Doanh nghiệp ô tô “cầu cứu” chuyện thuế

VAMA vừa có công văn gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng và Văn phòng Chính phủ, các Bộ Tài chính, Công Thương cùng Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội và HCM “cầu cứu” về khó khăn của mình sau khi một số loại thuế và phí đối với ôtô được điều chỉnh.

 
Doanh nghiệp ô tô “cầu cứu” chuyện thuế - 1
Các doanh nghiệp ô tô đã định hướng xe đa dụng sẽ là dòng sản phẩm chủ lực, có vai trò quan trọng đối với tương lai của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam

           

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), việc tăng nhiều loại thuế và phí có tác động trực tiếp đến giá bán tăng cao đang đẩy các nhà sản xuất ôtô vào tình thế khó khăn hơn bao giờ hết mà biểu hiện rõ rệt là doanh số sụt giảm, sản xuất đình trệ.

 

Trong đó đáng chú ý nhất là các mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt mới tăng mạnh đối với các loại xe đa dụng 6-9 chỗ ngồi (từ 30% lên các mức 45%, 50% và 60%) đã ngay lập tức khiến phân khúc này sụt giảm.

 

Thống kê cho thấy, tổng doanh số các loại xe đa dụng 6-9 chỗ do các hãng xe thuộc VAMA sản xuất trong tháng 4, tháng đầu tiên có hiệu lực của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, đã sụt giảm tới 83%. Thậm chí có những mẫu xe vốn bán khá chạy như Ford Everest, Chevrolet Captiva chỉ đạt doanh số dưới… 10 chiếc.

 

Tháng trước đó, doanh số của phân khúc này đã tăng vọt do tâm lý mua chạy thuế của người tiêu dùng.

 

Theo đánh giá của VAMA, các loại xe đa dụng 6-9 chỗ rất phù hợp với điều kiện hạ tầng của Việt Nam và đang được phần lớn người tiêu dùng ưa chuộng. Từ đó các doanh nghiệp ô tô đã định hướng đây sẽ là dòng sản phẩm chủ lực, có vai trò quan trọng đối với tương lai của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Trên thực tế, các hãng xe cũng đã và đang tập trung nghiên cứu sản xuất để tung ra thị trường các loại xe đa dụng có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường.

 

Vì vậy, VAMA cho rằng việc thuế tiêu thụ đặc biệt tăng mạnh với dòng sản phẩm này là không hợp lý.

 

Từ đó, VAMA đề xuất hoãn thực hiện tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (tại Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt mới) đối với mặt hàng ô tô đến hết năm 2009 và thậm chí nếu hết 2009 thị trường vẫn chưa phục hồi thì tiếp tục hoãn đến khi phục hồi.

 

Ngoài ra, VAMA cũng kiến nghị tiếp tục kéo dài thời gian hỗ trợ 50% thuế giá trị gia tăng đối với ô tô đến hết năm 2010 thay cho thời hạn 31/12/2009 được Bộ Tài chính quy định hồi tháng 2/2009.

 

Theo Phương Anh

Vneconomy