Xuyên Việt bằng “ngựa sắt” - những điều không thể quên

(Dân trí) - 5h sáng ngày 26/6, hành trình xuyên Việt bằng xe đạp của Lê Sơn và Lan Phương (Sinh viên báo chí - ĐH KHXH&NV TPHCM) khởi hành từ Biên Hòa, Đồng Nai. 3h chiều ngày 9/8, hai bạn được cộng đồng blogger Hà Nội đón tiếp ở cửa ngõ thành phố, kết thúc hành trình đầy thử thách và hơi “điên điên”.

Đi để hiểu nơi mình qua và hiểu chính mình

 

“Lan Phương vốn là một cô bé nhút nhát và rất ít giao tiếp. Lên ĐH, chúng tôi chơi khá thân với nhau và nảy ra ý đi xe đạp xuyên Việt. SV Báo chí nên cũng muốn được đi nhiều, biết nhiều.

 

Cũng phải mất một thời gian để chuẩn bị tinh thần, tâm lý và nhất là để trấn an bố mẹ Phương. Bạn ấy là con gái nên bố mẹ cũng có lo lắng hơn. Đợt trước khi đi, tôi phải thường xuyên tới nhà Phương chơi, để bố mẹ bạn ấy quen mặt, tin tưởng là tôi sẽ bảo vệ được bạn ấy dọc dường” - Lê Sơn hồi tưởng khi bắt đầu hành trình.

Và hành trình xuyên Việt bắt đầu…

Mỗi đứa mang theo 1,2 triệu đồng. Chỉ chủ yếu dùng để thưởng thức đặc sản của những nơi đi qua, hoặc vào quán cà phê. Cả hai đều mê cà phê. Nên tới đâu, thấy mách có quán hay, cũng phải cố tìm đến nơi để thưởng thức.

Ăn uống thì mang bếp ga, gạo, đồ hộp, cá khô đi theo để tự nấu, thiếu đâu mua đấy để tiết kiệm. Còn “giắt” theo người vài thứ để có thể tự vệ khi cấp bách. Có những thứ đó bên người dù sao cũng an tâm hơn.

Xuyên Việt bằng “ngựa sắt” - những điều không thể quên - 1
Thật khó để phân biệt đâu gái - đâu trai, dù Lan Phương (đứng sau) là "con gái 100%". 

Đêm đầu tiên chúng tôi xin ngủ tại một chùa Ni (trong chùa là những nữ tu sĩ) nhưng bị từ chối bởi họ tưởng cả 2 là... 2 thằng đàn ông (Phương hay bị tưởng nhầm thế). Cuối cùng chỉ có thể xin Độ (cơm chay) và tắm tại chùa mà thôi! Không có nhiều tiền để ngủ tại nhà trọ, đành ngủ lại ngoài hiên trạm Y tế của huyện Xuân Lộc (Đồng Nai).

Không thể kể được số lần chúng tôi phải ngủ ở mái hiên nhà bên đường, trên vỉa hè, dưới mái hiên của các quán cà phê, nhà bên đường. Người ta dọn hàng thì mình ngủ ké, thế cũng là tốt lắm rồi. Thậm chí có những hôm  phải ngủ ngoài trời mà không có mái che nào trên đầu.

Cũng không thể kể được số lần nhận được những ánh mắt e ngại hay cái lắc đầu từ chối khi ngỏ ý muốn ngủ nhờ hoặc xin tắm nhờ. Không dám trách họ vì không phải ai cũng có thể tin người khác ngay lần đầu gặp mặt, nhất là khi nhìn thấy hai đứa trông lếch thếch, phờ phạc vì bụi đường.

Có lần mưa to ở Đồng Nai, áo mưa chỉ đủ che đồ, còn người cứ vừa đi vừa tắm mưa. Ốm thì đã có thuốc nên không lo. Nhưng khủng khiếp nhất là những ngày đạp xe giữa cái nắng nóng hơn 40 độ của miền Trung gió Lào. Mới thấm thía những cái thông tin thời tiết khắc nghiệt vẫn nghe từ dự báo thời tiết hàng ngày, mà tưởng như là chẳng liên quan gì tới mình.

Xuyên Việt bằng “ngựa sắt” - những điều không thể quên - 2
 Ướt nhẹp vì mưa ở địa phận Phú Yên.

Ngày chúng tôi đi nhiều nhất là gần 90km. Đạp xe từ Huế ra Quảng Bình để kịp ra đúng ngày thương binh liệt sĩ ở nghĩa trang Trường Sơn. Gần 90km cho nửa ngày!

 

Lên đường lúc 1h chiều. 23h đêm, vẫn trên đường, đây lại là một ngày chạy đêm nữa của hai kẻ lữ hành. 0h ngày 27/7/07, chào ngày mới, chào ngày Thương binh liệt sỹ Việt Nam, chào đất lửa anh hung Quảng Trị. Cảm giác xúc động đến gai người khi đứng ở nghĩa trang Trường Sơn, nơi bạt ngàn hơn 10.000 nấm mộ liệt sĩ.

