Liên tiếp những vụ chốt đấu giá xe "trên trời" rồi bỏ cọc gây xôn xao

Dương Nguyên

(Dân trí) - Trên cả nước thời gian qua liên tiếp xảy ra những vụ bỏ cọc đấu giá xe, biển số xe VIP. Luật sư cho rằng việc trả giá "trên trời" và sau đó bỏ cọc là không minh bạch, cần có chế tài xử lý.

Thông tin người trúng đấu giá chiếc xe Land Rover biển kiểm soát 36B-1771 tại Thanh Hóa với giá 3 tỷ đồng rồi bỏ cọc đã thu hút sự quan tâm của bạn đọc báo Dân trí và dư luận cả nước. Trường hợp này không phải duy nhất, càng khiến câu chuyện đấu giá rồi bỏ cọc trở thành vấn đề gây xôn xao cộng đồng.

Xe khởi điểm 71 triệu, đấu giá lên 3 tỷ đồng

Ngày 9/11, Công ty đấu giá hợp danh Hoàng Đức tổ chức đấu giá ô tô Land Rover 5 chỗ, biển kiểm soát 36B-1771, sản xuất năm 2008, xuất xứ Anh.

Đây là tài sản thanh lý của Chi cục Bảo vệ môi trường, thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa. Giá khởi điểm trong phiên đấu giá 71 triệu đồng, tiền đặt cọc trước là 14 triệu đồng.

Trong vòng đấu giá đầu tiên, chiếc xe được trả giá hơn 1 tỷ đồng. Đến vòng thứ 2, có 17 hồ sơ tham gia đấu giá, anh V.N.S. trở thành người trả giá cao nhất với 3 tỷ đồng.

Liên tiếp những vụ chốt đấu giá xe trên trời rồi bỏ cọc gây xôn xao - 1

Chiếc xe công hiệu Landrover được trả giá 3 tỷ đồng trong phiên đấu giá. Tuy nhiên, người trúng đấu giá đã bỏ cọc (Ảnh: Hoàng Dương).

Việc người tham gia chốt giá chiếc xe trên với giá 3 tỷ đồng khiến đơn vị thanh lý tài sản tỏ ra vô cùng bất ngờ. Ban đầu, họ cho rằng chiếc Land Rover đã qua nhiều năm sử dụng được trả giá cao cũng chỉ vài trăm triệu đồng. Nhiều người nhận định vị khách đã trả giá "vô tội vạ" nên vụ đấu giá sẽ không thành công.

Kết quả là người trúng đấu giá bỏ cọc, không nộp đủ số tiền. Đơn vị thanh lý tài sản cho biết đã hủy kết quả trúng đấu giá và sẽ tổ chức đấu giá lại. Đơn vị này đang nghiên cứu tổ chức đấu giá theo hình thức khác cho phù hợp, tránh tình trạng người tham gia đấu giá trả giá cao nhưng bỏ cọc, gây mất thời gian.

Chốt 32 máy cũ với giá "không tưởng", gấp 100 lần giá khởi điểm

Hôm 22/7, Công ty đấu giá hợp danh Hồng Lĩnh phối hợp với Công an thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) tổ chức đấu giá 32 chiếc xe máy cũ với giá khởi điểm 68,3 triệu đồng.

Theo đại diện Công ty đấu giá hợp danh Hồng Lĩnh, 32 xe máy cũ không có gì đặc biệt, thậm chí nhiều xe chỉ thuộc hàng "sắt vụn" vì đã hư hỏng nặng.

Liên tiếp những vụ chốt đấu giá xe trên trời rồi bỏ cọc gây xôn xao - 2

32 xe máy tang vật được Công an thị xã Hồng Lĩnh đưa ra đấu giá (Ảnh: Văn Nguyễn).

Mỗi bước giá 500.000 đồng, còn tiền đặt trước 10 triệu đồng. Hơn 120 người tham gia ở thời điểm đấu giá.

Ban đầu mức giá được đấu lên 500 triệu đồng, vòng thứ 2 lên 1,2 tỷ đồng, vòng thứ 3 lên tới 5 tỷ đồng. Cuối cùng, một vị khách ở Thừa Thiên - Huế trúng đấu giá lên tới 6,8 tỷ đồng, gấp 100 lần giá khởi điểm.

