Kinh nghiệm lái xe

Lái xe đường đèo - Đừng cố vượt khi khuất tầm nhìn

(Dân trí) - Tài xế chiếc Innova mang biển kiểm soát 18A-049.68 đã có một quyết định sai lầm khi cố tình vượt xe tải cỡ lớn đúng đoạn cua trên đèo, lúc tầm nhìn hoàn toàn bị che khuất. Rất may là tài xế xe đối diện đã kịp phanh lại...

Lái xe đường đèo - Đừng cố vượt khi khuất tầm nhìn - Nguồn video: UB An toàn Giao thông QG

Dưới đây là một số kinh nghiệm lái xe đường đèo dốc hoặc những chuyến đi dài:

Kiểm tra an toàn xe trước khi lên đường

Trước mỗi chuyến đi, hãy đưa xe đến garage để kiểm tra toàn bộ các chi tiết quan trọng, như hệ thống phanh, áp suất và tình trạng lốp, các loại dầu trợ lực lái, dầu phanh… Việc này không những đảm bảo cho chiếc xe ở trong tình trạng vận hành tốt nhất, mà hơn thế, còn mang lại cho bạn sự tự tin trước khi lên xe.

Và với hành trình đã định có những con đèo/dốc dài, lên tới hàng chục km, việc bố trí thời gian và địa điểm dừng chân trước khi lên đèo sẽ giúp bạn và chiếc xe nghỉ ngơi trước những cung đường khó.

Leo đèo đã khó, xuống đèo còn khó hơn

Khi leo đèo, hãy duy trì tốc độ hợp lý với khả năng lái của mình, tập trung quan sát các biển báo, vạch kẻ đường để luôn chủ động trước các tình huống. Ở các cung đường núi, việc khuất tầm nhìn ở góc cua gắt là điều không thể tránh khỏi, hãy tập thói quen báo hiệu cho xe đi ngược chiều ở mỗi góc cua bằng đèn/còi, cũng như quan sát gương cầu (nếu có) và đi đúng làn đường.

Đặc biệt, khi xuống dốc, luôn nhớ duy trì tốc độ hợp lý và lựa chọn một cấp số phù hợp, một tốc độ vừa đủ để bạn kiểm soát được chiếc xe (thường là số 3 với tốc độ khoảng 30 - 40 km/h, hoặc tuỳ độ dài và dốc của đèo) và chỉ dùng phanh để duy trì tốc độ này.

Sở dĩ dùng số thấp là để lợi dụng lực "ghì" của động cơ để duy trì tốc độ, điều này có thể làm động cơ trên xe của bạn kêu to do tốc độ vòng tua máy bị đẩy lên cao; tuy nhiên, cũng đừng quá "xót ruột" khi mà các nghiên cứu từ nhà sản xuất đủ đảm bảo cho chiếc xe vận hành an toàn trong các trường hợp này. Tuyệt đối tránh việc rà phanh liên tục, điều này có thể khiến hệ thống phanh mất tác dụng do quá nóng (đối với hệ thống phanh thủy lực thông thường)

Ngoài ra, “lên dốc số nào thì xuống dốc số đó” là cách nói tắt, cần hiểu là: khi bạn lên dốc ở một đoạn đường nào đó cụ thể thì khi xuống dốc đúng đoạn đó (nên) dùng đúng cấp số lúc lên dốc.

Lái xe có văn hóa

Trước khi nói đến lái xe có văn hóa, điều đầu tiên là phải chấp hành đúng Luật Giao thông đường bộ vì sự an toàn của mình cũng như tất cả mọi người. Hãy tuân thủ đúng tốc độ, dừng/đỗ đúng nơi quy định, vượt xe ở nơi được phép…

Lái xe có văn hóa ở đây là việc giữ an toàn cho tất cả mọi người; giữ bình tình khi lái xe, tránh bấm còi liên tục gây ức chế cả cho mình và người khác, chủ động nhường xe sau muốn vượt nếu điều kiện cho phép, sử dụng đèn pha/cốt hợp lý...

Khi lái xe đường đèo dốc, hãy báo hiệu cho xe đi ngược bằng còi mỗi khi vào một góc cua khuất tầm nhìn. Khi vào cua, không bám vạch tâm đường mà nên chú ý đến vạch làn đường bên phải của mình.

Khi trời tối, bạn nên sử dụng đèn cho phù hợp: hãy hạ đèn chiếu gần khi có xe đi ngược chiều, hãy nháy đèn khi họ không chịu hạ đèn pha. Nếu gặp phải những lái xe thiếu văn hóa cứ để đèn pha chiếu mặt vào mặt lái xe đối diện, không còn cách nào khác, bạn cố gắng giữ đúng hướng đi, bám vào vạch lề đường bên phải, trường hợp cảm thấy không an toàn, hãy giảm tốc độ và dừng hẳn bên phần đường của mình để tránh bất trắc.

Khi xuống dốc, bạn hãy nhường đường cho xe đang lên dốc, vì xe lên dốc cần nhiều lực kéo hơn, và vận hành không linh hoạt bằng xe đang đổ dốc...

Chúc các bạn lái xe an toàn!

Việt Hưng