì hoạt động đến hết quý I/2009. GM thông báo chỉ còn khoảng 15 tỷ USD tiền mặt từ nay đến cuối năm, còn Chrysler chỉ có 6,1 tỷ USD dằn túi.
Sau khi bị Thượng viện từ chối thông qua gói cứu trợ khẩn cấp, GM tuyên bố tạm đóng cửa 20 nhà máy ở Bắc Mỹ đến tận đầu tháng 2/2009, đồng thời cắt giảm mạnh sản lượng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 100 năm của mình, GM phải cùng lúc đóng cửa tạm thời nhiều nhà máy như vậy. Trong cùng một động thái, Chrysler thông báo đóng cửa tất cả nhà máy tại Mỹ trong ít nhất một tháng, bắt đầu từ ngày 19/12/2008; còn Ford tuyên bố tạm đóng cửa 10 nhà máy ở Bắc Mỹ, bắt đầu từ 5/1/2009.
Chính phủ các nước bơm tiền cứu ngành ô tô
Khởi tạo làn sóng cứu trợ ngành ô tô trên toàn thế giới là nước Mỹ, với gói cứu trợ trị giá 25 tỷ USD và gần đây nhất là gói 17,4 tỷ USD. Theo sau Mỹ, chính phủ Canađa duyệt chi khoảng 3,3 tỷ USD để hỗ trợ ngành ô tô trong nước duy trì hoạt động trong thời gian tái cơ cấu. Đối tượng được hưởng lợi chính của các gói cứu trợ này là ba nhà sản xuất ô tô lớn nhất nước Mỹ - GM, Ford và Chrysler.
Các nhà sản xuất ô tô châu Âu cũng yêu cầu Ngân hàng đầu tư châu Âu cho vay ưu đãi 40 tỷ euro (52 tỷ USD), dưới vỏ bọc nhằm phát triển các mẫu xe thân thiện với môi trường hơn.
Đầu tháng 12, Pháp duyệt chi 1,5 tỷ euro (2 tỷ USD) để hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô, và đến ngày 23/12, Tổng thống Nicolas Sarkozy hứa sẽ công bố gói hỗ trợ mới vào cuối tháng 1/2009.
Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel cho biết chính phủ sẽ sớm có quyết định về yêu cầu đảm bảo tín dụng mà ban lãnh đạo GM châu Âu đã đưa ra.
Tại Anh, chính phủ cũng đang thảo luận với tập đoàn Tata, chủ sở hữu hai thương hiệu Jaguar và Land Rover, về gói cứu trợ trị giá lên tới 1 tỷ bảng Anh (1,5 tỷ USD).
Thuỵ Điển, quê hương của Volvo (thuộc Ford) và Saab (thuộc GM), đã thông qua gói cứu trợ 3,6 tỷ USD nhằm tránh sự sụp đổ của ngành công nghiệp ô tô nước này.
Ngoài việc bơm tiền, một số nước còn có những biện pháp khác nhằm hỗ trợ ngành ô tô. Chính phủ Nhật Bản cân nhắc khả năng tác động giảm giá đồng nội tệ, vì việc đồng yên lên giá đã làm tăng chi phí sản xuất và lợi nhuận xuất khẩu của doanh nghiệp ô tô Nhật Bản. Trong khi đó, nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô trong nước, Hàn Quốc đã giảm 1/3 thuế tiêu dùng ô tô, còn Nga tăng thuế nhập khẩu ô tô.
Thị trường xe “xanh” tăng tốc
Trước sự lên giá chóng mặt của giá nhiên liệu, tình hình suy giảm kinh tế ngày càng trầm trọng và ý thức bảo vệ môi trường tăng lên, năm 2008, người tiêu dùng trên toàn thế giới quan tâm nhiều hơn đến các mẫu xe có tính kinh tế cao và thân thiện với môi trường.
Thị trường xe hybrid xăng-điện trở nên sôi động hơn, với sự ra mắt của một loạt mẫu xe mới, như Honda Insight, Ford Fusion, Chevrolet Volt,…
Thích ứng với yêu cầu mới của thị trường, các nhà sản xuất đã phải nhanh chóng bổ sung phiên bản hybrid cho những mẫu xe thể thao việt dã nổi tiếng hao xăng như Cadillac Escalade, Chevrolet Tahoe, Ford Escape… Ngay cả hãng xe thể thao hạng sang Porsche cũng đã công bố kế hoạch sản xuất xe hybrid. Bên cạnh đó là sự manh nha phát triển của dòng xe chạy hoàn toàn bằng điện.
Thu Lan