Cuộc chiến khốc liệt trên thị trường cho thuê xe đạp Trung Quốc

(Dân trí) - Hai doanh nhân trẻ điều hành hai công ty khởi nghiệp đang làm nên một cuộc cạnh tranh sôi động trên thị trường cho thuê xe đạp ở Trung Quốc.


Dai Wei

Dai Wei

Một bên là Dai Wei, 25 tuổi, chủ công ty khởi nghiệp Beijing Bikelock Technology Co. chuyên lĩnh vực cho thuê xe đạp, với tên gọi ngắn gọn là Ofo, đã nhận được khoảng 100 triệu USD vào tháng 9 vừa qua từ các nhà đầu tư, trong đó có quỹ đầu tư có nguồn vốn của Lei Jun - người sáng lập công ty Xiaomi, và Didi Chuxing - công ty đã thành công trong việc hất cẳng Uber khỏi thị trường Trung Quốc. Tổng số tiền đầu tư vào Ofo đến nay được cho là đã lên đến 500 triệu USD.

Bên kia "chiến tuyến" là nữ doanh nhân Hu Weiwei, với công ty Beijing Mobike Technology Co., nhận vốn từ một nhóm nhà đầu tư trong đó có Tencent Holdings Ltd. - công ty internet lớn nhất Trung Quốc và một công ty từ lâu đã rót vốn vào Didi.

Đây là mô-típ thường thấy trên thị trường internet Trung Quốc; các liên minh liên tục thay đổi và các công ty khởi nghiệp (startup) đổ hàng tỷ USD vào các chiến dịch quà tặng, miễn phí để giành lấy khách hàng, để rồi không lâu sau đó sáp nhập lại để cạnh tranh với đối thủ mới.

“Tencent và Didi một bên chọn một phía, khiến cho cuộc cạnh tranh trở nên khó đoán định và thú vị hơn,” chuyên gia phân tích Cao Yang của công ty tư vấn internet IResearch ở Bắc Kinh nhận xét. “Vấn đề nằm ở chỗ bên nào thích ứng nhanh hơn và phân bổ nguồn lực tốt hơn.”

Cho thuê xe đạp không phải lĩnh vực kinh doanh mới. Hiện có khoảng 600 công ty như vậy hoạt động trên toàn thế giới, với thị trường tăng trưởng 20% mỗi năm, dự kiến sẽ đem về khoảng 5,8 tỷ USD doanh thu vào năm 2020, theo công ty tư vấn Roland Berger.

Hầu hết, như công ty Velib ở Paris hay Boris Bikes ở London, được thành lập hoặc điều hành bởi chính quyền địa phương, với nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp và xe đạp được đặt ở những địa điểm cố định. Điểm khác biệt của Ofo và Mobike là người dùng tìm và trả tiền thuê xe đạp qua ứng dụng điện thoại, giống như dịch vụ Uber, sau đó trả xe ở bất cứ chỗ nào tuỳ thích.

Mỗi công ty nhắm tới một thị trường khác nhau. Mobike sử dụng xe đạp cao cấp, với những chiếc xe có giá tới 3.000 nhân dân tệ (440 USD) vì thiết kế hai bánh màu cam thời trang, dùng lốp đặc và có hệ thống dẫn đường vệ tinh. Trong khi đó, Ofo nhắm tới đối tượng sinh viên, với những chiếc xe đạp màu vàng tươi có giá chỉ khoảng 250 nhân dân tệ, không có GPS và giá cho thuê chỉ 1 nhân dân tệ/giờ (hơn 3.000 đồng), bằng một nửa giá thuê xe của Mobike.

Mobike xác định vị trí của xe đạp thông qua hệ thống GPS tích hợp trong xe; còn Ofo định vị xe đạp thông qua smartphone của khách và gửi mã để mở khoá xe.

Sử dụng ứng dụng của Ofo để thuê xe đạp ở Thượng Hải. Ảnh: Imaginechina
Sử dụng ứng dụng của Ofo để thuê xe đạp ở Thượng Hải. Ảnh: Imaginechina

“Tất cả đều nghĩ rằng họ có thể trở nên lớn mạnh như Amazon, hy vọng việc "đốt tiền" trước mắt rồi sẽ mang lại lợi nhuận” - nhận xét của ông Rawen Huang, nhà sáng lập công ty Petrel Capital ở Hồng Kông có tham gia đầu tư vào thị trường internet Trung Quốc. “Liệu sau 5 năm nữa, khi nhìn lại, chúng ta có thốt lên: 'Trời ơi, không thể tin là họ đã được đầu tư nhiều như vậy' không? Có thể lắm".

“Trong những giai đoạn đầu thành lập một công ty, việc mở rộng quan trọng hơn là bảo vệ", doanh nhânh trẻ Dai Wei lý giải quan điểm tương tự nhà sáng lập Didi - ông Cheng Wei. “Bạn tiêu tiền càng nhanh thì hoạt động càng hiệu quả, càng thu hút được vốn đầu tư và càng trở nên mạnh hơn. Khi đó, bạn sẽ kiểm soát được thị trường".

