Dấu ấn thị trường ô tô, xe máy Việt Nam năm 2012

(Dân trí) - Năm 2012 đang dần khép lại với nhiều nỗi buồn hơn niềm vui trên thị trường ô tô, xe máy Việt Nam. Cả doanh nghiệp và người tiêu dùng đều đang trông đợi những tín hiệu lạc quan hơn trong năm 2013 tới...

Vào thời điểm năm cũ dần qua, năm mới sắp tới, hãy cùng điểm lại những sự kiện đáng chú ý nhất trên thị trường ô tô, xe máy Việt Nam trong năm 2012:

 

Thị trường ảm đạm

 

Thị trường ô tô trong nước đã đón năm 2012 với “quả tạ” đầu tiên và lớn nhất là việc khung lệ phí trước bạ ô tô tăng từ 10-15% lên 10-20%, với mức thu cụ thể do các tỉnh, thành tự quyết. Theo đó, từ ngày 1/1/2012, mức thu lệ phí trước bạ tại Hà Nội đối với ô tô dưới 10 chỗ tăng từ 12% lên 20%; còn tại TP.HCM, tăng từ 10% lên 15%. Vì đây là hai thị trường ô tô lớn nhất cả nước nên việc tăng mức thu phí trước bạ đã lập tức tác động tới tình hình tiêu thụ xe.
 
Việt Hưng
Trong năm 2012, nhiều người dù có nhu cầu mua ô tô nhưng chưa dám quyết, do còn ngần ngại các loại phí (Ảnh: Việt Hưng)
 

Doanh số của thành viên Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) trong tháng 1/2012 rơi xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 3 năm. Những tháng tiếp sau, doanh số có khá hơn, nhưng vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với năm ngoái. Tính gộp 11 tháng đầu năm 2012 (chưa có số liệu thống kê của tháng 12), VAMA bán được 71.860 xe, chỉ bằng khoảng 70% so với cùng kì năm 2011.

 

Phí trước bạ cao, tình hình kinh tế khó khăn chung, các loại phí giao thông (phí bảo trì đường bộ, phí hạn chế phương tiện cá nhân...) “rình rập”, và giá xe lắp ráp trong nước vẫn cao một cách... vô lý, nên nhiều người dù có nhu cầu mua ô tô nhưng chưa dám quyết. Theo thống kê, ô tô đang phải gánh tới 14 loại thuế, phí và thuế chiếm tới 60% giá bán xe.

 

Thị trường xe máy trong năm 2012 cũng không mấy sáng sủa, khi lượng tiêu thụ thấp, tồn kho nhiều, khiến các hãng và đại lý phải đẩy mạnh giảm giá, khuyến mại nhưng vẫn không mấy hiệu quả, chủ yếu do tình hình kinh tế khó khăn.

 

Doanh nghiệp hoạt động cầm chừng

 

(Ảnh: Việt Hưng)
 
Dù các hãng đã thực hiện nhiều chương trình khuyến mại, tặng quà, hỗ trợ phí trước bạ... cho khách mua xe trong suốt cả năm 2012, nhưng lượng tiêu thụ xe ô tô vẫn rất thấp. Vì thế, có những thời điểm, một số nhà máy lắp ráp ô tô phải cho lao động tạm nghỉ việc. Theo ước tính của VAMA, sản xuất ô tô trong cả năm 2012 sẽ chỉ đạt khoảng hơn 80.000 xe, giảm 34-38% so với năm ngoái - mức giảm kỷ lục từ trước đến nay.

 

Các đơn vị nhập khẩu và đại lý phân phối ô tô cũng đối mặt với tình trạng kinh doanh ế ẩm. Không ít đại lý đã phải tạm đóng cửa, cho nhân viên nghỉ việc.

 

Tình hình của các doanh nghiệp sản xuất xe máy cũng không khá hơn. Theo báo cáo kinh tế của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số hàng tồn kho xe máy trong 11 tháng đầu năm 2012 tăng cao đột biến, do sức mua trên thị trường kém. Tình trạng công nhân phải luân phiên nghỉ việc đã diễn ra ở không ít nhà máy sản xuất xe máy.

 

“Được mùa” quy định và đề xuất

 

Có thể nói, chưa năm nào người sử dụng ô tô, xe máy Việt Nam phải tiếp nhận nhiều quy định và đề xuất liên quan đến lệ phí và điều kiện lưu hành xe như trong năm 2012.

 

Sau một thời gian “rình rập”, đến trung tuần tháng 11, mức phí sử phí sử dụng đường bộ cũng đã được Bộ Tài chính “chốt”. Theo đó, từ ngày 1/1/2013, xe mô-tô sẽ phải nộp từ 50.000 - 150.000 đồng/năm, còn với ô tô là từ 1,56 - 12,48 triệu đồng/năm.

