Yêu nhau...giảng đường cũng theo!
Không gian hẹn hò của sinh viên giờ không chỉ ở những góc công viên, những vùng đất trống, sân ký túc xá, quán cafe hay phòng trọ mà còn ở ngay trên giảng đường.
“Người lạ” trên giảng đường
Khi giá cả “leo thang”, rất nhiều người đã đi làm còn phải “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm chi tiêu, tiết kiệm mọi thứ có thể thì sinh viên cũng tiết kiệm theo nhiều cách của riêng mình. Trước kia, những quán cafe, những quán rượu ốc, hay quán kem bờ hồ luôn là điểm hẹn lý tưởng của nhiều đôi sinh viên. Nhưng từ khi bão giá thì những thói quen trên cũng dần thay đổi.
Vì thế, thay vì vào quán cafe hay quán chè như trước đây thì nhiều bạn sinh viên lại lựa chọn cho mình một chốn hẹn hò khác: Giảng đường. Việc một số sinh viên dẫn người yêu đi học đã dần không còn lạ lẫm.
Thúy, SV ĐH Thương mại có người yêu là SV ĐH Bách Khoa suốt ngày phải học, thậm chí cả ngày chủ nhật. Hai người chẳng có thời gian hẹn hò, lại ở trọ cách xa nhau nên những buổi không phải đến trường học, Thúy lại đòi qua trường người yêu để học cùng. Hai người nép vào góc cuối lớp, tha hồ nhỏ to trò chuyện.
“Người yêu trọ xa, mỗi lần sang chơi phải mất nhiều thời gian, anh ấy lại phải đi học, chẳng nhẽ lại để mình ngồi nhà một mình? Lần đầu vào lớp người yêu ngồi cũng thấy "ngài ngại" bởi nhiều ánh mắt “soi” mình. Giờ thì vô tư như vào lớp của mình", Thúy vô tư nói.
Hay như Thắng, SV ĐH Xây dựng, ngôi trường nổi tiếng hiếm các “bóng hồng”. Thắng yêu được cô bạn Thu Phương là sinh viên năm nhất trường HV Ngân hàng, xinh xắn, nết na. Lớp Thắng học chỉ có hai bạn gái, đều kém sắc nên khi bạn gái Thắng bước vào lớp học khiến cả lớp ồ lên. Hàng trăm con mắt đổ xô nhìn vào một bóng hồng ngồi cuối lớp.
Nhất cự ly, nhì tốc độ
“Cùng học chung một giảng đường, ngày nào cũng gặp mặt nhau, các hoạt động trong lớp đều có mặt hai đứa, mới đầu tớ chỉ quý và cảm phục bạn ấy vì tài năng, nhưng sau thấy mến nữa, rồi yêu từ lúc nào cũng không biết. Ngày nào lên lớp không thấy bạn ấy thì buồn lắm”, Linh (ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp) bật mí về chuyện tình của mình.
Trong khi những cặp yêu khác trường chỉ có thể tranh thủ gặp nhau vào những ngày nghỉ thì họ (những người yêu cùng giảng đường) thường xuyên được gặp mặt nhau. Và cũng như vậy, giảng đường bỗng trở thành “nơi hò hẹn” lí tưởng.
Hà, SV CĐ Du lịch Hà Nội tâm sự: “Vì học cùng lớp, nên hắn hay lên ngồi chỗ mình, hỏi han về gia đình, chỗ ở. Mình có khó khăn gì hắn cũng biết và giúp đỡ rất nhiệt tình. Dần dần mình thấy mến, rồi những ngày lễ như mùng 8/3 hắn tặng quà và mình sẵn sàng đón nhận”.
Yêu cùng lớp sẽ tiết kiệm hơn về thời gian. Thay vì việc hai người phải “thiết kế” được một chiếc xe để lòng vòng đâu đó thì chỉ cần với một góc sân mát mẻ hoặc đưa nhau lên căng-tin, họ đã có một không gian vừa vui vẻ lại… vừa rẻ.
Giảng đường hay công viên?
Nếu chỉ đơn giản là “tranh thủ” bên nhau trên lớp, trong giờ học, vẫn vui vẻ và chỉn chu học hành thì không có gì phải bàn. Điều đáng buồn là, không ít cặp đôi vô tư quá mức, biến giảng đường thành chốn công cộng, thỏa sức “diễn” tình yêu của mình.
Không ít đôi đến lớp học với những trang phục hở hang, nước hoa thơm phức, sách vở thì chẳng mang, vào lớp lại ngồi nói chuyện, đùa giỡn. Nhiều đôi sinh viên vẫn làm người khác khó chịu với kiểu đến lớp học chỉ để nũng nịu cùng người yêu.
Dẫn người yêu đi học chung, không ít cô nàng hay anh chàng sinh viên không thể tập trung học hành, mà thường kéo nhau một góc khuất cuối lớp để trò chuyện. Và thường thì họ cùng nhau tới lớp chỉ để chờ thầy cô giáo điểm danh xong rồi biến mất.
Như Thúy ban đầu thì thấy vui vui, nhưng dần dần thấy buồn ngủ vì thầy giáo của chàng giảng những điều nàng cho là khô khốc, thế nên hai người chỉ ngồi đầu giờ chờ thầy điểm danh xong, đợi đến lúc ra chơi thì cùng nhau ”đi” luôn.
Có người thậm chí còn coi việc đưa người yêu đến lớp nhằm “chứng tỏ” mình: Không chỉ dẫn một lần mà dẫn nhiều lần, không chỉ dẫn một người mà còn dẫn nhiều người đến lớp (!).
Còn mọi người xung quanh, chỉ biết thở dài ngao ngán trước những cảnh trái mắt trên giảng đường vì những cặp đôi như thế.
Theo Lê Nho Việt
Vietnamnet