Hậu kiểm một loạt doanh nghiệp ô tô

Kết thúc cuộc hội thảo về triển khai Quy hoạch sản xuất, lắp ráp ô tô đến năm 2010 đã được Thủ tướng phê duyệt, đa số ý kiến của đại diện Bộ Công nghiệp, Bộ Tài chính và đại diện một số doanh nghiệp (DN) sản xuất, lắp ráp ô tô đã nhất trí sẽ có cuộc hậu kiểm một loạt DN do Bộ Công nghiệp chủ trì.

Đó là những DN vừa qua đã được UBND các tỉnh, thành phố xác nhận đủ năng lực, tiêu chuẩn lắp ráp ô tô.

Trong cuộc họp, đại diện các DN ô tô tha thiết đề nghị Chính phủ, các bộ phải có thông báo sớm về sự thay đổi các chính sách thuế: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt... đối với ô tô nếu như việc Việt Nam gia nhập WTO cuối năm nay thành hiện thực.

Việc này nhằm để các DN chủ động trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Nhiều DN cho rằng, sau khi gia nhập WTO thì việc lắp ráp ô tô trong nước sẽ chấm dứt do không thể cạnh tranh nổi với xe nhập khẩu nguyên chiếc mà trước tiên là nguồn xe từ Trung Quốc sang.

Lý do của việc đề nghị hậu kiểm lại xuất phát từ yêu cầu của một số DN sản xuất, lắp ráp ô tô có quy mô lớn hiện nay: Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam, Công ty ô tô Trường Hải, Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp.

Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty công nghiệp ô tô Việt Nam, vừa qua có khoảng 12 DN ở địa phương được lãnh đạo UBND các thành phố xác nhận đủ năng lực, tiêu chuẩn để sản xuất, lắp ráp ô tô nhưng trên thực tế.

Ông Khoa cho rằng các DN này không đáp ứng các điều kiện tối thiểu về kỹ thuật và năng lực nêu trong Quyết định 115/2004/QĐ-BCN của Bộ Công nghiệp về điều kiện, tiêu chuẩn lắp ráp, sản xuất ô tô. Cũng theo ông Khoa, các DN lớn của trung ương dù đủ điều kiện theo quyết định trên nhưng lại bị UBND các tỉnh gây khó dễ.

Cũng theo quyết định 115/QĐ-BCN thì đến ngày 1/7/2005, nếu DN nào không được xác nhận đủ điều kiện, tiêu chuẩn về lắp ráp, sản xuất ô tô thì Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ không cấp đăng kiểm cho các sản phẩm do các DN đó sản xuất.

Vì vậy, nhiều loại xe do các DN này đã sản xuất nhưng chưa được cấp đăng kiểm và không tiêu thụ được. "Đây là tình trạng rất bất công, gây vướng mắc ở cấp địa phương, làm cản trở phát triển công nghiệp mà Thủ tướng đã yêu cầu phải chấn chỉnh", ông Khoa nhấn mạnh.

Ông Đỗ Hữu Đức - Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết hiện nay, các địa phương đã xác nhận đủ điều kiện theo Quyết định 115/QĐ-BTC cho 12 DN, và các doanh nghiệp này (chủ yếu sản xuất, lắp ráp xe tải, xe khách) có năng lực chiếm chỉ khoảng 5,5% thị phần các loại xe tải, xe khách hiện nay.

Ông Đức cũng cho rằng, cách đánh giá của các địa phương là "rất khác nhau" và có thể không chuẩn với nhiều trường hợp. Do đó, ông Đức đề nghị: "Phải làm sớm việc hậu kiểm để lấy lại sự công bằng cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ô tô".

Riêng các trường hợp đã đầu tư nhưng qua đối chiếu các quy định về năng lực, tiêu chuẩn kỹ thuật... hiện hành, các DN nào không đủ tiêu chuẩn lắp ráp, sản xuất ô tô thì đã có một số ý kiến rất khác nhau.

Ông Trần Bá Dương, Tổng giám đốc Công ty ô tô Trường Hải cho rằng, so với các nước thì một số tiêu chuẩn sản xuất, lắp ráp ô tô hiện nay của Việt Nam là còn thấp. Cho nên, nếu DN nào không đáp ứng các tiêu chuẩn này thì "nên ra khỏi cuộc chơi".

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến tại cuộc họp cho rằng, cần phải có cách giải quyết hợp tình, hợp lý hơn vì đầu tư vào sản xuất, lắp ráp ô tô không phải làm một sớm, một chiều được.

Một giải pháp được đưa ra và được nhất trí là với các DN đã trót đầu tư theo tiêu chuẩn thấp hơn quy định, Chính phủ nên cho phép các DN tiêu thụ nốt số hàng đã "trót" sản xuất và sau đó, sẽ không được phép sản xuất thêm.

Tất cả các việc trên chỉ được thực hiện sau khi Thủ tướng xem xét báo cáo của Bộ Công nghiệp về vấn đề này. Các cuộc hậu kiểm, nếu được tổ chức cũng sẽ phải thông báo trước cho UBND các tỉnh, thành phố.

Theo Thanh niên