Chuyện nữ sinh nuôi thú cưng “độc”
Xinh đẹp, nữ tính nhưng loại thú cưng được các nữ sinh này chọn nuôi lại không phải những “em” chó, mèo nhỏ nhắn, dễ thương mà là các loại thú “độc”, lạ khiến nhiều người “sởn da gà” khi nhìn thấy chúng.
Chú chó “khổng lồ” của cô gái cá tính
Thanh Huyền (năm thứ ba, khoa Thiết kế đồ họa, trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương) chọn nuôi Great Dane – một trong những giống chó nhà cao nhất thế giới: “Mình đặt mua Ti (tên chú chó) lúc nó mới 2 tháng tuổi.
Khi ấy, Ti nhỏ bé y như một chú chó bình thường. Tuần đầu tiên ở với mình, Ti nhớ bố mẹ nên bỏ ăn. Mình phải làm quen dần bằng cách nói chuyện, dẫn Ti đi chơi nhiều, đồng thời, cho Ti ngủ cùng”.
Thời gian sau, Huyền phải rèn cho Ti một chế độ ăn khác, không “sang chảnh” như vị chủ nuôi trước đó mà bình dân hơn, để phù hợp với túi tiền của một sinh viên tỉnh lẻ đi học xa nhà. Cô bạn cho Ti ăn cổ gà, xương bò, thức ăn dinh dưỡng, tuyệt đối tránh xa các loại đồ tanh như cá, tôm (vì các giống chó Tây khi ăn những đồ này rất dễ bị bệnh đường ruột).
Việc chăm nuôi cho chú chó cao lớn chẳng hề đơn giản. Huyền kể: “Khi Ti được 4 tháng, đang tuổi mới lớn nên nó rất quậy. Mình đi học nên nhốt nó trong phòng, về đến nhà thì thấy nhà cửa tanh bành, bao nhiêu đồ đạc đều bị nó cắn cho tan nát. Cả chiếc máy ảnh 10 triệu đồng của mình, cứng vậy mà cũng bị nó cắn vỡ”. Nhìn “đống đổ nát”, Huyền ngồi ôm mặt khóc. Chú chó biết lỗi nên ngồi im thin thít, ánh mắt có vẻ ăn năn.
Sau đó, Huyền đã đến nhiều cửa tiệm mua loại xích sắt chắc chắn nhất để xích Ti nhưng đều không ăn thua. Ti vẫn dư sức giật đứt tất cả các loại xích ấy. Để Ti thay đổi tính xấu, mỗi ngày, Huyền phải giăng những đồ vật Ti từng cắn hỏng, ra hiệu lệnh để Ti quen và không cắn bừa. Ti cũng ngốn của Huyền quỹ thời gian không nhỏ: Cho đi vệ sinh, huấn luyện, dắt đi dạo…
Việc nuôi Ti vất vả đến nỗi, Huyền bị sụt hơn 10 kg. Bố mẹ nhìn thấy con gái ngày càng hom hem thì cấm cản, thậm chí, “cắt lương tháng”, tạo áp lực để Huyền phải bán Ti đi. Vì gắn bó với nhau đã quá lâu nên Huyền không đành lòng. Huyền xin đi làm thêm để có tiền lo cho chó cưng.
Thỉnh thoảng, trong những buổi học quân sự hay giáo dục thể chất, Huyền dẫn theo Ti đến trường, khiến bạn bè vô cùng ngạc nhiên khi lần đầu thấy một giống chó to như vậy.
Huyền chia sẻ: “Theo mình được biết, ở Hà Nội, chỉ có 3 chú chó giống Great Dane nhưng một con đã chết rồi. Giờ chỉ còn Ti và một con nữa. Thế nên, nhiều người cũng rất quan tâm đến chú chó của mình. Nhưng nếu họ muốn xem tận mắt Ti thì phải tự tìm đến vì mình không có phương tiện để chuyên chở”.
Giống chó này vốn có tai rộng và cụp, để Ti trông đẹp hơn, Huyền đã đưa chó cưng đến bác sĩ thú y để cắt tai, mất mấy triệu đồng. Sau đó, Huyền phải tiếp tục bỏ ra 100.000 đồng/tuần để mua thuốc dựng tai cho Ti. Dù đã tiết kiệm hết mức nhưng Ti “khổng lồ” đều đặn “ngốn” của cô chủ 2,5 triệu đồng/tháng.
Huyền bảo, số tiền này không hề nhỏ nhưng nhờ có Ti, Huyền đã cố gắng vừa học vừa làm để có thêm thu nhập. “Yêu nhất là những lần Ti làm điều gì đó sai, thấy mình tức giận hoặc không vui là Ti bắt chéo chân ra trước mặt xin lỗi mình. Chỉ cần nhìn thấy cảnh đó là mọi buồn phiền trong mình tan biến hết”, Huyền bảo.
Đến nay, sau hơn một năm, Ti đã nặng 85 kg, khi đứng thẳng bằng hai chân thì cao chừng 1,80 m. Đi đâu Ti cũng khiến người khác phải kinh ngạc về sự to lớn hiếm có của nó. Họ cũng dành cho Huyền ánh mắt ngưỡng mộ bởi cô chủ nhỏ bé đã nuôi dưỡng và huấn luyện chú chó khá tốt.
Làm “bảo mẫu” cho hai “bé” trăn
Nguyễn Trà My (năm thứ nhất, khoa Xuất bản, Học viện Báo chí -Tuyên truyền) có niềm đam mê đặc biệt với trăn. My bảo, ngay từ khi còn bé, bạn đã có hứng thú đặc biệt với các chương trình chiếu trên tivi, giới thiệu về các loài bò sát như trăn, rắn…
Khi anh trai bận việc, nhờ chăm sóc giùm mấy “bé” trăn, My đồng ý ngay. Kể từ đó, cô bạn bị loài bò sát này “hút hồn”. Hiện giờ, My đang là “bảo mẫu” của hai con trăn, một con đã nuôi được 6 tháng, một con mới nuôi được chừng 2 tháng.
My chia sẻ, mọi người thường nghĩ, loài trăn có vẻ ngoài “đáng sợ” và khá nguy hiểm vì nó có thể cắn người. Tuy nhiên, thực tế không phải loài trăn nào cũng vậy: “Mình đang chăm sóc loài trăn thuộc dòng Ball, rất hiền lành và đáng yêu, đặc biệt là không có nọc độc nên không gây nguy hiểm cho con người. Vì thế, mình mới có thể tự tin đem theo các “bé” trăn này ra ngoài, cho đi chơi cùng”.
Theo My, việc chăm sóc trăn không quá phức tạp, tốn kém và mất nhiều thời gian như một số loài thú cưng khác. Khó khăn lớn nhất mà My gặp phải chỉ là khâu mua thức ăn (chuột bạch) cho mấy “bé” trăn ấy.
Huyền và My đều cho biết, việc chọn nuôi những loại thú cưng độc đáo này không phải để thể hiện “đẳng cấp” hay khoe mẽ. Chỉ đơn giản điều này xuất phát từ tình yêu thương động vật, muốn được chăm sóc những loại vật nuôi mà mình yêu thích. Với họ, việc được nuôi nấng, cưng nựng, chơi đùa cùng những con vật nuôi dễ thương chính là “liều thuốc tinh thần” giúp giải tỏa những ưu phiền trong cuộc sống.
Theo Hồng Giang
Sinh viên Việt Nam