ABS - an toàn nhưng không phải là tất cả

Hệ thống chống bó cứng phanh ABS thực sự nâng cao độ an toàn của xe khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, trên thực tế, số tai nạn và chấn thương vẫn không hề giảm, thậm chí có chiều hướng tăng khi được lắp ABS. Nguyên nhân nằm ở việc tài xế có xu hướng chủ quan hơn khi sử dụng ABS.

Các thiết bị chống bó cứng phanh ABS hiện đại gồm một máy tính, 4 cảm biến tốc độ trên từng bánh và các van thủy lực. Khi CPU nhận thấy một hay nhiều bánh có tốc độ quay chậm hơn mức quy định nào đó so với các bánh còn lại, nó sẽ tự động giảm áp suất tác động lên phanh.

 

Tương tự, nếu một trong các bánh quay quá nhanh, máy tính cũng tự động tác động lực trở lại, đồng thời tạo độ rung giật ở bàn đạp phanh để báo cho người lái biết ABS đang hoạt động. Khi hoạt động, ABS nhả-nhấn piston khoảng 15 lần mỗi giây.

 

Gần như tất cả xe hơi đời mới hiện nay đều trang bị ABS và Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ, NHTSA, tuyên bố hệ thống chống bó cứng phanh đảm bảo an toàn và tăng cường hiệu quả phanh, giúp tài xế giữ ổn định hướng lái, kiểm soát tốt vô-lăng. Trong một số trường hợp, ABS làm giảm khoảng cách phanh khi xảy ra tình huống phanh khẩn cấp, đặc biệt trên các đường ướt, trơn trượt.

 

Kể từ khi hệ thống chống bó cứng phanh có tên Antiblockiersystem của Bosch ra mắt tại Mỹ những năm cuối thập niên 1970, nó được coi là thiết bị an toàn có khả năng làm giảm đáng kể số vụ tai nạn giao thông và mức nghiêm trọng của chúng. Các thử nghiệm dưới điều kiện có kiểm soát cho thấy ABS có tác dụng lớn và cần thiết cho các xe trong thời điểm hiện tại.

 

Tuy nhiên, trong điều kiện vận hành thực, số tai nạn và tỷ lệ chấn thương đối với các xe có và không có ABS cho thấy ABS không hoàn toàn là bùa hộ mệnh, thậm chí, nó còn làm tăng mức độ nghiêm trọng trong hầu hết các tình huống. Đây là kết quả thu được các nghiên cứu được tiến hành tại những cơ sở đào tại lái xe taxi ở Munich, Đức và Oslo, Na Uy.

 

Những nghiên cứu trên xe taxi cho thấy các tài xế thường có xu hướng chủ quan và rơi vào tình huống nguy hiểm như phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, khi biết chiếc xe trang bị hệ thống ABS. Kết quả đó được thể hiện trong thống kê về số vụ va quệt. Theo đó, tỷ lệ về số vụ qua quệt giữa xe có ABS và xe không có ABS là tương đương.

 

Đặc biệt, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ABS không thực sự hiệu quả trên những mặt đường khô ráo và có quãng đường phanh dài hơn trên tuyết. Ngoài ra, xe lắp ABS có tỷ lệ lật úp cao hơn, va chạm với xe khác nhiều hơn, tài xế thường có lái nhanh và phanh muộn hơn.

 

Tổ chức an toàn giao thông AAA Foundation, Mỹ, kết luận nếu điều khiển sai quy cách, những chiếc xe lắp ABS cũng dễ mất lái hơn. Ngoài ra, rất nhiều lái xe sử dụng ABS không đúng cách như nhấn mạnh chân phanh ngay ở các tình huống thông thường. 

 

Hạn chế của ABS đã được đề cập tới từ khá lâu. Năm 1994, tiến sĩ Charles J. Kahane viết trong tài liệu gửi cho Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ cho rằng số lượng các va chạm khiến chiếc xe bị lật (va chạm cạnh hay phía trước) tăng đối với những chiếc xe lắp ABS. Trong đó, số vụ lật xe gây chấn thương là 28% và không gây chấn thương là 19%.

 

Hai năm sau, Viện An toàn giao thông quốc gia Mỹ IIHS ra thông báo với nội dung: “Hệ thống chống bó cứng phanh không làm giảm các tai nạn gây chấn thương và người ngồi trên xe lắp ABS có nguy cơ gặp sự cố cao hơn”. Năm 1998, Leonard Evans, làm việc cho General Motors, cũng đưa ra kết luận với ABS, chiếc xe không an toàn hơn khi đi trên đường khô ráo.

 

Theo Nguyễn Nghĩa

Vnexpress/True about car