Afghanistan: Một cung đường “tử thần”
(Dân trí) - Tuyến quốc lộ qua đèo Kabul của đất nước Afghanistan quanh năm chìm trong bom đạn thực sự là nỗi khiếp đảm cho cánh tài xế, nhưng không phải bởi bom đạn...
Cung đường dài 65km nằm vắt vẻo bên sườn núi giữa Kabul và Jalalabad là nơi thường xuyên xảy ra những vụ tai nạn giao thông chết người, nhiều đến mức từ lâu người ta không còn làm thống kê nữa. Xe con bị lật, đâm bẹp. Xe tải lao vực. Xe buýt chạy bạt mạng, thường xuyên va chạm. Đó là những chuyện thường ngày ở khu vực này.
Nhưng đây cũng là một trong những cung đường có cảnh sắc đẹp nhất thế giới. Đoạn đường đèo hiểm trở được bao bọc bởi những vách đá dựng đứng, cao hơn 600m so với mặt sông Kabul ở phía dưới.
Với các tay lái “cứng”, đi qua đèo Kabul là một trải nghiệm khó quên khi đến Afghanistan, được ví như vũ điệu khó với mỹ nhân và sự chết chóc.
Trong một ngày vào tuần trước đã xảy ra 13 vụ tai nạn trên cung đường này chỉ trong 2 tiếng, tất cả đều thảm khốc, và gần như tất cả đều thiệt mạng. Trời mưa lâm thâm suốt ngày khiến tầm quan sát của các tài xế bị hạn chế.
Vậy nhưng ô tô vẫn phóng như bay, ranh giới giữa cái chết và sự sống chỉ là vài milimét.
“Cuộc chiến với Taliban mỗi lần kéo dài 1-2 ngày, còn tai nạn giao thông là chuyện cơm bữa,” ông Juma Gul, chủ một cửa hàng vải ở Sarobi nhìn thẳng sang cung đường này, nói. “Cứ như một rạp hát vậy. Thỉnh thoảng có chiếc ô tô bay vào không trung.”
Trên thực tế, dù hẹp nhưng tuyến đường 2 làn này đủ rộng để hai xe đi qua. Ở làn đường phía trong, cách cửa sổ xe chưa đầy 1m là vách đá cao dựng đứng, còn ở làn phía ngoài đã có đường gờ cao 30cm làm ranh giới với vực sâu. Vậy mà các tài xế thường hoặc là đâm xe vào vách núi, leo lên đường gờ bảo vệ, hoặc lao vào nhau.
Tín hiệu cảnh báo duy nhất được đưa ra ở cung đường này là từ những đứa trẻ sống ở các khu làng nghèo khổ gần đó. Lũ trẻ, thường mới chỉ 4-5 tuổi, đứng ở những khúc cua, dùng lon nước ngọt màu xanh làm cờ hiệu để vẫy cho các tài xế biết khi nào thì an toàn để đi qua.
Bạn có thể đang nghĩ rằng với điều kiện địa hình như vậy thì các tài xế đi qua đèo Kabul sẽ phải lái thật chậm, nhích từng tý một để vượt qua khúc cua? Trước đây thì đúng thế, nhưng từ năm 2006, với một dự án cải tạo cung đường này của EU, cánh tài xế thoả sức tăng ga khi qua đây. Phóng nhanh, cua gấp, và gây tai nạn - đó là những gì hàng ngày họ vẫn làm.
Hiểm nguy tăng lên bởi những yếu tố khác. Trên lý thuyết, chính phủ Afghanistan quy định các tài xế phải thi lấy bằng lái xe, nhưng trên thực tế, ít tài xế có bằng.
Kế đến là những chiếc xe, đa phần taxi là xe Toyota và Lada được sản xuất từ thời Liên Xô cũ. Hình ảnh ô tô với lốp mòn vẹt và phanh kêu ken két không khó gặp ở Afghanistan, trong khi đó lại không phải là loại xe lý tưởng để chạy đường núi.
Nhưng nguy hiểm hơn cả là những chiếc xe tải chạy rì rì trên đường. Xe đầu kéo vận chuyển hàng hoá qua lại biên giới Pakistan thường bị chất hàng quá tải. Đó là lý do chúng không thể chạy nhanh và nhiều nguy cơ lao xuống vực hoặc trôi ngược khi leo núi.
Việc xe tải và xe đầu kéo chạy chậm rì trên đoạn đường này khiến nhiều tài xế xe con chạy sau mất kiên nhẫn, nổi giận và cho xe vượt lên ngay khi có cơ hội.
Và đó là lý do dẫn đến các vụ tai nạn, hết vụ này đến vụ khác.
Mỗi ngày có rất nhiều người bị tai nạn giao thông được đưa vào Bệnh viện Sarobi ở đầu đèo. “Hầu hết bệnh nhân của chúng tôi là người bị tai nạn giao thông,” bác sĩ phẫu thuật Ros Mohammed Jabbar Khel của Bệnh viện Sarobi cho biết.
Bác sĩ Jabbar Khel đang có kế hoạch mua một đội xe cứu thương và bố trí chúng ở nhiều điểm dọc đèo Kabul để có thể kịp thời cứu sống nhiều người. Ông cho biết bệnh viện đang đợi tiền đầu tư của chính phủ.
Bản thân bác sĩ Jabbar Khel cũng phải lái xe qua khu vực này nhiều lần trong tuần. Và lần nào, theo ông, cũng là với cảm giác sợ hãi - không phải bởi khả năng lái xe và xử lý tình huống của bản thân, mà của những người khác.
“Tôi có bằng lái! Tôi đã học lái xe,” vị bác sĩ này nói.
Nhật Minh
Theo NYT