Ý thức công dân của thế hệ @: Buồn thay!

(Dân trí) - Thích tự do thể hiện chính mình đó là cá tính của giới trẻ. Nhưng đôi khi, những người trẻ đã quên mất chính mình. Ý thức công dân của thế hệ @ đang là một vấn đề báo động.

Người trẻ nơi công cộng

1. Một lần dẫn khách đi tham quan bảo tàng dân tộc học, Minh Hải, sinh viên khoa du lịch, ĐH Mở HN, tự hào giới thiệu với khách nước ngoài về những hiện vật của các dân tộc Việt Nam. Đến trước trống cái, khách du lịch ngạc hiên hỏi những nét chữ, nét vẽ và chữ kí bằng bút bi, bút xóa trên trống, Hải không biết trả lời thế nào.
 
Tâm lý giới trẻ luôn muốn thể hiện mình ở bất cứ đâu. Rất dễ dàng bạn có thể nhận thấy những nét vẽ, những bút kí của những người trẻ ở mọi nơi, trên bàn học, trên tường rồi đến những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, những nơi công cộng để lưu lại dấu vết của mình. Hội chứng “cái tôi” đã nhân rộng ra, không chỉ một mà nhiều người đều tiện tay làm như vậy.
 
Ý thức công dân của thế hệ @: Buồn thay! - 1
Trống cái, Bảo tàng Dân tộc học (Ảnh: DK)

2. Vô tư xả rác: Bãi cỏ giữa đường ở Nguyễn Chí Thanh luôn là địa điểm thú vị của nhiều bạn trẻ. Đoạn đường này tập trung khá nhiều sinh viên của các trường đại học. Vào các buổi tối, có rất nhiều bạn trẻ tập trung vui chơi, ngồi trên bãi cỏ để tụ tập. Các bạn hồn nhiên ngồi trên cỏ mặc dù trước mặt đề những biển báo “không giẫm chân lên cỏ”. Tan tiệc, mọi người tự nhiên đứng lên, chẳng ai để ý tới những túi nước, thức ăn vương vãi, những bãi cỏ xác xơ. Chỉ khổ những bác công nhân vệ sinh suốt ngày dọn dẹp và các chị công ty cây xanh cứ vài tuần phải trồng lại cỏ.

Con đường xanh và đẹp như vậy, mà các bạn trẻ vẫn coi nơi công cộng là chỗ tập trung của mình, quên rằng đó là “nét văn minh đô thị”.

3. Lễ hội hoa anh đào lần thứ hai tổ chức tại Hà Nội thu hút khá đông các bạn trẻ tham dự. Đơn vị tổ chức nỗ lực cố gắng mang lại cho các bạn trẻ một lễ hội ấn tượng và mang đậm nét văn hóa. Giới trẻ háo hức chiêm ngưỡng ba cây anh đào thật từ xứ sở Nhật Bản. Những bông hoa đang chúm chím bỗng bị xâu xé bởi hàng trăm bạn trẻ, ai cũng muốn giành cho mình một cành hoa. Không chỉ vậy, những bông hoa giả, những đèn trang trí, cũng bị “thịt”.

Nhìn những bạn trẻ chen lấn xô đẩy nhau để bẻ cành, nhiều người phải đau lòng: “Ý thức giới trẻ ở đâu”. Ban tổ chức và lực lượng bảo vệ phải “bó tay” với hành động này. Lễ hội kết thúc nhưng để lại trong lòng người trẻ những hình ảnh không đẹp. Buồn thay, đó là một lễ hội có cả những người bạn nước ngoài.
 
 

4. Còn rất nhiều hành động thiếu ý thức của giới trẻ nơi công cộng. Nói về chuyện ý thức công dân nơi công cộng, Thu Hằng, Đại học Tự nhiên rất bức xúc kể: “Trường mình có một trung tâm thư viện, nhưng mình chẳng dám lên đó ngồi học. Một lần vào thư viện, mọi người chăm chú học thì ở phía cuối có một nhóm sinh viên cười đùa nói chuyện rôm rả, thỉnh thoảng còn đưa vài lời bình luận cô nào đẹp, cô nào xấu.

Không chỉ vậy, các bạn nam còn ném thư làm quen. Ai không viết trả lời liền càng bị chọc tức nhiều hơn. Họ tự do thoải mái không biết rằng có rất nhiều người đang nhìn vào con hành động của họ”.

Xã hội ngày càng phát triển, ý thức công dân là một điều cực kì quan trọng, nó ảnh hưởng rất lớn đến bộ mặt của đất nước. Giới trẻ luôn muốn thể hiện mình nhưng đừng vì những hành động bộc phát mà mất đi hình ảnh đẹp của giới trẻ trong mắt mọi người. Đừng biến mình thành người trẻ mà ý thức cũng “trẻ” nhé.

Người trẻ nói gì về ý thức công dân

Thu Thủy, lớp Văn học K49, ĐH KHXH NV: Ý thức công dân là làm theo pháp luật và tiêu chuẩn qui ước của xã hội. Ý thức công dân của thế hệ trẻ hiện nay không tốt lắm vì bây giờ thế hệ trẻ toàn làm theo cái tôi của mình. Cái tôi ấy nhiều khi vượt ra ngoài quy ước của xã hội, họ cho đây là sự phá cách.

Tuổi trẻ có thể là người luôn thích làm theo ý muốn cá nhân mình, đôi khi quên đi quy ước của lối sống, đạo đức, xã hội. Điều đó sẽ dẫn tới ý thức và hành vi ứng xử kém trong cuộc sống, nó có thể gây ra những hậu quả khôn lường, nhẹ thì làm mất đi nét văn hóa thẩm mỹ trong mắt người khác, nặng thì dẫn tới phá hoại.

Để rèn luyện ý thức tốt tất nhiên người trẻ phải học tập tu dưỡng. Điều này cũng khó, nó không thể thay đổi một sớm một chiều mà có thể bản thân người trẻ đôi khi vấp ngã một lần mới tự ý thức và rút kinh nghiệm để thay đổi bản thân. Nói chung học được ý thức tốt cũng chính là học cách làm người.

Thanh Xuân, ĐH Kinh tế quốc dân: Chỉ cần một việc nhỏ sẽ thể hiện ý thức của công dân, đơn giản như không xả rác ra ngoài đường nhưng không có mấy người thực hiện. Bỏ ra đường mà không dám cầm tiếp đi đến bỏ vào thùng rác. Như lớp mình có 120 bạn, nhưng có khoảng 20 bạn không có ý thức trong chuyện này.

Người trẻ đôi lúc họ lỡ quên đi hay cố tình quên đi việc rất nhỏ như bỏ rác vào thùng, không khạc nhổ bừa bãi,…chỉ vì “cho tiện”. Những nơi công cộng không chỉ có người Việt mà có cả bạn bè nước ngoài. Vậy họ sẽ nghĩ gì về các bạn trẻ chúng ta đây?
 
DK