Đó là chiến lược đã giúp Didi đánh bại hơn 30 đối thủ cạnh tranh. Ở giai đoạn đỉnh điểm cạnh tranh với Uber, cả hai công ty đã "đốt" 1 tỷ USD mỗi năm, chủ yếu để trợ giá. Didi giờ đây có hơn 11 triệu lượt khách thuê xe mỗi ngày, hoạt động trên khoảng 400 thành phố. Trong khi Didi vẫn chưa có lãi, thì Dai cho biết Ofo đã bắt đầu mang tiền về.

Dai Wei nhận được sự ủng hộ từ nhà đầu tư ban đầu của Didi là Wang Gang và của công ty GSR Ventures là Allen Zhu.

Với bằng tiến sĩ của Đại học Bắc Kinh, anh thành lập Ofo cùng với 4 sinh viên khác, huỷ bỏ dự án ban đầu là du lịch bằng xe đạp, để tập trung vào dự án cho thuê xe đạp.

Nhà đầu tư Wang Gang khi đó là cầu nối giúp Ofo tìm kiếm mạnh thường quân; ông không chỉ đảm bảo sự hậu thuẫn về mặt tài chính từ Didi, mà còn mang đến cho Ofo cơ hội tiếp cận 300 triệu khách hàng.

Một người đàn ông đang sử dụng xe đạp của công ty Beijing Mobike ở Bắc Kinh. Ảnh: Bloomberg
Một người đàn ông đang sử dụng xe đạp của công ty Beijing Mobike ở Bắc Kinh. Ảnh: Bloomberg

Ở bên kia "chiến tuyến", Hu Weiwei sở hữu một công ty "oách" hơn thế - Beijing Mobike. Ứng dụng tin nhắn WeChat của Tencent có hơn 800 triệu người dùng, đã được tích hợp sẵn dịch vụ gọi xe của Didi và tính năng mua sắm online của JD.com Inc. 34 tuổi, từng là một phóng viên, Hu Weiwei cho biết, hai công ty đang bắt đầu hợp tác trên một số lĩnh vực công nghệ.

Hu nói rằng: “Việc Tencent đang đầu tư vào chúng tôi cho thấy rằng chúng tôi có chung triết lý về sản phẩm và công nghệ”.

Sự đầu tư từ Tencent, cùng với các công ty Hillhouse Capital và Sequoia Capital, quá đúng thời điểm. Sau tuyên bố của Didi về việc sẽ đầu tư vào Ofo, nhiều khách hàng bắt đầu huỷ dịch vụ đã đăng ký với Mobike để lấy lại 299 nhân dân tệ tiền đặt cọc do sợ công ty sẽ đóng cửa.

"Điều đó cho thấy vai trò quan trọng của các doanh nghiệp lớn đối với sự sống còn của các công ty khởi nghiệp ở Trung Quốc" - chia sẻ của ông Huang, một doanh nhân sở hữu công ty kinh doanh ứng dụng chăm sóc sức khoẻ cho phụ nữ. Ông đã đăng ký sử dụng lại dịch vụ của Mobike sau khi biết tin Tencent rót vốn đầu tư.

“Các công ty internet Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn 'đốt tiền' để tranh giành thị phần và sự cạnh tranh còn khốc liệt hơn cả Thung lũng Silicon”, ông Huang nói

Ofo và Mobike sẽ không chỉ cần chính sách giảm giá để giành khách hàng, mà còn cần thêm xe đạp.

Mobike cho biết hiện có khoảng 30.000 xe đạp hoạt động ở khắp các thành phố Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến, với tổng dân số nội đô ước đạt hơn 74 triệu người. Mục tiêu của Mobike là có sẵn ít nhất 10.000 đầu xe ở mỗi thành phố trên vào cuối năm nay và mở rộng ra các thành phố khác.

Hãy so sánh nó với hơn 66.500 đầu xe do công ty vận tải công cộng Hàng Châu đang cung cấp cho thành phố có khoảng 8 triệu dân.

Trong khi đó, Ofo cho biết hiện công ty có hơn 85.000 chiếc xe đạp, chủ yếu đặt ở các trường đại học và cao đẳng. Ofo nuôi tham vọng cung cấp dịch vụ cho thuê xe đạp không chỉ ở Trung Quốc. Cả hai công ty đều nhắm đến các thị trường ở châu Âu.

Các công ty cho thuê xe đạp đang cố đảo ngược xu hướng giảm sử dụng xe đạp ở Trung Quốc. Nước này từng có 650 triệu xe đạp lưu thông vào năm 1995, nhưng đến năm 2013 đã giảm xuống còn 370 triệu xe.

Với một số người dân Bắc Kinh, cuộc chiến triệu đô giữa Ofo và Mobike đang đem đến sự tiện lợi hơn cho họ.

“Tôi chẳng quan tâm đó là xe đạp của công ty nào, tôi sẽ thuê ngay chiếc nào mình thấy khi không muốn đi bộ nữa", chia sẻ của Guang Geng, một người làm việc trong khu Zhongguancun - nơi được coi là Thung lũng Silicon của Bắc Kinh. “Thành thật mà nói, tôi chỉ thấy chúng khác màu sơn.”

Nhật Minh

Theo Bloomberg

Cuộc chiến khốc liệt trên thị trường cho thuê xe đạp Trung Quốc - 4
Cuộc chiến khốc liệt trên thị trường cho thuê xe đạp Trung Quốc - 5
Cuộc chiến khốc liệt trên thị trường cho thuê xe đạp Trung Quốc - 6

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm