Hậu kiểm ô tô: "Cả làng" cùng qua?
Mặc dù những thông tin chính thức về hậu kiểm ô tô vẫn chưa được đưa ra, nhưng trong các doanh nghiệp (DN) lắp ráp ô tô gần đây đã bàn tán rất sôi nổi về một kết quả “cả làng” cùng qua.
Theo các nguồn tin mà báo giới nhận được, có khoảng 21 DN chưa đáp ứng đòi hỏi của Quyết định 115 về tiêu chuẩn DN sản xuất, lắp ráp ô tô tại thời điểm kiểm tra, trong đó có vài DN thuộc diện “không đạt”.
Các DN này chủ yếu thiếu một số hạng mục hoặc có đầu tư và cần hoàn thiện tiếp; không có điều kiện phát triển về mặt bằng nhà xưởng hoặc đang liên kết thuê đất, thuê nhà xưởng của doanh nghiệp khác...
Mặc dù vậy, tới 1/3 trong số các DN này bày tỏ “mong muốn” tiếp tục theo đuổi việc lắp ráp ô tô sau khi có những cam kết khắc phục tiếp những mục chưa hoàn thiện vào trước ngày 31/12 tới!!!
Tuy vậy, cho đến giờ, ít nhất là danh sách các DN “không đạt” hay “chưa đạt” tiêu chuẩn 115 tại thời điểm kiểm tra vẫn chưa được công bố nhằm hạn chế tình trạng “đổ về” của linh kiện.
Một DN không muốn nêu tên cho hay, sự phân vân xung quanh danh sách các DN “đạt” và “gần đạt” tiêu chuẩn 115 nếu có thì cũng là dễ hiểu, nhưng với các DN tại thời điểm kiểm tra “chưa đạt” 115 thì tại sao không sớm công bố để cả DN lẫn cơ quan quản lý nhà nước không rơi vào cảnh lo giải quyết các linh kiện “lỡ nhập” thời hậu kiểm.
Trước đó, tại văn bản 1272/TTg-CN, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến “không cho phép tiếp tục sản xuất, lắp ráp ô tô sau ngày 31/12/2005 đối với các DN không có đầu tư bổ sung hoặc không có khả năng đáp ứng các điều kiện theo tiêu chuẩn 115. Các DN này cũng chỉ được phép sản xuất, lắp ráp, đăng kiểm và tiêu thụ hết số bộ linh kiện đã nhập khẩu trước ngày 1/7/2005”.
Tuy nhiên, cơ quan hải quan và đăng kiểm đều cho biết, do chưa có thông báo của Bộ Công nghiệp, nên việc nhập khẩu và đăng kiểm xe ô tô của các DN vẫn diễn ra bình thường.
Ông Đỗ Hữu Đức, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm cho biết, từ ngày 1/7 trở lại đây, các DN lắp ráp ô tô trong nước đã đăng kiểm được 4.550 xe ô tô trong tổng số 13.882 xe được các DN này đăng kiểm tính từ đầu năm.
Điều cũng khiến các DN ô tô đã đầu tư bài bản lo ngại là “dường như đang có sự châm chước, hạ thấp tiêu chuẩn 115 để cả làng cùng vui”.
Một DN không muốn nêu tên cho hay, trong khi họ đầu tư theo đúng các tiêu chuẩn 115 đặt ra thì phải tốn ít nhất 200 tỷ đồng thì nhiều DN khác có khi chỉ đầu tư vài chục tỷ đồng cũng đạt tiêu chuẩn 115.
Điều buồn cười là có một số DN nằm trong diện “ngon lành”, nhưng thiết bị, dây chuyền đầu tư tại thời điểm kiểm tra vẫn thuộc diện “được châm chước” và được yêu cầu tiếp tục bổ sung cho đầy đủ theo tiêu chuẩn 115!
Một vấn đề khác được DN cho là “hạ thấp tiêu chuẩn 115” là việc Bộ Công nghiệp “chấp nhận các hợp đồng sơn thuê” thay vì yêu cầu “cho phép các DN sản xuất, lắp ráp ô tô hợp tác, liên kết đầu tư vào dây chuyền công nghệ sơn tiên tiến”.
Trong trường hợp cơ quan đăng kiểm chưa có biện pháp giám sát được chất lượng sơn theo Quyết định 115 thì việc gian lận được xem là “dễ dàng” diễn ra.
“Một số DN được thuê sơn cho các đơn vị lắp ráp ô tô đang làm trong ngành nhựa không có dây chuyền sơn điện ly hay có DN ô tô ở các tỉnh miền núi phía Bắc, nhưng lại ký hợp đồng với một DN khác ở phía Nam để sơn thuê hay có công ty liên doanh với nước ngoài ký hợp đồng sơn thuê cho một số đơn vị khác dù trên thực tế dây chuyền của công ty liên doanh chỉ đủ đáp ứng nhu cầu của bản thân cũng như chỉ sơn được xe con, chứ không thể sơn được xe tải”, DN nói trên nhận xét.
Chính vì vậy, yêu cầu “giám sát cả các đơn vị sơn thuê để đảm bảo tính công bằng” mà những DN làm ăn nghiêm túc đưa ra có vẻ đang khiến cho cơ quan quản lý nhà nước về ô tô “lúng túng”.
“Chúng tôi bỏ tiền ra đầu tư làm đúng theo tiêu chuẩn 115, nhưng giờ tiêu chuẩn này có vẻ như đang được hạ thấp để châm chước cho các DN không nghiêm túc. Điều này làm cho hoạt động của chúng tôi khó khăn vô cùng khi chi phí sản xuất cao hơn hẳn, dù có được chất lượng cao hơn”, chủ DN nói trên cho hay.
Xem ra, trong khi Bộ Công nghiệp lúng túng để có được một kết quả chính thức thì chỉ có những DN “ăn xổi” là hưởng lợi, còn cả ngành công nghiệp ô tô lẫn người tiêu dùng đều bị “qua mặt”.
Theo Đầu tư