 

Một lần vào nhà trọ, nhìn thấy chúng tôi, ông bà chủ cứ đùn đẩy nhau. Ông chồng đẩy bà vợ ra, bà vợ lại đẩy ông chồng ra. Ông chồng tức quá mới kêu: “Tao có biết tiếng Anh đâu mà ra”. Hai đứa buồn cười quá, vào mới hỏi tiếp: “Nhiu phòng?” Ông chồng tiếp tục trố mắt: “Ui, thằng Tây này biết nói tiếng Việt” và sau đó phát giá Tây luôn 190k/1đêm. Nghe thấy thế, hai đứa tặc lưỡi, phải bye bye để đi luôn.

 

Có những hôm dừng lại nấu cơm, người dân ở các vùng quanh đó xúm đông xúm đỏ, kéo tới mấy chục người ra xem. Lấy kẹo chia cho mọi người, mọi người lại ỉu xìu vì hoá ra đây không phải là người Tây. Trong một số lần, gặp những người Tây thật sự, hai bạn luôn nhận được cái vẫy tay và câu chào: “Hello, where are you from?”. Cuối cùng, chẳng ai biết là hai kẻ lữ hành này đến từ Nhật, Hàn Quốc, hay Singapore nữa.

 

Đi để biết những tình cảm ấm áp

 

Trên hành trình dài ấy, luôn có những tin nhắn, những lời động viên của người thân và bạn bè từ khắp mọi miền đất nước. “Cố lên, cố lên Phương và Sơn nhé”! Và vui hơn, trên những chặng đường dài, lại có những người bạn mới thật đặc biệt, thật thân thiết.

 

11 giờ đêm đến Ninh Thuận, vừa đói vừa mệt, hai kẻ lữ hành tìm được một quán bún. Giải quyết được khâu đói. Rồi nói chuyện một hồi, giải quyết luôn khâu ngủ. Cô Trang, chủ quán bún rất niềm nở và coi chúng tôi như những đứa con trong gia đình.

 

Xuyên Việt bằng “ngựa sắt” - những điều không thể quên - 3
 Cô Trang - người bạn thân thiết nhất của chúng tôi trong chuyến đi.

 

Trong suốt hành trình còn lại, cô thường xuyên gọi điện, kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện bình thường, tự nhiên mà thân thiết đến lạ: “Hôm nay trời mưa, cô bán được ít bún lắm”. “Hôm nay cô chạy ra bưu điện mua báo, thấy hình tụi mày, vui quá trời luôn”… 

 

Chúng tôi còn có được một cậu em trai kết nghĩa. Tình cờ nơi quán nhỏ. Chúng tôi quen nhau, ngưỡng mộ và kết tình huynh đệ. Anh ngang tàng, em ngông; anh bụi, em bặm. Anh nhọc nhằn, em bươn chải.

 

Trong suốt những chặng đường vất vả, chúng tôi cũng có lúc thấm mệt, cũng nản chí, nhưng nghĩ đến những người bạn đang chờ đón mình ở phía trước, dường như tiếp thêm sức mạnh: “Đi nhanh đi, nhỏ Hương đang làm gà đợi tụi mình ở nhà đó”. Nào, đi tiếp thôi.

Nhưng lúc chúng tôi nản chí, muốn chùn chân nhất chính là những lúc được bạn bè mình “chăm bẵm” quá. Chúng tôi có bạn bè ở một số nơi, nên khi đi qua được các bạn ấy đón tiếp nhiệt tình lắm.

Thấy đi vất vả, nên các bạn chỉ bắt nghỉ ngơi, ăn uống thả cửa, không cho làm gì. Ở lại 1- 2 hôm, quen thế nên thành ra ngại đi. Đó là lúc thấy nản nhất. Chứ không phải là lúc gặp khó khăn. Đúng là quen với khó khăn thì khó, chứ quen sung sướng thì nhanh lắm.

Xuyên Việt bằng “ngựa sắt” - những điều không thể quên - 4
Giữa những người bạn Hà Nội. 

Ra tới Hà Nội, đón chúng tôi là những người bạn mới nói chuyện qua, chứ chưa một lần gặp mặt. Họ tìm chỗ ăn ở cho chúng tôi, rủ chúng tôi tham gia hoạt động tình nguyện cùng. Ở bất cứ đâu, cũng được sống trong những tình cảm ấm áp.

Sau chuyến đi, thấy một điều rõ nhất là hiểu hơn về những vùng đất chúng tôi đi qua và hiểu hơn về chính bản thân chúng tôi. Phải có những lúc trải qua khó khăn mới biết mình đủ mạnh mẽ để vượt qua.

Biết cư xử nói năng thế nào để tạo được lòng tin, thiện cảm từ những người xa lạ. Nói chuyện với bác xe ôm khác, nói chuyện với cô bán bún khác, nói chuyện với những em nhỏ khác... Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là nói chuyện với họ bằng tấm lòng và sự chân thành.

Xuân Lê - Nam Hải
(Ghi theo lời kể của Lan Phương và Lê Sơn)