 

Một văn bản pháp luật khác cũng rất được quan tâm trong năm 2012 là Nghị định 71 sửa đổi, bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Trong đó, nội dung được quan tâm nhất là quy định tăng mạnh mức xử phạt đối với chủ phương tiện ô tô, xe máy mua bán trao đổi nhưng không tiến hành thủ tục sang tên đổi chủ. Tuy nhiên, trước phản ứng mạnh mẽ và bức xúc của người dân, Chính phủ đã yêu cầu tạm thời không phạt xe không chính chủ, để chờ soạn thảo lại thông tư hướng dẫn thực hiện.

 

Ngoài các quy định, trong năm 2012 cũng có nhiều đề xuất liên quan đến phí và điều kiện lưu hành phương tiện được đưa ra, như: đề xuất cho phép nhập khẩu xe tuk tuk; đề xuất giảm phí trước bạ đối với xe đăng ký lần 2, đề xuất cấm lưu hành xe máy cũ; đề xuất sửa Thông tư 20 theo hướng nới quy định về giấy uỷ quyền là nhà nhập khẩu, phân phối chính hãng; đề xuất của VAMA về việc giảm phí, thuế...

 

Công bố nguyên nhân cháy xe

 

Cháy nổ xe không phải là hiện tượng mới, nhưng đã trở thành vấn đề nóng từ năm 2011 và kéo dài đến gần hết năm 2012 do liên tiếp xảy ra với các xe đời mới và suốt một thời gian dài không tìm được nguyên nhân cụ thể đã gây lo lắng cho cả người tiêu dùng lẫn các nhà sản xuất.
 
Chuyên gia cho lời khuyên nhằm hạn chế cháy xe do xăng dỏm

 

Đến trung tuần tháng 11/2012, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) mới công bố một số kết quả nghiên cứu về xác định nguyên nhân và giải pháp phòng chống cháy nổ ô tô, xe máy. Theo đó, nguy cơ thứ nhất là kết cấu, đặc tính một số hệ thống của xe cơ giới, gồm hệ thống điện có thể phát sinh nguồn nhiệt, nguồn lửa; hệ thống dẫn nhiên liệu bị rò rỉ gây cháy khi gặp nguồn nhiệt; hệ thống tản nhiệt làm mát và hệ thống xả khí gây phát nhiệt cao.

 

Thứ hai là do tình trạng làm dụng pha chế phụ gia tăng RON đối với xăng, trộn diesel tốt với diesel có lưu huỳnh cao.

 

Nguy cơ thứ ba là từ phía người sử dụng xe, như sử dụng chưa đúng cách, không bảo dưỡng, chăm sóc định kỳ, thay đổi kết cấu xe, sử dụng phụ gia tiết kiệm nhiên liệu…

 

Siêu xe và xe siêu sang vẫn về nhiều

 

Trong khi thị trường ô tô trong nước “ngắc ngoải” thì vẫn có khá nhiều siêu xe và xe siêu sang được nhập về Việt Nam trong năm 2012. Gây chấn động nhất phải kể đến chiếc siêu xe Bugatti Veyron đầu tiên về Việt Nam, kế đến là bốn chiếc Rolls-Royce Phantom phiên bản Rồng, rồi hai chiếc siêu xe Lamborghini Aventador... Tất cả đều là những mẫu xe “trong mơ” ngay cả với người dân ở những nước mà giá ô tô chỉ bằng 1/3 ở Việt Nam.

 

Nở rộ các giải đua ô tô địa hình

 

Kết thúc cuộc đua ôtô offroad lớn nhất nước
(Ảnh: Việt Hưng)
 
Chỉ trong vòng hai năm, từ Vietnam Offroad Cup 2010 (VOC) là cuộc thi kỹ năng lái xe địa hình (offroad) đầu tiên được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cấp phép tổ chức đến nay đã có 3 giải chính thức của phong trào offroad Việt, gồm: Vietnam Offroad Cup, Halong Challenge, và Saigon Adventure Trophy. Dù vẫn còn nhiều hạn chế và một số vướng mắc liên quan đến quy định kiểm định do xe thay đổi kết cấu và thiết kế của nhà sản xuất, nhưng các giải này đã đánh dấu sự lớn mạnh của một thú chơi ô tô tại Việt Nam.

 

Không chỉ thử sức ở sân nhà, các tay lái Việt Nam còn tham gia tranh tài ở Rainforest Challenge (RFC), một cuộc đua nổi tiếng ở khu vực Đông Nam Á. 2012 là lần thứ hai đội Việt Nam tham gia RFC.

 

Nhật Minh