Giám sát giao thông từ di động: Coi chừng quyền con người bị xâm phạm!

Hiến pháp và Bộ luật Dân sự đều quy định rõ về việc đảm bảo an toàn thư tín, điện tín, thông tin cá nhân và tự do đi lại, cư trú.

Tại Hội nghị Ứng dụng công nghệ giám sát phương tiện giao thông trong đảm bảo trật tự, an toàn giao thông tại Việt Nam mới đây, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho biết, hiện nước ta chưa thể giám sát trực tuyến giao thông cũng như cung cấp trạng thái giao thông cho người dân thông qua internet, điện thoại di động nhưng hoàn toàn có thể thực hiện vào năm 2016. Ý kiến này đang gây tranh cãi trong dư luận, bởi nhiều người lo ngại sẽ ảnh hưởng tới quyền riêng tư cá nhân.

Luật sư Lê Luân, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, Hiến pháp và Bộ luật Dân sự đều quy định rõ về việc đảm bảo an toàn thư tín, điện tín, thông tin cá nhân và tự do đi lại, cư trú. Điều này là bất khả xâm phạm, trừ khi để phục vụ công tác điều tra đối với một người phạm tội hình sự thì được giám sát hoặc theo dõi bí mật. Còn lại, nếu vì công tác quản lý hành chính mà tiến hành giám sát, theo dõi định vị điện thoại là một hành vi vi hiến và trái quy định của pháp luật, xâm phạm quyền con người một cách nghiêm trọng.

Theo Luật sư Lê Luân, trong Bộ luật Dân sự năm 2005, Điều 38 quy định rõ về quyền bí mật đời tư có quy định, "quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền".

“Không lẽ chỉ vì anh muốn giám sát người tham gia giao thông mà anh lại theo dõi định vị điện thoại cá nhân? Chẳng lẽ không còn giải pháp nào khách hữu hiệu và đúng luật hơn là cách đó? Chẳng lẽ đời sống cá nhân của người dân bị kiểm soát một cách vô lý và trái luật đến thế? Trái với những chuẩn mực và thông lệ chung của thế giới”- luật sư Lê Luân nhấn mạnh.

Cần tuyệt đối tôn trọng bí mật về đi lại, thông tin cá nhân của con người

Theo luật sư Lê Luân, trong xã hội phát triển, càng cần phải tuyệt đối tôn trọng quyền con người, quyền an toàn, bí mật về đi lại, cư trú, thông tin cá nhân, an toàn điện tín, thư tín và mọi vấn đề khác. Không thể vì thuận tiện trong việc quản lý hành chính mà vi hiến được. “Sẽ không ai chấp nhận vì đó là quyền hiến định của công dân. Người dân sẽ bác bỏ cách nghĩ, cách làm "ngớ ngẩn" này của các cơ quan quản lý về giao thông. Và sẽ không bao giờ được chấp thuận dù đó là ngành nào đi nữa”.

Cảnh sát
xử lý người giao thông vi phạm giao thông (ảnh: KT)

Cảnh sát xử lý người giao thông vi phạm giao thông (ảnh: KT)

Luật sư Lê Luân cũng cho rằng, điện thoại không phải lúc nào cũng mang theo người. Không phải lúc nào cũng phản ánh đúng hiện trạng hay địa điểm nơi nó hiển thị. Người ta sẽ có cách để nó trở nên vô tác dụng. “Giám sát điện thoại có thể là căn cứ chứng minh cho việc chứng minh lỗi, chứng minh trách nhiệm của người vi phạm hay không? Tôi nghĩ là không thể. Vì nó chỉ xác định một vị trí nhất định gắn với chiếc điện thoại, trong khi yếu tố xử phạt lại là yếu tố "lỗi" của người vi phạm. Vậy quả thực nó quá khó nếu không muốn nói là không khả thi. Nó chỉ phù hợp để phục vụ công tác theo dõi điều tra hình sự khi cần thiết”.

Về ý kiến của ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, trong năm 2016 có thể đưa công nghệ sử dụng dữ liệu điện thoại di động của người dân tham gia giao thông để giám sát giao thông, luật sư Lê Luân cho rằng, đây là một sáng kiến độc đáo và táo bạo, nhưng nó vi hiến nghiêm trọng và không có tính khả thi. Vấn đề áp dụng "sáng kiến" của ông Hùng không phụ thuộc vào năm nào, mà nó phụ thuộc khi nào quy định về quyền được bảo đảm an toàn và bí mật về thư tín, điện tín, tự do đi lại, cư trú và các thông tin khác trong Hiến pháp bị bãi bỏ. Cùng với đó các quy định trong Bộ luật Dân sự về những nội dung này cũng phải bị gỡ bỏ thì lúc đó "sáng kiến" này sẽ được áp dụng.

Theo Minh Hòa

VOV

Cảnh sát
xử lý người giao thông vi phạm giao thông (ảnh: KT)
 
Cảnh sát
xử lý người giao thông vi phạm giao thông (ảnh: KT)