Gián đoạn chuỗi cung ứng đã khiến ngành ô tô, xe máy gặp khó như thế nào?
(Dân trí) - Những trở ngại về chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á đã khiến ngành sản xuất xe máy và ô tô chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Biến động kinh tế - chính trị khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn
Theo Bloomberg, giá nguyên liệu thô cho việc sản xuất xe cộ đã tăng hơn 80% trong năm 2021. Theo chỉ số Commodity Spot Index (đo diễn biến giá của 23 hàng hóa cơ bản) đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2011. Trong đó, kim loại đã tăng hơn 20% trong năm 2021.
Năm ngoái, nguồn cung ô tô và xe cộ nói chung tại Mỹ bị hạn chế đến mức: Dịch vụ cho thuê xe phải tậu xe cũ để kinh doanh thay vì xe mới. Nguyên nhân chủ yếu đến từ giá thép tăng, nguồn cung khan hiếm - trong khi đó nó là kim loại chính tạo nên khung gầm, động cơ xe cộ.
Bên cạnh đó, khủng hoảng chip, linh kiện điện tử cũng lan dần ra toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Từ các chính sách thắt chặt do dịch Covid-19 cho đến các biến động chính trị khiến chuỗi cung ứng vốn gặp nhiều trở ngại, nay lại càng khan hiếm.
Vì tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn, linh kiện, phụ tùng cùng nhiều bộ phận liên quan khác buộc các hãng xe phải cắt giảm sản lượng toàn cầu.
Bộ Công Thương từng nhận định, dù ngành công nghiệp ô tô, xe máy tại Việt Nam đi sau nhưng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm linh kiện, phụ tùng ngành ô tô, xe máy lại tăng. Trong năm 2019, Việt Nam có tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm ô tô, xe máy trên 5 tỷ USD: Với các thị trường chính trong tổng kim ngạch xuất khẩu là Nhật Bản (45%), Mỹ (16%), Hàn Quốc (6,4%) và EU (4%).
Là một trong những nhà sản xuất hàng đầu tại thị trường trong nước, Honda Việt Nam (HVN) cũng không phải trường hợp ngoại lệ. Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng đã gây hạn chế trong việc cung cấp một số mẫu xe tay ga sản xuất nội địa. Đại diện Honda Việt Nam cho biết, hãng đang thực hiện nhiều biện pháp để khắc phục, nỗ lực để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Trong tháng 3, doanh số bán xe máy của Honda Việt Nam là 18.853 xe, tăng 23,4% so với tháng trước và tăng 20,5 % so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số cộng dồn năm tài chính 2022 (từ tháng 4/2021 đến tháng 3/2022) là 2.052.007 xe, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái; Tổng sản lượng xuất khẩu là 22.586 xe, thấp hơn 28.318 của cùng kỳ năm trước.
Trong đó, báo cáo của Honda Việt Nam cho thấy mẫu xe tay ga bán chạy nhất của hãng là Vision, doanh số đạt 46.667 xe, chiếm 25,8% tổng doanh số tháng 3. Bên cạnh Vision, các mẫu xe tay ga khác của Honda như LEAD, Air Blade, SH, SH Mode… đều giành được nhiều cảm tình của người Việt nhờ sự bền bỉ, tiện dụng, tiết kiệm nhiên liệu.
Ở giai đoạn này, người tiêu dùng mong muốn sở hữu xe tay ga của Honda cần bình tĩnh theo dõi thị trường hoặc trực tiếp liên hệ với đại lý để được tư vấn.