Doanh nghiệp Nhật có nao núng vì nạn lụt ở Thái Lan?

(Dân trí) - Theo một số nhà phân tích, các công ty Nhật Bản có thể tăng vốn xây dựng nhà máy ở các nước láng giềng như Indonesia và Việt Nam sau trận lụt tồi tệ nhất trong lịch sử 70 tại Thái Lan, gây gián đoạn nguồn cung toàn cầu. Cũng có ý kiến ngược lại...

Doanh nghiệp Nhật có nao núng vì nạn lụt ở Thái Lan? - 1
 

Các công ty Nhật Bản hiện là khối đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Thái Lan

 

“Lãnh đạo các công ty đang nhận ra mối nguy của việc tập trung hoá, sau các trận lũ lụt. Xu hướng tăng nguồn vốn đầu tư vào Thái Lan rộ lên gần đây sẽ dịu lại dù cho nước này là một điểm đến lý tưởng,” ông Takahiro Sekido, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng doanh nghiệp và đầu tư Credit Agricole CIB tại Tokyo, nhận định.

 

Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã lên kế hoạch chi 130 tỷ baht (4,2 tỷ USD) vào tái cơ cấu đất nước và các biện pháp ngăn chặn nạn lụt trong tương lai. Trước thực trạng một loạt doanh nghiệp, trong đó có Pioneer, Honda và Toyota phải cắt giảm dự báo lợi nhuận sau khi nạn lụt lịch sử khiến hàng loạt nhà máy đóng cửa, bà Yingluck muốn trấn an giới đầu tư rằng Thái Lan vẫn là nơi an toàn cho hoạt động kinh doanh.

 

Trận lụt đã gây ảnh hưởng đến chuỗi cung cấp của các nhà sản xuất ô tô và hàng điện tử Nhật Bản. Tình trạng thiếu nguồn cung phụ tùng đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trên toàn thế giới.

 

Cuối tuần trước, Honda cho biết sẽ kéo dài việc cắt giảm sản lượng tại 6 nhà máy ở Bắc Mỹ cho đến tuần sau, do thiếu nguồn cung phụ tùng ở Thái Lan.

 

Trước đó, ngày 31/10, Giám đốc tài chính (CFO) của Honda, ông Fumihiko Ike cho biết, ông hy vọng chính phủ Thái Lan sẽ nâng cấp cơ sở hạ tầng, trong đó có các hệ thống thoát nước.

 

Honda dự kiến sẽ điều chỉnh linh hoạt sản xuất tại các nhà máy ở các nước lân cận Thái Lan để bù đắp sản lượng. Canon, Nissan, Hitachi và Toshiba đều đã tạm ngừng sản xuất tại các nhà máy ở Thái Lan do lụt lội.

 

Đa dạng hoá đầu tư

 

“Chúng tôi thấy cần phải tính tới việc đa dạng hoá đầu tư ngay tại Thái Lan, và sang các nước khác trong tương lai,” người phát ngôn Hiromitsu Kimura của Pioneer cho biết hôm 10/11, một ngày sau khi công ty rút lại dự báo doanh thu năm 2011 do nạn lụt ở Thái Lan.

 

Hoạt động phân phối trong chuỗi cung cấp của các công ty Nhật Bản trong khu vực có thể cũng có sự chuyển dịch, một phần do nạn lụt lịch sử đang diễn ra tại Thái Lan, mặt khác cũng phù hợp với sự gia tăng nhu cầu tiêu thụ nội địa, cũng như kế hoạch hợp nhất nền kinh tế khu vực.

 

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), với 10 thành viên chính thức, đặt mục tiêu đến năm 2015 sẽ tạo ra một thị trường chung giống như Liên minh châu Âu (EU) nhưng không áp dụng chính sách đồng tiền chung. Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất trong khối này từ năm 2008 đến 2010, lớn hơn cả Mỹ và Trung Quốc, theo số liệu của ASEAN.

 

Indonesia, Việt Nam

 

Indonesia và Việt Nam có vẻ đang trở thành điểm đến hấp dẫn vốn đầu tư Nhật Bản hơn, theo ông Tohru Nishihama, chuyên gia kinh tế của Viện nghiên cứu Dai-ichi ở Tokyo.

 

“Indonesia có dân số lớn hơn và nhu cầu tiêu dùng trong nước khá lớn, còn Việt Nam có dân số đang tăng trưởng,” ông nhận xét. Việt Nam và Indonesia hiện chiếm hơn một nửa tổng dân số 591 triệu người của ASEAN.

