Mất cơ hội mua ô tô giá rẻ
Giá ô tô tăng đúng thời điểm nhà nước giảm lệ phí trước bạ khiến người tiêu dùng không được hưởng nhiều ưu đãi từ chính sách.
Toyota Việt Nam (TMV) vừa công bố tăng giá bán 24 mẫu xe lên từ 9-51 triệu đồng/xe, mức tăng trung bình là 1,66%. Nguyên nhân được lý giải là do tỉ giá tăng. Tuy nhiên, ngoài yếu tố tỉ giá, TMV tăng giá xe đúng vào thời điểm nhà nước cho phép giảm lệ phí trước bạ đối với xe dưới 10 chỗ.
Thuận mua vừa bán
Giá bán cả dòng xe nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp trong nước của TMV sẽ tăng kể từ ngày 1-8. Theo TMV, việc điều chỉnh tăng tỉ giá thêm 1% vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp (DN) này bởi việc nhập khẩu các phụ tùng, linh kiện lắp ráp từ nước ngoài phải thanh toán bằng USD. Vì lẽ đó, TMV buộc phải điều chỉnh mức giá bán tương ứng lên trung bình 1,66% đối với các mẫu xe để bù đắp chi phí sản xuất gia tăng.
Cụ thể, dòng xe Vios tăng từ 9-10 triệu đồng/xe; mẫu xe Yaris, Innova và Altis tăng 11-14 triệu đồng/xe; Camry tăng từ 17-51 triệu đồng/xe. Các mẫu xe khác như Fortuner, Prado, Land Cruiser, Hiace, Toyota 86 tăng từ 16-44 triệu đồng/xe.
Bình luận về việc TMV tăng giá xe lần này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cho rằng hiện ô tô không nằm trong nhóm mặt hàng thiết yếu cần đến sự quản lý giá của nhà nước. Việc tăng giá của các DN hoàn toàn có thể giải thích do yếu tố thị trường. “Việc tăng giá là quyền của DN, người tiêu dùng có thể thuận mua vừa bán,” ông Hùng nói.
Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng việc TMV tăng giá do yếu tố tỉ giá là hợp lý vì tỉ giá đã chính thức tăng 1%. “Việc tăng giá của TMV có thể dựa trên cân đối cung - cầu thị trường, cảm nhận thị trường, vì lợi nhuận và vì tỉ giá ảnh hưởng đến hoạt động nhập khẩu thiết bị, linh kiện,” ông Phong lý giải.
Thừa gió bẻ măng?
Hà Nội và Đà Nẵng là 2 thành phố đi đầu trong việc giảm lệ phí trước bạ ô tô nhằm hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn cho DN trên lĩnh vực này theo tinh thần Nghị quyết 02 của Chính phủ. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Văn Sửu, vừa ký ban hành mức lệ phí mới đối với xe làm thủ tục đăng ký, nộp lệ phí trước bạ là 12% từ ngày 12/7 (mức cũ là 15%). HĐND TP Đà Nẵng cũng vừa thông qua nghị quyết về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô chở người dưới 10 chỗ sẽ giảm xuống còn 10% kể từ ngày 1/8.
Việc giảm lệ phí trước bạ được đánh giá là sẽ thúc đẩy sức mua ô tô trên thị trường, thông qua đó sẽ góp phần gỡ khó cho các DN trong ngành, nhất là ở các địa phương có sức mua ô tô lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng… Các đại lý bán lẻ Toyota ở Hà Nội cũng thừa nhận do ảnh hưởng từ giảm lệ phí trước bạ mà sức mua xe đã tăng mạnh, nhiều đại lý hiện đã bán hết lượng hàng nhập về trong tháng 7. Trước quyết định tăng giá của TMV từ ngày 1-8, các đại lý vẫn không tỏ ra lo lắng vì theo họ, ảnh hưởng tâm lý của việc giảm lệ phí trước bạ đang rất lớn, hơn nữa, hiện cầu đang lớn hơn cung...
Đại lý Toyota Thăng Long (Hà Nội) cho biết lệ phí trước bạ ở Hà Nội đã giảm xuống còn 12% nên việc tăng giá xe 1,66% đã không đẩy giá lên quá cao. “Nếu so sánh giữa việc giảm lệ phí trước bạ và tăng giá xe lần này thì giá bán vẫn hợp lý nên dự báo sức mua sẽ không giảm. Nếu tháng tới, doanh số bán xe có giảm thì nguyên nhân chủ yếu do nhiều người kiêng mua sắm trong tháng 7 âm lịch,” đại diện Toyota Thăng Long cho biết.
TS Nguyễn Minh Phong nhận xét: “Không loại trừ khả năng TMV đã lợi dụng cơ hội giảm lệ phí trước bạ để tăng giá bán mà ít chịu phản ứng từ dư luận, thị trường. Người mua với tâm lý được lợi khi nhà nước hạ lệ phí trước bạ nên vẫn sẵn sàng mua. DN này đã khôn khéo bắt bài tâm lý người mua, lợi dụng thời điểm để tăng giá nhằm có lợi cho mình".
Còn ông Nguyễn Mạnh Hùng thì băn khoăn: “Cho dù việc điều chỉnh giá ô tô là quyền của DN nhưng việc tăng giá chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng vì họ đã không được hưởng ưu đãi trọn vẹn từ chính sách giảm lệ phí trước bạ”.
Nhiều doanh nghiệp xin gia hạn nộp thuế
Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) vừa gửi đơn xin gia hạn đóng thuế nhập khẩu linh kiện, vật tư ô tô phục vụ sản xuất lắp ráp ô tô trong nước từ ngày 1/7 đến 31/12/2013 với tổng giá trị 180 tỉ đồng. Lý do DN này đưa ra là phải dồn sức cho việc "phát triển ngành công nghiệp ô tô" trong bối cảnh khó khăn.
Trước đó, Công ty CP Ô tô Trường Hải đã được Chính phủ cho phép gia hạn nộp 1.200 tỉ đồng thuế sau khi gửi đơn đề nghị. Ngoài ra, một số DN khác như Công ty CP Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki), Công ty CP Tập đoàn Thành Công, Công ty CP Ô tô TMT và Công ty TNHH Ô tô Đông Phương... cũng đã và đang có những kiến nghị gia hạn thuế. |
Theo Phương Nhung
Người lao động