Giấc mơ chế tạo xe lưỡng cư của ông thợ máy ở Bình Dương
(Dân trí) - Sau hơn 13 năm miệt mài đầu tư tiền bạc và công sức mày mò nghiên cứu, chế tạo, đến nay ông Trí đã đi được 70% chặng đường, chiếc xe “khè ra lửa” đã có thể chạy bon bon trên cạn, đang mòn mỏi chờ ngày được “hạ thủy”.
Từ nhỏ đã mơ ước trở thành kỹ sư chế tạo máy, nhưng do điều kiện gia đình đông anh em, kinh tế khó khăn nên ông Trần Ngọc Trí (50 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) chỉ được học hết cấp 3 rồi nghỉ. Sau đó, ông Trí làm nghề sửa xe máy và một thời nổi tiếng khắp vùng đất Bình Dương, Sài Gòn với kỹ năng mài cam, cò với độ chính xác cao. Đến cuối những năm 90 của thế kỷ trước, khi trên thị trường xuất hiện nhiều xe Trung Quốc giá rẻ thì cũng là lúc ông bỏ nghề để bắt đầu theo đuổi đam mê chế tạo ra chiếc xe 3 bánh vừa có thể đi trên cạn và vừa “lội nước” khi cần thiết.
Theo ông Trí, để chiếc xe bơi được dưới nước, nhất thiết phải có ống Z thủy lực. Vì cái ống đó mà ông Trí phải đi ngược xuôi, xuống Vũng Tàu, lân la vào xưởng đóng tàu để học cách làm, sau đó mua một ống thép về nhà tự khoan, chế theo ý mình. Sau 3 năm mày mò, qua 2 lần thất bại, đến lần thứ 3 ông mới làm được chiếc ống ưng ý.
Từ những mảnh sắt thô ban đầu, ông Trí tự tay tiện bánh răng, thiết kế trục và các chi tiết nhỏ đến lớn, rồi kết nối với nút điều khiển gắn trong buồng lái.
Khi hoàn thành các thiết bị cần thiết, ông Trí mới làm những bộ phận khác của xe, như hai gương chiếu hậu có thể dịch chuyển thò ra thụt vào tùy điều kiện đường rộng/hẹp; hay hai chiếc đèn phía trước có thể xoay sang phải, trái tùy theo hướng xoay của vô-lăng. Hệ thống điện của xe cũng do ông tự thiết kế và lắp đặt.
Ông Trí đã mất 13 năm đổ công sức, tiền của đầu tư, nhận nhiều lời can ngăn và cả trách móc của vợ con, bạn bè, hàng xóm, thậm chí có người cho rằng ông “khùng” khi nuôi giấc mơ chế tạo chiếc xe lưỡng cư. Đến nay chiếc xe của ông Trí đã hoàn thành được khoảng 70%. Xe dài 4,52m, rộng 1,62m, và dự kiến cao 1,55m sau khi hoàn thiện. Tốc độ thiết kế tối đa của xe khi chạy trên đường bộ là 120 km/h, dưới nước là 34 km/h. Mức tiêu hao nhiên liệu dự kiến là 6 lít/100km đường bộ và 12 lít/100km đường thủy.
Nhìn thành quả của 13 năm miệt mài, ông Trí tâm sự: “Tới gần 85% chi tiết trong đó là tự tay làm từ thép ra rồi phun sơn tĩnh điện đấy, tôi chỉ mua máy nổ, bình xăng, lốp xe, dây xích và dây điện thôi. Có khi tôi bỏ ra vài triệu mua một cái máy mới về chỉ để tháo ra lấy dây xích vì nó tốt. Thế nên tính từ lúc bắt đầu làm đến giờ, tôi đã bỏ vào đó cả tỷ bạc rồi. Tôi đã thử nghiệm thành công hai lần trên đường rồi và chờ khi hoàn thiện xong bộ áo bên ngoài sẽ tiến hành thử nghiệm dưới nước”.
Theo cách lý giải của ông, đây là chiếc xe hoàn toàn có thể đưa vào sử dung trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt là ở những vùng trũng, ngập lụt. Đó là lúc chiếc xe sẽ phát huy hết tác dụng, khi nào có đường thì di chuyển trên đường, còn gặp nước vẫn có thể di chuyển được nhờ có hệ thống bơi. Loại phương tiện giao thông cá nhân này, nếu được quan tâm, đầu tư, và cấp phép, theo ông, sẽ rất tiện ích ở những địa hình sông ngòi chằng chịt như vùng đồng bằng sông Cửu Long.