Câu chuyện ô tô Trung Quốc bị phân biệt đối xử

(Dân trí) - Trung Quốc hiện là nước sản xuất ô tô lớn thứ hai thế giới, nhưng nỗ lực xuất khẩu xe của họ lại gặp nhiều rào cản vô lý và bất công. Trường hợp của Brilliance là một ví dụ điển hình.

 

Cách đây vài năm, Hans-Ulrich Sachs, cựu thành viên hội đồng quản trị tập đoàn Volkswagen, nảy ra một ý tưởng: nhập khẩu xe của hãng Brilliance (Trung Quốc). Ngoài việc là đối tác liên doanh của BMW tại Trung Quốc, Brilliance cũng sản xuất ô tô gắn nhãn hiệu của riêng mình.

 

Kế hoạch của ông Hans-Ulrich Sachs là nhập khẩu xe Brillian vào Đức để tiêu thụ, với giá bán cạnh tranh. Một kế hoạch tưởng như không thể thất bại, nhưng chỉ vài tháng trước khi mẫu xe được VW chính thức ra mắt tại Triển lãm ô tô Frankfurt 2007, Câu lạc bộ ô tô Đức (ADAC) đã tiến hành kiểm tra độ an toàn của Brilliance BS6, theo tiêu chuẩn EURO-NCAP của thị trường châu Âu. Kết quả là chiếc xe chỉ được 1 sao.
 
Câu chuyện ô tô Trung Quốc bị phân biệt đối xử  - 1
Chiếc Brilliance BS6 trong bài kiểm tra va chạm trước ở tốc độ 64km/h theo tiêu chuẩn Euro-NCAP hồi năm 2007

 

Video ghi lại buổi kiểm tra an toàn đó được tung lên YouTube, và cánh cửa vào châu Âu của Brilliance đã khép lại. Trong cuộc kiểm tra sau đó được thực hiện tại Tây Ban Nha, Brilliance BS6 đạt 3 sao, tức là đủ để vào châu Âu. Nhưng tiếng xấu đã lan rộng, khó xóa bỏ. Con đường vào châu Âu của Brilliance bị ảnh hưởng nặng nề.

 

Đến hôm 26/3 vừa qua, ADAC công bố kế quả kiểm tra an toàn của mẫu Brilliance BS4 mới. Tệ hơn cả lần trước, chiếc xe không được sao nào. Một tin thực sự gây sốc với Brilliance, vì độ an toàn của BS4 đã được cải thiện nhiều. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng tiêu chuẩn Euro-NCAP cũng đã được siết chặt.

 

ADAC kết luận: “Theo tiêu chuẩn cũ, chiếc xe sẽ được chấm 3 sao. Lý do khiến chiếc xe không được sao nào là hệ thống xếp hạng mới có những tiêu chuẩn chặt chẽ hơn. Ngoài an toàn cho khách, cho trẻ nhỏ, và cho người đi bộ, các hệ thống hỗ trợ điện tử là một phần của bài kiểm tra. Do không có hệ thống ổn định xe điện tử (ESP), cảnh báo cài dây đai an toàn và thiết bị hạn chế tốc độ, nên BS4 không được sao an toàn nào.”

 

Trong khi đó, Brilliance BS4 ra đời vào tháng 10/2008, tức là khi hệ thống tiêu chuẩn cũ vẫn đang có hiệu lực. Do đó, lần này, ngay cả nhiều ý kiến ở Đức cũng cho rằng như vậy là không công bằng.
 
Câu chuyện ô tô Trung Quốc bị phân biệt đối xử  - 2
Mẫu Brilliance BS4 được giới thiệu tại Triển lãm ô tô Geneva 2007

 

Theo các quy định Euro NCAP mới, một chiếc xe không có ESP sẽ không được chấm 5 sao. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là xe đó tự động bị chấm 0 sao. Xe không có ESP vẫn có thể được chấm 4 sao. ESP thậm chí không phải là quy định bắt buộc ở EU, dù đúng là người ta đang vận động để nó trở thành trang bị bắt buộc.