Việc chốt giá cao ngất ngưởng này khiến nhiều người "sốc". Sau đó, vị khách trên đã bỏ cọc, đúng như đơn vị quản lý và tổ chức đấu giá tài sản xe tang vật dự đoán trước đó.

Trúng đấu giá 2 biển số "siêu đẹp" rồi bỏ cọc

Hôm 15/9, Công ty đấu giá hợp danh Việt Nam tổ chức đấu giá biển số ô tô phiên đấu giá thứ nhất, bao gồm 11 biển số của 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. 

Liên tiếp những vụ chốt đấu giá xe trên trời rồi bỏ cọc gây xôn xao - 3

Người tham gia đấu giá biển số ô tô 51K-888.88 khu vực TPHCM đã bỏ ra hơn 32,3 tỷ đồng để thắng cuộc hôm 15/9 (Ảnh chụp màn hình).

Biển số 51K-888.88 trong phiên đấu giá này giữ kỷ lục trúng đấu giá cao nhất với mức giá hơn 32 tỷ đồng. Biển số ô tô 30K-567.89 khu vực Hà Nội đã được chốt với mức giá hơn 13 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi biển số này trúng đấu giá thì người trúng đấu giá đã không thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo thời gian quy định. Do đó kết quả trúng đấu giá này đã bị hủy.

Cần nâng cao hơn nữa chế tài xử lý

Theo Luật sư Phan Văn Chiều - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Châu (Đoàn Luật sư Hà Tĩnh), việc bỏ cọc như những vụ việc trên có thể gây mất uy tín và hình ảnh cho phía công ty đấu giá và phải tổ chức đấu giá lại.

Đồng thời, việc bỏ cọc khiến cho việc đấu giá tài sản của Nhà nước như biến thành một "trò đùa", gây bức xúc trong dư luận xã hội và có thể để lại nhiều hệ lụy xấu.

Cùng với đó, bản thân người trúng đấu giá cũng mất một khoản tiền đặt cọc lớn mà không được hoàn lại. Song, việc xác định nguyên nhân bắt nguồn của việc bỏ cọc trúng đấu giá, luật sư cho rằng khá khó. Bởi, hành vi bỏ cọc xuất phát từ ý chí của cá nhân.

Liên tiếp những vụ chốt đấu giá xe trên trời rồi bỏ cọc gây xôn xao - 4

Luật sư Phan Văn Chiều - Đoàn Luật sư Hà Tĩnh (Ảnh: Văn Nguyễn).

Việc trả giá "trên trời", cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, cao một cách phi lý và sau đó bỏ cọc là điều rất "bất thường", không minh bạch, đã đặt ra nhiều hoài nghi trong dư luận xã hội.

Cũng theo luật sư Phan Văn Chiều, hiện nay, chưa có các văn bản nào quy định cụ thể về điều kiện, trách nhiệm của người trúng đấu thầu, cũng như các chế tài xử lý đối với hành vi bỏ cọc.

Điều này chưa đủ mạnh và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư "thích thì mua, không thích thì bỏ" như hiện nay.

Các chế tài xử phạt hành vi bỏ cọc mới chỉ dừng lại ở chế tài dân sự, cụ thể mất tiền đặt trước, còn các chế tài hành chính và hình sự thì không có quy định.

Do vậy, luật sư cho rằng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần ban hành văn bản quy định rõ về nghĩa vụ, trách nhiệm, điều kiện cũng như các chế tài liên quan đến việc bỏ cọc khi đã trúng đấu giá.

Đặc biệt về điều kiện về năng lực tài chính, trách nhiệm đối với việc thực hiện dự án của chủ đầu tư cần phải được quy định chặt chẽ hơn.

Luật sư cũng cho rằng cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng cần nâng cao hơn nữa chế tài xử lý đối với các nhà đầu tư bỏ cọc như buộc phải chứng minh năng lực tài chính bằng hoặc cao hơn giá trị đã trả giá; ngoài việc bị mất số tiền đặt cọc, nhà đầu tư bỏ cọc sẽ bị cấm tham gia đấu giá, đấu thầu trong một thời gian nhất định và bị trừ điểm uy tín khi tham gia các cuộc đấu giá hoặc đấu thầu về sau.