"Xì tai" 9x và những điều không dễ hiểu
(Dân trí) - Trao đổi bằng "mật mã", sống theo trào lưu Emo, mọi hành động, cư xử hàng ngày đều phụ thuộc vào cảm xúc, để cảm tính “dẫn đường” - Không hiểu các bạn trẻ có thực sự hiểu hết những gì mà mình đang theo đuổi?
Mật mã tuổi teen
Mật mã ư? hay chữ Hàn Quốc? Câu trả lời là không! Đó là một kiểu biến thể của ngôn ngữ, một “sáng tạo” của teen, một phong cách dần định hình trên blog. Tuy nhiên, không phải nhiều các teen ưa dùng loại hình ngôn ngữ này, mặc dù không thể phủ nhận sự ảnh hưởng nhanh và rộng của trào lưu này. Ăn theo xu hướng này là những phần mềm ra đời, từ đó các teen thỏa sức sử dụng và nô nức lao vào… giải mã.
Những bức thư đã được “mã hóa” của teen
“Có gì đâu mà om sòm, bọn mình cũng chỉ nghịch ngợm, tìm những cái mới lạ cho đỡ chán thôi mà. Việc thay đổi ngôn ngữ khi chat tạo cho mình thấy hứng thú hơn. Trong lớp không được dùng di động, xài ba cái chữ này để truyền tin cũng khoái. mà có bị thầy cô tóm cũng không hiểu tụi mình viết gì, nội dung an toàn tuyệt đối” - Tuấn Cường (L.T.K) giải thích những “lợi ích” của ngôn từ mật mã mang lại.
Nhiều bạn trẻ sử dụng loại ngôn ngữ này vì “giờ mà chat tiếng Việt thì còn nói làm gì, kể cả không đụng đến thứ mật mã siêu cấp lằng nhằng, loạn óc này thì cũng phải cố chèn số vào. 9x bây giờ càng viết khó hiểu, càng chứng tỏ bản thân sành điệu”, Bích Trâm (Y.H) nhận xét.
Nhưng ngược lại, ở một thái cực khác hẳn, không ít các bạn trẻ lên tiếng tẩy chay xu hướng này: “Chữ nghĩa gì đọc đến phát điên, xem xong chỉ tổ tốn tiền mua V-Rohto. Người xưa sáng tạo ra ngôn ngữ để trao đổi thông tin mau lẹ, thuận tiện. Mấy thể loại này gửi để “hành hạ” nhau thì đúng hơn. Tớ chả dại “hành xác” kiểu này”, Minh Quý (L.Q.Đ) phát biểu. Đồng tình với ý kiến này của Quý, Huyền My (THCS Giảng Võ) bày tỏ: “Mình được bạn bè chỉ cho xem bảng mẫu giải mã các dãy ký tự này, nhưng quả thực xem chỉ để cho vui, bản thân mình không hề thích xu hướng sử dụng ngôn ngữ mật mã. Mình vẫn chat bằng tiếng Việt không dấu hoặc tiếng Anh, mình nghĩ đây là cách để chat trở nên ý nghĩa hơn chứ không vô bổ như mọi người vẫn nghĩ”.
Các bậc phụ huynh không phải “mù tịt”, thờ ơ với những trào lưu của 9x, cũng không bài xích những sở thích, phong cách của con mình. Bố mẹ bắt đầu học cách tìm hiểu những biến chuyển tâm lý của con cái, tôn trọng quyền tự do và cùng con chia sẻ. Họ tin rằng chính các bạn trẻ sẽ sớm nhận ra con đường mình yêu thích thật sự chứ không phải những thứ theo phong trào một cách vô bổ.
Mốt sống Emo
Rất nhiều bạn trẻ Việt Nam còn mơ hồ về lối sống mới này. Các bạn mới chỉ dừng ở mức “copy” gu thời trang của mốt sống “emo”. Đó là những chiếc áo pull in hình tranh dòng pop - art (nghệ thuật thị giác) trước ngực, cổ áo xé rách với những dòng tuyên ngôn cá tính như “Always to be me” (Luôn là tôi), “Age is number” (Tuổi tác chỉ là con số), “Do you want to kiss me? (Bạn muốn hôn tôi chứ?)… kết hợp quần bó ống với hai chủ đạo là đen và trắng.
Cô giáo Nguyễn Thu Hằng (giáo viên chủ nhiệm lớp 9B, trường THCS Láng Thượng) đã chia sẻ ý kiến về vấn đề này: “Là một giáo viên hằng ngày tiếp xúc với học sinh, tôi có thể cảm nhận những thay đổi tâm lý của các em. Vui, buồn, thất vọng, chán nản chuyện gì, các em đều thể hiện tâm trạng, cảm xúc một cách rõ rệt, không e ngại dù đó là trước mặt thầy cô hay bố mẹ. Việc các em sống phó mặc cho cảm xúc một phần là do ảnh hưởng từ bạn bè hoặc mốt sống của phương Tây - coi mình là trung tâm, muốn tự do ngôn luận, tự do trong cách sống, tự do thể hiện mình. Nó có mặt tích cực khi giúp các em trở nên cá tính hơn, hình thành lối suy nghĩ độc lập nhưng khi quá coi trọng bản thân, tự coi mình là trung tâm thì nó sẽ có tác dụng ngược lại. Đáng buồn nhất là các em bây giờ đã bỏ quên những giá trị cội nguồn, tình cảm và lời khuyên từ người thân”.