Trung Quốc:

“Yêu nhanh, cưới gấp, sớm ly hôn”

(Dân trí) - Đó là trào lưu của một bộ phận thanh niên trẻ ở Trung Quốc. Ở tuổi 21, Liu Yue đã qua một đời chồng. Cô và người chồng cũ Liu Wei mới chỉ cưới nhau được sáu tháng sau khi họ gặp nhau trên mạng Internet vào hồi tháng 10 năm 2003.

“Yêu nhanh, cưới gấp, sớm ly hôn”  - 1

(Ảnh minh họa)
 
 
“Chúng tôi cảm thấy yêu nhau rất nhanh và chat với nhau mỗi ngày kể từ lúc ấy”, Liu Yue nhớ lại, khi đó cô mới chỉ là một sinh viên đại học “Cuối cùng chúng tôi cũng gặp gỡ nhau vào tháng 3 năm 2004 và bắt đầu hẹn hò”.

 

Cả hai cùng sống ở khu đô thị Thiên Tân vào thời điểm  đó. Đầu năm 2005, chính quyền địa phương quyết định phá hủy các ngôi nhà trong khu vực Liu Yue sống. Cảnh sát thông báo nếu một gia đình có hai hay nhiều hơn các cặp vợ chồng (kiểu gia đình nhiều thế hệ), họ sẽ có đủ điều kiện để nhận hai căn hộ đền bù. 

 

“Tôi quyết định phải có một cuộc hôn nhân chóng vánh với Liu để chúng tôi có thể hội đủ điều kiện nhận 2 căn nhà”, Liu Yue nói.

 

Họ lập gia đình với nhau vào tháng 3 năm 2005 tại một cơ quan chuyên  đăng kí kết hôn và không tổ chức tiệc cưới rình ràng. Tuy nhiên, không bao lâu, cuộc sống hạnh phúc của họ thay đổi “Chúng tôi thuê một căn nhà và sống cùng nhau. Có thể chúng tôi đã kết hôn quá nhanh để hiểu nhau đầy đủ hơn”, ở tuổi 25, Liu Yue ngậm ngùi nghĩ lại.

 

Sáu tháng sau, họ ly hôn.

 

“Chúng tôi không phù hợp với nhau, kể cả gia đình mỗi người”, Liu khẳng định “Chồng cũ của tôi sống ở vùng nông thôn và bố mẹ anh ấy vẫn khá bảo thủ. Ví dụ, họ yêu cầu chúng tôi về quê nhà thường xuyên hơn và mong chúng tôi sớm có con. Nhưng chúng tôi vẫn còn trẻ và muốn tận hưởng cuộc sống không có những gánh nặng.

 

Ngoài ra, chồng tôi không biết cách chăm sóc tôi và luôn nghe theo lời mẹ  anh ấy. Tôi không thể chịu được một người đàn ông không làm chủ được suy nghĩ của mình”.

 

Tuy nhiên, chồng cũ  của Liu Yue lại đổ lỗi cho những khó khăn trong cuộc sống hôn nhân hơn là mối quan hệ của họ.

 

“Tôi nghĩ sự thất bại của cuộc hôn nhân này  là do không hoàn toàn hiểu biết đầy đủ về nhau”, Liu Wei nói “Chúng tôi đều sinh ra trong những năm 1980 và bị bố mẹ làm hư. Kết quả là chúng tôi không thể hòa giải được. Chúng tôi gặp phải rất nhiều mâu thuẫn khi sống chung với nhau. Cha mẹ chúng tôi cũng không thể chịu đựng thêm được nữa. Vì thế, ly dị là cách duy nhất”.

 

Cả hai người trẻ  tuổi này đều nói họ sẽ không kết hôn thêm một lần nào nữa sau những gì họ đã phải trải qua.

 

Có một cặp đôi khác cũng giống Liu Yue và Liu Wei nhưng vấn đề lần này lại chính là tiền bạc.

 

Liu Yanli xuất thân từ  một gia đình giàu có. Họ sở hữu một công ty xây dựng. Trong một lần va chạm giao thông, cô đã gặp Zhang Zhi, một anh chàng làm việc cho hãng xe Nhật Bản.

 

“Chúng tôi gặp nhau vào tháng 2 năm 2003 và kết hôn trong tháng 8 năm đó”, Liu Yanli, hiện đã 27 tuổi kể lại “Đó chắc chắn là một quyết định vội vàng. Anh ấy không kiếm được nhiều tiền, gia đình anh ấy không giàu có, chúng tôi không đủ tiền để chi trả cho lễ cưới và mua những thứ cần thiết. Do đó, bố mẹ tôi đã phải mua một ngôi nhà và một chiếc xe cho chúng tôi nhưng lại đăng kí tên người sở hữu là em trai tôi. Zang không hài lòng về việc đó”.

 

Zhang tỏ ra bực bội với những gì mà ông bà “nhạc” đã làm và đã yêu cầu bố mẹ vợ chuyển quyền sở hữu sang cho vợ mình.

