Đồ tái chế vẫn chưa hết “hot”
Sử dụng vật liệu ve chai bỏ đi, tái chế thành đồ dùng hữu ích là một phần trong trào lưu Go Green (Sống Xanh) được giới trẻ hưởng ứng và duy trì trong 2 năm qua. Cho đến nay, trào lưu này vẫn chưa giảm nhiệt.
Không những thế, nhiều bạn trẻ còn sáng tạo ra thêm những vật dụng hữu ích mới mẻ, giảm tối đa chi phí trong việc thiết kế, trang trí những cửa hàng “xanh”, tạo nên phong cách khác lạ cho việc kinh doanh của mình.
Hành trình “giải cứu” những cái chai
Bước vào quán, khách không khỏi ngạc nhiên bởi 100% vật dụng ngộ nghĩnh và lạ mắt đều làm từ những món đồ bỏ đi, chẳng hạn như ly uống nước, lọ cắm hoa bằng chai thủy tinh đã cưa bỏ phần cổ, dàn đèn trang trí được làm từ vỏ chai rượu tây, được gắn thêm đèn bên trong. Để hoàn thành quán cà phê này, các thành viên sáng lập quán phải săn lùng các loại chai từ vựa ve chai, rồi đem về tự cắt, gò, mài dũa để sử dụng.
Minh Thành (thành viên Hội Hand-made Xanh) chia sẻ: “Một “bí kíp” dành cho những ai đam mê đồ tái chế là nên mua vật liệu từ những người thu mua ve chai dạo, giá sẽ rẻ bất ngờ. Bạn cũng có thể nhắn những người thu gom ve chai, hẹn khi nào có hàng chai lọ thì mang đến sẵn, không cần mất công đi lùng”.
Các bạn làm quán cà phê Ve Chai còn sáng kiến làm trang sức bằng ốc vít, bulông và mảnh thủy tinh, theo phương châm “tất cả những thứ có thể dùng được đều được sử dụng triệt để”.
Độc đáo hơn nữa là gian hàng thủ công mỹ nghệ của quán. Những cái chai được làm lại bằng cách chắp nối những mảng thủy tinh đủ màu, vẽ tay, tạo thành những tác phẩm nghệ thuật. Thu nhập từ khoản bán hàng sáng tạo này đã giúp quán duy trì hoạt động tốt và doanh thu ngoài càng tăng.
Thói quen sống “xanh”
Câu lạc bộ làm đồ hand-made của trường ĐH Luật TPHCM, lâu nay nổi tiếng với việc làm huy hiệu từ nắp chai. Chiều cuối tuần, các thành viên câu lạc bộ, trong trang phục áo vàng, thường tụ thành nhóm trong khuôn viên trường, tô vẽ, gắn keo, rồi đóng gói thành phẩm mang bán ở khu cà phê “bệt” (Q. 1 và khu Hồ Con Rùa, Q. 3).
Trang Anh kể: “Lúc nhóm mới bắt đầu, tụi mình đi xin nắp chai ở các quán nước, có khi phải lục cả thùng rác để tìm. Về sau, nhiều chủ tiệm hiểu việc nhóm làm nên chủ động gom riêng ra giúp, tụi mình chỉ việc đến lấy. Với giá chỉ 5.000 đồng một chiếc huy hiệu, sản phẩm này được các bạn trẻ săn lùng rất nhiều để gắn lên balô và trang trí góc học tập”.
Nhắc đến đồ tái chế, nổi tiếng nhất trong cộng đồng trẻ phải kể đến cửa hàng 3T, thành lập bởi một nhóm bạn trẻ ở Tây Ninh và Hà Nội. Nhóm thường đi trong các khu phố, tìm kiếm và xin về những đồ bỏ đi, sau đó, mày mò thiết kế, khiến chúng có các công năng mới.
Slogan của 3T được in ngay trên logo, với 3 phương châm “tiết giảm – tái sử dụng – tái chế”. Sản phẩm độc đáo nhất của cửa hàng là túi xách làm từ băngrôn quảng cáo, hoa giả và đồ buộc tóc làm từ bao nylon.
Công phu hơn, cửa hàng còn có các sản phẩm thủ công như rổ, chậu hoa, túi đan bằng dây nhựa. Sắp tới, các bạn trẻ trong nhóm sẽ xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm sợi nylon đan để phát triển ra thị trường.
Bên cạnh việc tái chế, cửa hàng 3T còn triển khai thêm các hoạt động trao đổi sách cũ, cho thuê xe đạp, nhằm khuyến khích mọi người tiết kiệm, không bỏ quên thói quen sống xanh. Hằng tháng, nhóm tổ chức những buổi họp mặt, chia sẻ cho các bạn quan tâm cách làm sản phẩm hand-made từ đồ tái chế.
Trong trào lưu sử dụng đồ tái chế, cũng có một số nhầm lẫn, hiểu biết sai lệch về tính chất của sản phẩm tái chế. Giấy ximăng, giấy kraft vốn có màu ngả vàng nên hay bị nhầm là sản phẩm giấy tái chế.
Nhiều nhóm bạn, trong quá trình tái tạo đồ ve chai, lại sử dụng thêm nhiều vật liệu trang trí đắt tiền nên sản phẩm ra đời bị đội giá khá cao, phần nào làm mất đi thông điệp gần gũi, dễ sử dụng của các sản phẩm tái chế.
Minh Thư (trường ĐH Sài Gòn) chia sẻ: “Khi mua hàng tái chế, khách hàng rất coi trọng độ vệ sinh của sản phẩm. Khâu làm sạch ve chai vô cùng quan trọng. Các bạn tự đi gom ve chai cũng nên chú ý luôn mang găng tay bảo vệ. Tốt nhất, hãy chọn những khu dân cư để tìm nguyên liệu hơn là tìm đến các vựa thu gom”. |
Theo Linh My
Sinh viên Việt Nam