Honda - Khủng hoảng tiếp nối khủng hoảng
(Dân trí) - Quyết định từ chức của CEO Takanobu Ito đến sau một kỷ nguyên đầy khủng hoảng của Honda Motor, khởi đầu với cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, kế đến là hàng loạt thiên tai, tỷ giá hối đoái bất lợi, và giờ đây là chiến dịch triệu hồi xe lớn nhất trong lịch sử nhà sản xuất ô tô lớn thứ ba Nhật Bản.
Thay "tướng"
Trong một thông báo đầy bất ngờ hôm 23/2, ông Takanobu Ito cho biết sẽ chuyển giao vị trí CEO của Honda Motor cho giám đốc Takahiro Hachigo sau đại hội cổ đông vào cuối tháng 6 tới. Xuất phát điểm là một kỹ sư về mô-tô đua, ông Ito giữ cương vị lãnh đạo Honda từ năm 2009. Ông cho biết, ông chọn giám đốc Hachigo vì những kinh nghiệm đa dạng của ông này trong hoạt động kinh doanh ở thị trường nước ngoài.
Ông Ito đã có một nhiệm kỳ lãnh đạo Honda đầy sóng gió, khởi đầu và cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, kế đến là hàng loạt thiên tai lịch sử ở trong nước và nước ngoài, cùng tỷ giá hối đoái bất lợi, và gần đây nhất là cuộc khủng hoảng triệu hồi xe liên quan tới lỗi túi khí Takata, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Honda về chất lượng sản phẩm.
Ông Hachigo sẽ là CEO đầu tiên của Honda không lãnh đạo bộ phận nghiên cứu và phát triển sản phẩm - Honda R&D Co.
CEO Takanobu Ito (trái) bắt tay ông Takahiro Hachigo trong một buổi họp báo (Ảnh: Bloomberg)Dù không còn nắm giữ cương vị CEO kiêm chủ tịch của Honda Motor, nhưng ông Ito sẽ vẫn ở trong hội đồng quản trị và giữ vai trò cố vấn. Ông Takashi Yamamoto - hiện đang phụ trách hoạt động sản xuất, và ông Yoshiharu Yamamoto - Giám đốc Honda R&D cũng sẽ từ chức.
Việc ông Ito rời khỏi ghế lãnh đạo Honda Motor giữa cơn khủng hoảng của công ty trái ngược hẳn với quyết định của GM giữ nguyên CEO Mary Barra dù công ty cũng đang trải qua cuộc khủng hoảng triệu hồi đầy tốn kém, với số lượng xe lên tới 2,59 triệu chiếc do lỗi hệ thống đánh lửa bị cho là nguyên nhân dẫn tới ít nhất 57 trường hợp tử vong.
Với bà Barra, chiến dịch triệu hồi xe của GM diễn ra một thời gian ngắn sau khi bà đảm nhiệm cương vị CEO; còn với ông Ito, lỗi túi khí là một vấn đề đã tồn tại từ lâu, nhưng trở nên đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi ông giữ vị trí lãnh đạo cao nhất của Honda.
Khủng hoảng nối tiếp khủng hoảng
Thông báo từ chức của ông Ito được đưa ra chỉ vài tuần sau khi Honda lần thứ hai giảm dự báo lợi nhuận nhiều quý do các đợt triệu hồi liên quan đến túi khí Takata và hệ thống hybrid mới lắp trên các xe Fit và Vezel của hãng. Các vấn đề về chất lượng đã kéo lùi các kế hoạch ra mắt xe mới của Honda ít nhất 6 tháng và khiến nhà sản xuất ô tô lớn thứ ba Nhật Bản này lần đầu tiên trong vòng ba năm phải đưa ra dự báo lợi nhuận giảm.
Ito mới đây cũng cho biết Honda sẽ phải huỷ bỏ mục tiêu doanh số 6 triệu xe vào năm 2017, việc mà ông cho rằng sẽ giảm gánh nặng cho đội ngũ kỹ sư để tập trung vào chất lượng sản phẩm.
Và tới đây, khi ông từ chức, người kế nhiệm - ông Hachigo cũng bớt áp lực.
Dù sẽ giữ một số kế hoạch của CEO Takanobu Ito, như đưa Honda trở lại giải đua Công thức 1 từ năm 2015 và đưa siêu xe NSX trở lại thị trường, nhưng ông Hachigo sẽ phải cố tránh một số vận đen của người tiền nhiệm.
Dưới thời ông Ito, Honda đã kinh qua thảm hoạ sóng thần và động đất năm 2011 ở Nhật Bản, lũ lụt trên diện rộng ở Thái Lan ngay năm sau đó. Và gần đây, ông Ito lại đau đầu với hàng loạt đợt triệu hồi xe.
Honda đã phải triệu hồi 14 triệu xe trên toàn thế giới kể từ năm 2008 đến nay để thay túi khí do hãng Takata cung cấp.
Túi khí lỗi của Takata có thể bị vỡ khi bung ra và làm văng các mảnh kim loại sắc nhọn vào người ngồi trên xe. Lỗi này có liên quan dến 5 trường hợp tử vong tại Mỹ và một trường hợp phụ nữ đang mang thai thiệt mạng ở Malaysia.
Có ít nhất là 9 nhà sản xuất ô tô khác cũng bị ảnh hưởng bởi lỗi túi khí Takata, nhưng Honda nắm 1,2% cổ phần và là khách hàng lớn nhất của Takata nên thiệt hại lớn hơn. Chính phủ Mỹ đã quyết định phạt Honda mức kỷ lục 70 triệu USD do không báo cáo hơn 1.700 trường hợp tử vong và chấn thương trong 11 năm.
Vấn đề chất lượng của Honda không chỉ dừng lại ở túi khí. Nhà sản xuất ô tô Nhật Bản này đã phải triệu hồi Fit - mẫu xe bán chạy nhất của hãng tại Nhật Bản - tới 5 lần kể từ khi xe này ra mắt vào cuối năm 2013, và triệu hồi xe Vezel ba lần.
Nhật Minh
Theo Bloomberg