 

Mỗi năm, Indonesia nhập khẩu khoảng 200.000 xe từ Thái Lan, và một số nhà máy đã phải tạm đóng cửa do thiếu nguồn cung phụ tùng do nạn lụt tại Thái Lan, theo Hiệp hội ngành ô tô Indonesia. Tuy nhiên, Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, phải đầu tư hơn nửa để nâng cấp đường sá, mạng lưới điện, cầu cảng và sân bay để thu hút các nhà đầu tư - theo ông Sudirman Maman Rusdi, Chủ tịch Hiệp hội ngành ô tô Indonesia, thừa nhận.

 

“Trước mắt, đây là một cơ hội. Nhưng liệu chúng ta đã sẵn sàng?” ông Rusdi nói.

 

Lợi thế của Thái Lan

 

Cơ sở hạ tầng và các cụm công nghiệp của Thái Lan tạo thuận lợi cho hoạt động của nhiều công ty Nhật Bản - ông Yoichi Yajima, đại diện trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), cho biết.

 

“Tôi không nghĩ sẽ có sự thoái lui đầu tư khỏi Thái Lan. Chừng nào các công ty lớn như Toyota, Nissan, Honda, Toshiba hay Hitachi còn ở đây, thì các nhà cung cấp sẽ không rời đi,” ông Yajima nhận định.

 

Nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản vào Thái Lan đã tăng 35% lên khoảng 100 tỷ baht trong năm 2010, dẫn đầu là lĩnh vực ô tô, luyện kim và và máy móc, theo số liệu thống kê của Vụ Đầu tư, thuộc Bộ Công nghiệp Thái Lan.

 

Thái Lan chiếm khoảng 3,2% tổng vốn đầu tư nước ngoài của Nhật Bản trong hai năm qua, đứng thứ hai trong số các nước châu Á, sau Trung Quốc với 12,6%.

 

“Các nhà đầu tư Nhật Bản là quan trọng nhất với Thái Lan. Tôi sẽ đi nói chuyện với họ và hỏi xem họ muốn chúng tôi làm gì,” cựu Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Virabongsa Ramangkura cho biết vào tuần trước, sau khi Thủ tướng Yingluck bổ nhiệm ông làm trưởng ban tái cơ cấu và phát triển mới được thành lập ở nước này.

 

Quan tâm giảm sút

 
Doanh nghiệp Nhật có nao núng vì nạn lụt ở Thái Lan? - 2
 

Nhà máy của Honda ở Ayutthaya, Thái Lan, hôm 14/11 vẫn ngập trong nước. (Ảnh Getty Images)

 

Theo JETRO, nạn lụt dù sao cũng có thể làm giảm sự quan tâm đầu tư vào Thái Lan. Số lượng yêu cầu cung cấp thông tin mà doanh nghiệp gửi tới tổ chức này tại Bangkok, đề cập đến hoạt động đầu tư mới, đã giảm xuống chỉ còn khoảng 30 trong tháng 10, và chỉ còn 1 trong tháng 11, từ mức 50 yêu cầu của vài tháng trước đó, ông Yajima cho biết.

 

Đã có ít nhất 533 người thiệt mạng trong nạn lụt lịch sử diễn ra từ cuối tháng 7 ở Thái Lan. Nước dâng cao đã làm ngập 7 khu công nghiệp ở phía bắc Bangkok, với hơn 891 nhà máy chịu thiệt hại, và đang de doạ thủ đô Bangkok, nơi Honda, Isuzu và Mitsubishi Heavy Industries Ltd. có nhà máy.

 

Toyota bám trụ Thái Lan

 

Chủ tịch Akio Toyoda của Toyota tuần trước cho biết  tập đoàn sẽ không cân nhắc giảm đầu tư tại Thái Lan, dù đã phải tạm dừng sản xuất ở 3 nhà máy suốt từ ngày 10/10 do thiếu nguồn cung phụ tùng.

 

Chủ tịch Phòng thương mại Thái Lan, ông Pongsak Assakul, thừa nhận rằng đúng là các công ty có nhà máy đang bị ngập lụt hầu như chẳng có lựa chọn nào khác ngoài việc khôi phục sản xuất trong thời gian sớm nhất có thể, nhưng sẽ rất khó thuyết phục các nhà đầu tư mới chọn Thái Lan thay vì các nước láng giềng. Ông cho rằng, chính phủ Thái Lan phải xây dựng kế hoạch ngăn chặn tình trạng ngập lụt như vừa qua và triển khai càng nhanh càng tốt.

 

Theo ông, Nhật Bản là nhà đầu tư quan trọng của Thái Lan. Nếu Thái Lan thuyết phục được họ thì các nhà đầu tư khác sẽ đi theo.

 

Nhật Minh

Theo Bloomberg