 

“Là một cặp vợ chồng, chúng tôi nên chia sẻ mọi thứ”, Zhang nói “Những gì mà bố mẹ cô ấy làm khiến tôi bẽ mặt”.

 

Cả Liu và Zhang đều thừa nhận họ thường tranh cãi về vấn đề này và cuối cùng, Liu quyết định kết thúc cuộc hôn nhân sau 6 tháng. Zhang cuối cùng vẫn trắng tay.

 

Tuy nhiên, trường hợp như họ không phải là hiếm gặp ở  Trung Quốc.

 

Năm ngoái, tại đất nước này có hơn 10 triệu cặp đôi đã đăng kí kết hôn, tăng 10,8% so với năm 2007. Khoảng 73% cuộc hôn nhân là của những người dưới 30 tuổi.

 

Cũng năm 2008, 2,26 triệu người đã ly hôn, tăng 8,1% so với năm trước đó. Tại Bắc Kinh, cứ một trong năm cặp trong tổng số 24.952 cặp đôi ly hôn sau khi kết hôn chưa được 3 năm và 52 cặp vợ chồng “đường ai nấy đi” chỉ chưa đầy 1 tháng sau đám cưới.

 

Tư vấn viên hôn nhân Julie Zhu cho biết có nhiều cặp đôi trẻ đã coi cô như một phương sách cuối cùng để cứu vãn cuộc hôn nhân của họ.

 

“Kết hôn đồng nghĩa với việc gắn bó với nhau trong suốt phần đời còn lại của mỗi người”, Julie giải thích “Ngày nay, hầu hết giới trẻ có xu hướng pha trộn tình yêu và hôn nhân với nhau, họ tin rằng hôn nhân cũng giốn như một cơn sốt, cũng có cảm giác như vấp ngã trong tình yêu”.

 

Julie cho biết hầu hết khách hàng của cô đều là những người sinh vào những năm 1980 (Thế hệ 8X), thế hệ coi mình là trung tâm và không ngừng quan tâm về người khác “Sau một thời gian hẹn hò ngắn ngủi, chưa kịp hiểu hết về nhau, họ đã có kết hôn rất chóng vánh. Lúc đó, họ tin rằng nếu hôn nhân đổ vỡ, họ có thể nhanh chóng thoát ra khỏi nó”.

 

“Vấn đề chính là họ cơ bản không có cái nhìn nghiêm túc về quan niệm hôn nhân”, Julie khẳng định “Họ quá ích kỉ và lo lắng thể hiện cảm xúc để mang trái tim mình cho người yêu và dành thời gian để hiểu nhau tốt hơn. Đây là sự thiệt thòi của riêng bọn trẻ.

 

Thê hệ 8X là  thế hệ vật chất và tôn thờ tiền bạc như thứ gì đó cực kì quan trọng. Họ  tin rằng tiền có thể khiến thế giới xoay vòng. Hầu hết các cuộc hôn nhân đổ vỡ đều xuất phát từ những gia đình giàu có”.

 

Cao Min, một công chức 49 tuổi, người vừa có cô con gái đang học  đại học kết hôn ở tuổi 22 cũng đồng ý  với quan niệm trên. Ông cho rằng giới trẻ ngày nay có những cuộc hôn nhân chớp nhoáng bởi chúng cảm thấy cô đơn và kết quả là một hành động bốc đồng.

 

“Quan niệm của chúng về hôn nhân khác xa thế hệ bố mẹ chúng”, Cao Min nói “Hôn nhân không giống như tình yêu. Tình yêu là giữa hai người nhưng hôn nhân là vấn đề của hai gia đình và cộng đồng. Tình yêu là cảm xúc, hôn nhân là lý trí”.

 

Ông Cao Min nghĩ rằng thế hệ 8X còn có cái nhìn “tiểu thuyết hóa” về tình yêu.

 

“Hiểu biết của bọn trẻ về tình yêu chủ yếu là từ văn học, rất lãng mạn và hoàn hảo. Khi chúng kết hôn, chúng không tìm thấy những gì chúng tưởng tượng và chúng thường cảm thấy thất vọng rồi ly hôn. Tôi không đồng ý với quan điểm tình yêu là quan trọng nhất. Mọi người không thể chỉ theo đuổi hạnh phúc tạm thời. Hôn nhân đồng nghĩa với trách nhiệm và sự hy sinh nhiều hơn.

 

Hu Ziyuan, một quản trị  viên, 33 tuổi và vẫn độc thân nhưng Hu Ziyuan hoàn toàn không đồng tình với trào lưu “yêu nhanh, cưới gấp và sớm ly hôn”. Anh khẳng định hôn nhân không thể bền vững nếu không có một tình yêu lâu bền.

 

“Hôn nhân hoàn toàn khác với hẹn hò một ai đó. Nó đòi hỏi phải có sự chắc chắn cơ bản. Tôi sẽ xem xét những cảm xúc của tôi và tính toán kỹ lưỡng trước khi quyết định kết hôn”.

 

  Hiền

Theo Globaltimes