Lý do nhiều người Việt “sợ” sở hữu ô tô

Đối với nhiều người, sở hữu xe hơi là một ước mơ thì một bộ phận lại xem chiếc xe 4 bánh như một gánh nặng.

Ở phương Tây, xe hơi đã trở nên phổ thông, và đơn giản chỉ là một loại phương tiện, nhưng đối với nước ta, sở hữu xe hơi cũng đồng nghĩa với việc chứng minh khả năng tài chính và sự thành đạt. Xe càng đắt tiền chứng tỏ chủ nhân của nó càng giàu có, quyền lực càng cao. Nhưng thực tế, những chủ xe cũng có nhiều nỗi lo khó mà kể hết được.

 

Dưới đây là một số lý do khiến nhiều chủ nhân xế hộp không còn thắm thiết với “vợ hai” nữa.

 

Nỗi lo tắc đường

 

Nếu bạn sinh sống ở nông thôn hoặc các đô thị nhỏ thì có lẽ tắc đường chưa bao giờ là nỗi lo thường trực. Tuy nhiên, hãy trải nghiệm một ngày ở Hà Nội hay TP HCM để thấm thía nỗi “đau khổ” này.

 

Sáng tắc đường, trưa tan tầm tắc đường, chiều về lại tiếp tục… tắc đường! Khi tắc đường, những chiếc ô tô là những “nạn nhân” phải chờ đợi lâu nhất, bởi không có được sự linh động như xe gắn máy. Dù xe có điều hòa nhiệt độ, cửa kính kín mít không sợ khói bụi, nhưng cái giá phải trả là hàng giờ đồng hồ chờ đợi.

 

Lý do nhiều người Việt “sợ” sở hữu ô tô - 1
Được đi trên những con đường rộng rãi thế này luôn là mơ ước của người cầm lái.

 

Một độc giả tâm sự: “Tôi sống và làm việc ở TP Hồ Chí Minh, nhà quận Bình Thạnh, làm việc quận 1. Thời gian đầu kết hợp đưa con đi học, 8 giờ bắt đầu làm việc thì 6 giờ đã phải ra khỏi nhà, đưa con đến trường. Đến nơi thì vẫn còn sớm, để con đứng đó thì không yên tâm mà đưa con đến đúng giờ thì thằng bố đến cơ quan muộn giờ vì tắc đường. Kế hoạch đưa con đi học bằng ôtô coi như phá sản. Sau khi bàn giao con cho vợ thì có thảnh thơi hơn, nhưng 8 giờ làm việc thì mình cũng phải có mặt ở công ty trước 7h30, nghĩa là cũng phải ra khỏi nhà lúc 6h30, mất gần một tiếng để đi đoạn đường khoảng 5 km.”. Để phòng tránh điều này, cách tốt nhất là các chủ xe cần phải “đi sớm, về muộn” tránh giờ cao điểm.

 

Nỗi lo tìm chỗ đậu xe

 

Ở thời buổi đất chật, người đông, chỗ ở còn chẳng có huống hồ đậu xe. Nếu chỉ có xe máy thì còn đỡ, vì ít ra nó cũng không chiếm diện tích lắm, nhưng ô tô thì lại là vấn đề khác. Không chỉ cần diện tích đậu xe, nó cũng cần có đường vào ra đủ rộng. Vì thế những người có nhà trong hẻm hoặc phố nhỏ muốn sở hữu ô tô thì trước hết phải tìm được bãi đậu xe gần nhà, và chấp nhận ngày ngày đi bộ từ nhà ra bãi và ngược lại.

 

Nhưng điều đó vẫn là chưa đủ, cơ quan hoặc nơi công tác cũng phải có chỗ đậu xe thuận tiện. Ngoài ra, các nhà hàng, nơi mua sắm… cũng phải có chỗ đậu ô tô. Vì thế sau nỗi lo tắc đường, việc tìm được nơi đỗ xe phù hợp cũng khiến nhiều người “lao tâm khổ tứ”.

 

Lý do nhiều người Việt “sợ” sở hữu ô tô - 2
Lái xe phải tìm chỗ đậu xe đúng nơi quy định, nếu không muốn bị xử phạt.

 

Anh H.A hiện đang sinh sống tại TP HCM cho biết: “Giờ làm việc của tôi là 8h, nhưng đều phải có mặt từ 7h30 để tìm chỗ đậu xe. Công ty tôi ở cuối đường Nguyễn Huệ, đôi lúc phải đậu xe ở đường Hàm Nghi hay Lê Lợi rồi lội bộ cả cây số để tới chỗ làm việc, coi như không còn thời gian cho cà phê sáng. Một khi đã tìm được chỗ đậu rồi thì coi như phải để xe nằm chết đó từ sáng đến chiều, có chuyện cần đi đâu thì taxi, xe ôm chứ xách xe mình ra thì coi như lúc về chỉ có nước về nhà luôn, vì còn chỗ nào nữa đâu mà đỗ!”.

 

Nỗi lo bị “vặt đồ”

 

Bị “vặt đồ” luôn là nỗi lo thường trực của các chủ xe, nhất là chủ xe “xịn”. Các chi tiết mà đạo chích hay nhắm đến nhất là đôi gương, biển số, cần gạt nước, logo và thậm chí cả bánh xe. Theo luật pháp, xe ô không có gương chiếu hậu hoặc biển số sẽ không được lưu thông, vì thế chủ xế luôn phải cảnh giác.

 

Có những trường hợp gương bị “vặt” ngay giữa đường đông đúc người mà họ đành bất lực. Một đôi gương thuộc các dòng xe sang như Mercedes hay BMW có giá chợ trời lên tới hàng chục triệu, biển số có giá vài ba triệu, vì thế tốn kém là điều không tránh khỏi.

