Có tiền, Renault hồi quốc
(Dân trí) - Nhà sản xuất ô tô Renault dự kiến chuyển một số hoạt động sản xuất ở nước ngoài về lại Pháp sau khi chính phủ nước này cam kết hỗ trợ tài chính.
Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu (EC) đã yêu cầu điều tra cụ thể kế hoạch hỗ trợ tài chính của Pháp dành cho Renault, vì cho rằng đây có thể là một biện pháp mang tính bảo hộ.
Tháng trước, chính phủ Pháp đã đồng ý cho Renault và Peugeot Citroen vay 3 tỷ euro (khoảng 4 tỷ USD) để đổi lại việc duy trì hoạt động của các nhà máy ở Pháp.
Kế hoạch giải cứu này đã làm dấy lên những lo ngại về chủ nghĩa bảo hộ sau khi Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tuyên bố không nên dùng số tiền này để cứu các nhà máy của Pháp ở Đông Âu.
Lo lắng của EU
Cao ủy phụ trách vấn đề cạnh tranh của EU, Neelie Kroes, nói với phóng viên BBC rằng bà rất ngạc nhiên và đang yêu cầu điều tra khẩn cấp.
Bà Kroes cho biết cách đây chỉ vài tuần, ông Chatel đã cam kết rằng khoản hỗ trợ của chính phủ Pháp dành cho các doanh nghiệp ô tô không liên quan gì tới việc chuyển việc làm về Pháp.
Theo bà, nếu các khoản hỗ trợ được duyệt theo điều kiện này thì sẽ là vi phạm luật pháp EU và doanh nghiệp phải trả lại.
“Việc làm này không thể xảy ra khi cuộc họp của lãnh đạo các nước EU ở Brussels (Bỉ) đang kêu gọi Mỹ và các nước khác giải quyết cuộc khủng hoảng toàn cầu nhưng phải tránh mọi hình thức của chủ nghĩa bảo hộ,” bà Kroes nói.
Tuy nhiên, Renault đã lên tiếng bảo vệ kế hoạch “hồi quốc” của mình, giải thích rằng nhà máy của họ ở Slovenia đã hoạt động hết công suất và việc chuyển một bộ phận về nhà máy Flins ở ngoại ô Paris sẽ giúp Renault giải quyết các đơn đặt hàng mới.
Năm 2008, chính phủ Pháp tuyên bố sẽ hỗ trợ người tiêu dùng 1.000 euro nếu họ đổi xe đã qua sử dụng từ 10 năm trở lên lấy một chiếc xe mới có nồng độ khí thải thấp.
Gia tăng sản lượng
Mẫu Clio Campus mà Renault dự kiến chuyển về Pháp sản xuất
“Nhà máy Novo Mesto ở Slovenia đã hoạt động hết công suất và đó là lý do tại sao chúng tôi quyết định chuyển một phần hoạt động về Pháp,” bà nói.
Quyết định này của Renault có được sự ủng hộ của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. “Đây không phải là việc làm gây mất việc làm ở Slovenia,” ông nói.
Renault dự kiến sản xuất 8.000 xe Clio Campus ở nhà máy Flins (Pháp) trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 10 năm nay. Hiện tại, nhà máy này sản xuất mẫu Clio III.
Các nhà sản xuất ô tô ở châu Âu và trên toàn thế giới đang bị tác động nặng nề bởi tình hình suy giảm kinh tế toàn cầu.
Tháng trước, Renault đã thông báo lợi nhuận sụt giảm mạnh và phải hủy bỏ các mục tiêu của năm 2009. Tiêu thụ ô tô tại châu Âu đã giảm hơn 7%, theo Renault.
Kế hoạch giải cứu ngành ô tô của chính phủ các nước:
• Mỹ: Chính phủ liên bang đã cho GM và Chrysler vay ít nhất là 17,4 tỷ USD; đảm bảo thanh toán 5 tỷ USD cho các nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng ô tô; và hỗ trợ 2,4 tỷ USD cho chương trình sản xuất ô tô chạy điện
•Pháp: 6 tỷ euro cho Renault và Peugeot Citroen; thêm 500 triệu euro cho phân nhánh sản xuất xe tải của Renault, với thời hạn cho vay là 5 năm
•Đức: Áp dụng chương trình hỗ trợ 2.500 euro cho những người bỏ xe đã qua sử dụng trên 9 năm để mua xe mới
•Anh: Kế hoạch giải ngân 1,3 tỷ bảng Anh từ Ngân hàng đầu tư châu Âu và cam kết cho vay thêm 1 tỷ bảng Anh để các nhà sản xuất nghiên cứu phát triển ô tô “sạch”; tăng ngân sách hỗ trợ đào tạo từ 65 lên 100 triệu bảng Anh
|
Nhật Minh
Theo BBC