 

Tạp chí Focus của Đức đã đưa ra ý kiến nghi ngờ quy trình kiểm tra độ an toàn đối với xe của Brilliance.

 

Họ chỉ ra rằng:

 

Thứ nhất, Euro NCAP không phải là một tiêu chuẩn an toàn chính thức. Kết quả xếp hạng Euro NCAP không liên quan tới tính hợp pháp của một mẫu ô tô để có thể lưu hành tại châu Âu. Các nhà sản xuất tự nguyện thực hiện bài kiểm tra an toàn này - do các nhà sản xuất ô tô và các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng lập ra.

 

Thứ hai, BS4 được giới thiệu tại châu Âu vào tháng 10/2008, khi các tiêu chuẩn Euro NCAP cũ vẫn đang có hiệu lực. Theo đó, chiếc xe sẽ được chấm 3 sao. Vậy tại sao ADAC thấy cần thiết phải kiểm tra mẫu xe được giới thiệu vào thị trường từ năm ngoái bằng các tiêu chuẩn mới áp dụng từ tháng 2 năm nay?

 

Thứ 3, theo Focus, một chiếc xe bị chấm 0 sao về an toàn chắc chắn sẽ bị khách hàng nghĩ là không an toàn chút nào, trong khi BS4 rõ ràng không như vậy.
 
Câu chuyện ô tô Trung Quốc bị phân biệt đối xử  - 3
Chiếc Brilliance BS4 trong bài kiểm tra va chạm trước theo tiêu chuẩn Euro-NCAP mới áp dụng từ tháng 2/2009

 

Bản thân Euro-NCAP cũng khẳng định rằng kết quả kiểm tra an toàn của họ không có ý nghĩa pháp lý: “Tất cả xe tiêu thụ tại EU phải đáp ứng các quy định ‘European Whole Vehicle Type Approval’. Đây là một thủ tục chứng nhận ô tô đáp ứng được tất cả quy định của luật pháp châu Âu về an toàn, khí thải, tiếng ồn… Các cuộc kiểm tra va chạm trước và bên hông xe của Euro NCAP dựa trên quy định của luật pháp châu Âu. Tuy nhiên, Euro NCAP sử dụng các tiêu chuẩn cao hơn nhiều. Tốc độ dùng để kiểm tra độ an toàn của xe trong trường hợp va chạm trước của Euro NCAP là 64 km/h, trong khi theo quy định của châu Âu chỉ là 56 km/h.”

 

Tuy nhiên, tất cả những điều này đều không được nhắc đến trong thông cáo báo chí của ADAC. Trong khi đó, video ghi lại cuộc kiểm tra an toàn đối với chiếc xe đã lan đi khắp thế giới, qua YouTube. “Brilliance BS4 bị chấm 0 sao trong bài kiểm tra của Euro NCAP” trở thành tít của nhiều bài viết lan rộng trên internet.

 

Một số chuyên trang ô tô thậm chí còn gọi nhầm ADAC như một cơ quan quản lý của Đức, trong khi thực tế hoàn toàn không phải vậy. Tổ chức này chỉ giống như Câu lạc bộ mô-tô An Cơ của Thượng Hải, Trung Quốc. 

 

Thêm nữa, có rất nhiều mẫu xe trong danh sách an toàn của Euro-NCAP chỉ có 3 sao, từ Audi A4 đến VW Polo, nhưng vẫn được người tiêu dùng châu Âu nhiệt tình đón nhận. Trong khi đó, Brilliance BS4 không có tên, dù theo tiêu chuẩn cũ của Euro-NCAP, nó cũng được 3 sao.

 

Có vẻ như thách thức lớn nhất đối với các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc muốn vào thị trường châu Âu lại đang là một câu lạc bộ ô tô.

 

Nhật Minh

Theo Gasgoo