 

Lý do nhiều người Việt “sợ” sở hữu ô tô - 3
Gương xe luôn là mục tiêu đầu tiên mà các đạo chích Việt Nam nhắm đến.

 

Có nhiều biện pháp để bảo vệ cho xế yêu như: khắc mã số lên gương, gắn lưỡi dao lam vào kẽ gương, bắn đinh rút để giữ logo xe đã được nhiều bác tài áp dụng, nhưng hiệu quả không cao. Đôi khi vì cay cú, đạo chích quay lại trả thù bằng cách đập vỡ cả kính xe. Nhiều người, do quá ngán ngẩm đã quay về với chiếc xe máy thân yêu và cảm thấy vô cùng hạnh phúc, hết cả lo toan.

 

Nỗi lo bị “cấm đường”, đi vào đường cấm

 

Ai đang sống ở Thủ đô trong dịp đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội sẽ thấu hiểu thế nào là nỗi lo “cấm đường”. Hàng loạt các tuyến phố cấm xe lưu thông khiến nhiều người dở khóc dở cười vì không biết đi làm, đi học kiểu gì.

 

Các phụ huynh có con học ở các trường tọa lạc trên cung đường cấm càng lo lắng hơn vì chưa biết phải đưa đón con đi học ra sao. Lòng vòng trên các tuyến phố nhỏ, lỡ gặp đường cấm thì không biết xử lý ra sao. Xe máy, xe đạp còn luồn lách được, chứ ô tô mà quay đầu chắc là tắc đường luôn. Vì thế, trong dịp Đại lễ này, rất nhiều người đã chọn xe máy làm phương tiện thay vì ô tô như ngày thường.
 

Dù Đại lễ chỉ diễn ra 10 ngày, vì thế “cấm đường” cũng chỉ là vấn đề ngắn hạn, nhưng điều khiến nhiều người lo lắng hơn là lỡ đi vào đường cấm, đường 1 chiều. Với những con đường đan xen ngang dọc, việc bắt gặp đường một chiều không phải là hiếm thấy. Đến những người thuộc đường làu làu cũng đôi khi phải bất ngờ với những biển cấm “ở đâu mọc ra” hoặc lâu ngày bị cây cối che khuất.

 

Vấn đề này sẽ càng đau đầu nếu lái xe là người ngoại tỉnh. Một bác tài đang sinh sống ở Hà Nam tâm sự: “Tôi cũng đã cao tuổi và mới có bằng lái xe được ba năm. Năm ngoái tôi mua một chiếc Lacetti và cũng hay tự lái lên thăm Thủ đô, tuy nhiên thực sự rất khổ sở vì không thuộc đường lắm. Hà Nội có nhiều đường một chiều, dân tỉnh chúng tôi đi không quen rất dễ vi phạm. Nếu là xe máy, phát hiện đi vào đường một chiều thì tôi còn có thể xuống dắt bộ, chứ ô tô thì đành chịu”.

 

Cách khắc phục duy nhất là các tài xế cần nghiên cứu trước lộ trình của mình, xem bản đồ để biết đường thay đổi đường đi nếu gặp phải đường cấm hoặc có đoạn bị “cấm đường”.

 

Nỗi lo “lấn làn đường”, đỗ sai quy định

 

Thông thường, một con đường được chia làm nhiều làn khác nhau, dành cho từng loại phương tiện. Các làn ngoài cùng dành cho xe con, xe du lịch trong khi những làn trong dành cho xe tải, xe máy và xe thô sơ.

 

Nói như vậy để thấy rằng dù có chạy bon bon trên đường, thì các tài xế cũng phải căn đúng làn đường của mình. Với những bác tài có kinh nghiệm, đây không phải vấn đề lớn. Tuy nhiên với các tài xế non tay không chú ý, việc lấn làn đường rất hay xảy ra. Mặt khác, thao tác chuyển làn đường mà không bật đèn xi-nhan cũng là một lỗi phổ biến.

 

Lý do nhiều người Việt “sợ” sở hữu ô tô - 4
Trước khi dòng chữ “XE CON” được bổ sung thêm vào làn giữa trên đường Phạm Hùng, nhiều tài xế đã phạm lỗi “lấn làn đường” khi chạy xe qua đây. Ảnh: Otofun)

 

Bên cạnh nỗi lo lấn làn, việc đỗ xe thế nào để không bị vi phạm cũng khiến nhiều người đau đầu. Theo luật, chỉ những nơi có biển chữ P (Parking) mới được phép đỗ xe. Nhưng đường phố nhỏ, hàng quán nhiều thì mấy nơi đảm bảo điều đó. Vì thế nhiều người đỗ xe, khóa cửa nhưng vẫn nơm nớp nỗi lo bị phạt. Nếu thay ô tô bằng xe máy, mọi việc sẽ diễn ra đơn giản hơn nhiều.

 

Còn trăm nghìn nỗi lo khác còn đè nặng lên người sử dụng xe hơi ở Việt Nam. Dù biết rằng có xe hơi sẽ rất tiện lợi trong nhiều việc, nhưng cũng phải đánh đổi rất nhiều. Một số người đã quyết định chuyển từ “4 bánh” sang “2 bánh” vì không chịu nổi những áp lực mà “xế yêu” đang đè nặng. Đối với họ, có lẽ xe hơi giống như một thứ “của nợ” hơn là giấc mơ phấn đấu của một thời.

 

Theo Quang Vinh

Đất Việt