Bộ Tài chính: Bỏ thuế linh kiện, 80% nguồn cung sẽ là xe trong nước
(Dân trí) - Trong dự thảo nghị định thay thế Nghị định về danh mục biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Bộ Tài chính đã giải thích lý do tăng thuế đối với mặt hàng xe cũ nhập khẩu về Việt Nam và kiến nghị bỏ và giảm thuế đối với linh kiện, cụm linh kiện nhập khẩu ô tô lắp ráp trong nước.
Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết, mục tiêu việc đánh thuế đối với xe ô tô đã qua sử dụng nhằm hạn chế nhập siêu, góp phần tăng thu cho ngân sách. Việc hạn chế nhập xe cũ bằng các biện pháp thuế quan sẽ ngăn chặn hiện tượng xe chạy lướt, xe cũ chất lượng kém nhập về Việt Nam.
Về chính sách bỏ và giảm thuế đối với linh kiện xe hơi, mục tiêu nhằm nâng cao năng lực các doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, nó còn giúp sản phẩm sản xuất bởi doanh nghiệp (DN) Việt, tại thị trường Việt Nam có thế mạnh cạnh tranh trên sân nhà, giải quyết công ăn việc làm, phát triển đất nước.
Theo thuyết minh của Bộ Tài chính, việc giảm thuế góp phần gia tăng tỷ lệ sản xuất, lắp ráp xe trong nước so với nhu cầu nội địa đối với 2 nhóm xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi và xe tải.
Với các chính sách giảm thuế, Bộ Tài chính tin tưởng: “Chương trình dự kiến năm 2018 - 2022, tỷ lệ xe sản xuất, lắp ráp trong nước đạt 80% nhu cầu thị trường nội địa. Trong đó mục tiêu tăng trưởng sản xuất, lắp ráp xe con dưới 9 chỗ ngồi trở xuống phải đạt 16%/năm, xe tải là 18%/năm”.
Bộ Tài chính cho rằng: Các chính sách thuế đối với xe ô tô giúp phát triển công nghiệp hỗ trợ thông qua việc đạt tỷ lệ giá trị sản xuất trong nước là 40%. Điều này đảm bảo số lượng lớn các DN trong nước cung ứng nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước từ năm 2022 trở đi.
Trước đó, trong chương trình giảm và bỏ thuế nhập linh kiện, Bộ Tài chính đề nghị các DN xe hơi trong nước phải cam kết đáp ứng tỷ lệ nội địa hóa mới được hưởng thuế nhập khẩu linh kiện xe 0% (xe con) và 7% (xe tải).
Cụ thể, đối với DN sản xuất xe dưới 9 chỗ, năm 2018 phải cam kết đạt tỷ lệ nội địa hóa 20%; năm 2019 là 25%; năm 2020: 30%; năm 2021: 35%; năm 2022 là 40%. Đối với xe tải là năm 2018 là 10%; năm 2019 là 15%; năm 2020: 20%; năm 2021: 25%; năm 2022 là 40%.
Dựa trên các phương án nội địa hóa bắt buộc các DN thực hiện, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ, Quốc hội xem xét các phương án bỏ, giảm thuế nhập linh kiện sản xuất xe hơi trong nước.
Theo đó, phương án 1 sẽ giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN của 163 dòng thuế linh kiện ô tô tách rời nhập khẩu để lắp ráp cho 02 nhóm xe về 0%. Giảm mức thuế suất trung bình của cả bộ linh kiện từ 14-16% xuống khoảng 7% đối với xe dưới 9 chỗ và khoảng 1% đối với xe tải dưới 5 tấn.
Phương án 2 là giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN của 19 dòng thuế linh kiện là động cơ, hộp số, cụm truyền động, bơm cao áp để lắp ráp cho 02 nhóm xe xuống 0%. Giảm mức thuế suất trung bình của cả bộ linh kiện từ 14-16% xuống 9-11% đối với xe dưới 9 chỗ và 7,9% đối với xe tải dưới 5 tấn.
Hiện Chính phủ vẫn chưa cho ý kiến về các phương án đối với các phương án giảm thuế linh kiện xe ô tô. Thực tế, từ năm 2018 thuế nhập khẩu xe hơi từ các nước ASEAN vào Việt Nam sẽ giảm từ 30% như hiện nay xuống còn 0%, theo Bộ Tài chính với việc giảm giá này ngân sách có thể mất đi hơn 4.400 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, việc giảm này không thể tránh khỏi được, Bộ Tài chính đề nghị giảm thuế nhập khẩu linh kiện xe hơi nhằm giúp các DN trong nước tăng trưởng sản lượng tốt hơn, từ đó tăng doanh thu và tăng khả năng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tốt hơn, bù đắp thiệt hại do thuế nhập khẩu.
Nguyễn Tuyền