Hậu APEC 2006: Ngành ôtô sẽ chuyển mình?

Với sự có mặt của không ít tổng giám đốc đến từ các hãng ôtô lớn tại Hội nghị APEC 2006, dư luận đã bắt đầu nghĩ đến một cuộc chuyển mình vượt khó của các liên doanh ôtô trong nước.

Và khi các liên doanh sản xuất ôtô trong nước đã tìm được con đường đi cho mình, cộng với việc thị trường ôtô sẽ được mở rộng cửa từ năm 2009, chắc chắn sẽ tạo nên những sức ép tích cực để các doanh nghiệp ôtô trong nước khác phải tìm cách vươn lên.

 

Mặc dù những khó khăn đều không dễ vượt qua và có thể sẽ có một cuộc “sàng lọc” những doanh nghiệp yếu kém, nhưng kỳ vọng vào một tương lai sáng sủa của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam là có cơ sở.

 

Tại Hội nghị Các tổng giám đốc doanh nghiệp APEC (CEO Summit 2006) bắt đầu khai mạc sáng nay, 17/11 và sẽ kết thúc vào ngày mai sẽ có sự góp mặt của các vị tổng giám đốc (CEO) đến từ các hãng ôtô lừng danh như General Motors (GM), Toyota, Ford và Hyundai.

 

Trong đó, đáng chú ý là đoàn đại biểu 11 người của tập đoàn ôtô khổng lồ GM mà dẫn đầu là ông Nick Reilly - Phó tổng giám đốc toàn cầu kiêm Tổng giám đốc châu Á - Thái Bình Dương, kế đó là Tổng giám đốc Choi Jae Kook của tập đoàn ôtô Hàn Quốc Hyundai Motor, Phó tổng giám đốc phụ trách quan hệ chính phủ của Tập đoàn Ford, Tổng giám đốc Ryoichi Sasaki và cố vấn cao cấp Yoshio Ishizaka của Toyota châu Á - Thái Bình Dương.

 

Ngay trong thời gian có mặt tại Việt Nam, đoàn đại biểu đến từ Toyota châu Á - Thái Bình Dương sẽ có một buổi nói chuyện với Toyota Việt Nam. Với các “đại gia” khác trong làng công nghiệp ôtô, sự góp mặt của CEO từ hãng mẹ đều đã chứng tỏ mối quan tâm đặc biệt đến vị thế của Việt Nam trong bản đồ công nghiệp ôtô thế giới.

 

Ví dụ điển hình là tập đoàn GM. Hiện tập đoàn này đang phát triển mạnh mẽ với những thành công lớn tại Trung Quốc. Những điểm khá tương đồng về địa lý, nguồn nhân lực, công nghệ… giữa Trung Quốc và Việt Nam cũng đã khiến các nhà lãnh đạo GM không thể không quan tâm đến Việt Nam, ngay từ khi hãng này tham gia vào liên doanh Vidamco.

 

Bên cạnh đó, mặc dù hiện thị trường ôtô Việt Nam còn khá nhỏ bé do một số chính sách xuất phát từ những hạn chế về hạ tầng, song GM cũng đã đạt được những thành công không nhỏ với hàng loạt mẫu xe phù hợp thị hiếu và thị trường Việt Nam như Matiz, Lanos, Lacetti…

 

Và khi GM Trung Quốc đang trở thành đầu tàu về xuất khẩu thì không có cớ gì hãng này không nghĩ đến việc đưa Vidamco thành một trung tâm sản xuất để xuất khẩu sang khu vực.

 

Ví dụ thứ hai, mặc dù chưa chính thức sản xuất tại Việt Nam, song thương hiệu Hyundai đã trở nên quá quen thuộc tại Việt Nam khi các sản phẩm của tập đoàn ôtô Hàn Quốc này chiếm đến trên dưới 60% ôtô nhập khẩu nguyên chiếc của Việt Nam. Con số này chắc chắn đã và sẽ tác động lên những chính sách của Hyundai Motor khi đưa ra một so sánh đơn giản giữa việc phải chịu phí vận chuyển cộng thuế với việc tiến hành sản xuất tại Việt Nam.

 

Một số ý kiến cho rằng, APEC 2006 chính là một cơ may hiếm có của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam khi đại diện các hãng ôtô mẹ có thể hiểu rõ hơn về những sở trường, sở đoản của mình tại Việt Nam nhằm tìm ra những giải pháp thích hợp.

 

Vì thế, một cuộc chuyển mình của ngành công nghiệp ôtô trong nước, mà trước tiên là các liên doanh thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), dường như chắc chắn diễn ra. Vấn đề là cuộc chuyển mình đó diễn ra sớm hay muộn và ở mức độ nào.

 

Theo Đức Thọ

VnEconomy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm