2007: nhiều sóng gió cho ngành ôtô Mỹ

(Dân trí) - Sẽ lại là một năm không chút yên bình, bởi bên cạnh chiến lược tái cơ cấu vẫn còn đang dang dở, các đại gia xế hộp từ châu Mỹ sẽ vấp thêm hàng loạt khó khăn xuất phát từ môi trường kinh doanh trong nước ngày càng suy yếu.

“2006 quả thực là năm đầy biến động trong nội bộ ngành công nghiệp xe hơi Mỹ. Đáng buồn thay,tình cảnh ảm đạm này khó hy vọng có thể biến chuyển tích cực hơn trong vòng 2 năm tới” - nhận định của nhà phân tích Mark Oline thuộc tổ chức đánh giá uy tín quốc tế Fitch Ratings trong báo cáo ngày hôm qua (6/12).

 

Theo dự báo, bức tranh ngành xế hộp Hoa Kỳ trong năm tới sẽ không được sáng sủa là bao. Các nhà sản xuất sẽ phải vật lộn hụt hơi mới mong bảo vệ toàn vẹn thị phần, chứ chưa nói tới ăn nên làm ra, thu về lợi nhuận. Đấy là không kể những khúc mắc “khó nhằn” trong việc đàm phán lại hợp đồng lao động với liên đoàn công nhân ngành ôtô Mỹ (UAW).

 

Trong khi đó, đội ngũ các nhà cung cấp và bán buôn xe hơi cũng gián tiếp chịu ảnh hưởng lớn khi các nhà máy trong nước đồng loạt cắt giảm sản lượng

 

“Sản lượng giảm, giá tăng, chi phí hoạt động leo thang trong năm tới sẽ là những tác nhân ngăn cản hệ thống phân phối xe nội địa duy trì doanh thu tài chính ngang bằng 2006. Thêm nữa, trong điều kiện tài chính bất ổn như hiện nay các nhà sản xuất thường hạn chế ký hợp đồng dài hạn với nhà cung cấp. Đây là nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ phá sản trong trung hạn” - báo cáo của Fitch cho biết.

 

Về phần các đại gia “đầu sỏ” trong ngành, xét ra chỉ có General Motors và Ford Motor là có khả năng thanh khoản đủ mạnh để bù đắp dòng tiền mặt thường xuyên trong trạng thái thâm hụt. Và mặc dù hai "ông lớn" này đã bắt tay nhau thực hiện chính sách hỗ trợ vốn khá tốt, Fitch vẫn không khỏi lo ngại việc này sẽ “kìm hãm động cơ tìm kiếm nguồn vốn bên ngoài trong vài năm tới”.

 

Dòng tiền mặt ở GM và Ford sẽ tiếp tục thâm hụt trong năm 2007, nguyên nhân chủ yếu do giá cổ phiếu giảm, chi phí tái cơ cấu và chi phí nhân công.

 

Chưa hết, những phiên đàm phám hợp đồng với UAW dự kiến diễn ra trong tháng 9/2007 sẽ là sự kiện quan trọng quyết định: liệu GM, Ford và Chrysler có thể thiết lập một cơ cấu chi phí cạnh tranh có quy mô phù hợp với giá trị cổ phiếu và doanh thu trong tương lại gần hay không?

 

“Những cuộc đàm phán này luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột giữa UAW và các nhà sản xuất”- Mark Oline cảnh báo bằng sự lo ngại.

 

Hải Minh

Theo Reuters